Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: người dân vẫn khó mua hàng ở siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: người dân vẫn khó mua hàng ở siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi

Chánh Trung

(KTSG Online) – Người dân TPHCM vẫn rất vất vả khi đi siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi vì quy định đi theo giờ, theo khu vực. Các siêu thị lớn thì vắng khách, thừa nguồn cung hàng hóa nhưng chỉ cung cấp được cho người dân trong phường, phần lớn công suất phục vụ bị lãng phí.

TPHCM: người dân vẫn khó mua hàng ở siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi
Người dân xếp hàng mua hàng hóa tại một cửa hàng tiện lợi trên đường Cửu Long phường 15 quận 10 TPHCM. Ảnh: Lê Vũ

Những ngày qua nhiều người dân tại TPHCM cho biết việc đi siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo khu vực, theo giờ rất vất vả vì phải chờ đợi rất lâu, nhiều nơi hết hàng hóa.

Sở Công Thương TPHCM phối hợp với các địa phương mở lại một số điểm bán hàng thiết yếu tại các chợ truyền thống.

Tính đến nay, đã có 29 chợ hoạt động trở lại. Sở phân bố thêm 41 điểm bán hàng lưu động với khoảng 71 đầu xe cung ứng hàng hóa.

Chị Phương Thảo (phường 15, quận 10) cho biết chị đi siêu thị BigC trên địa bàn phường theo quy định đi đúng phường, đúng giờ. Tuy nhiên khi đến siêu thị phải chờ 2-3 giờ đồng hồ mới vào mua được hàng hóa. Giờ theo phiếu của chị là buổi chiều nên vào siêu thị thì nhiều mặt hàng rau, thịt, cá còn rất ít thậm chí hết. "Dân cư trên địa bàn rất đông, nhu cầu mua lương thực thực phẩm rất lớn nên tôi nghĩ cần phải mở rộng cho dân đi thêm các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở các phường lân cận thì mới đáp ứng nổi”, chị nói.

Nhiều người cũng phản ánh tình trạng tương tự. Đặc biệt là người dân ở một số phường không có siêu thị, chỉ có các cửa hàng tiện lợi nhỏ phản ánh khi vào được để mua hàng thì hàng hóa không còn gì vì cửa hàng quá nhỏ, ít hàng hóa. Nhiều phường thì siêu thị lớn khá vắng, ít khách mua trong khi ở phường khác phải chờ đợi xếp hàng rất lâu, nhiều hàng hóa thiết yếu hết sạch. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng lên hàng không kịp khi người dân mua sắm đông.

Về vấn đề này Sở Công Thương TPHCM cho biết, do số lượng chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động khá lớn, người dân chủ yếu đổ về kênh phân phối siêu thị. Đặc biệt tại những khu vực không có siêu thị mà chỉ có cửa hàng tiện lợi, người dân khi đến nơi thì không còn hàng để mua. Việc phát phiếu do địa phương cơ sở chủ trì, song chưa có sự phối hợp chặt chẽ với điểm phân phối nên gây khó khăn khi mua sắm. Trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp các quận, huyện rà soát quy mô dân số, số lượng điểm bán hàng hóa, lương thực tại các khu vực; chủ động làm việc với hệ thống phân phối như siêu thị, cửa hàng… để đánh giá khả năng, số lượng hàng hóa cung ứng.

Đồng thời, Sở Công Thương yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát khi thực hiện phân chia khung thời gian, số lượng người, đảm bảo khống chế lượng khách ra – vào phù hợp, tránh tập trung đông đúc.
Về đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu, hiện TPHCM đảm bảo năng lực dự trữ từ 120.000 – 150.000 tấn hàng/tháng. Từ đó, góp phần đảm bảo đầy đủ nhu cầu phục vụ cho người dân.

Theo Sở Công Thương, những ngày qua, nguồn hàng từ các địa phương cung ứng cho TPHCM rất dồi dào, TPHCM cũng triển khai phát phiếu mua sắm cho người dân. Tuy nhiên, gặp một số khó khăn do số lượng lớn hệ thống phân phối phải tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh, dẫn tới tình trạng hết hàng tại một số khu vực.

Sở Công Thương TPHCM cũng vừa làm việc với chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 để thống nhất cung ứng thêm thực phẩm tươi sống tại 87 cửa hàng. GS25 chuyển đổi 87 cửa hàng từ bán hàng tiện ích sang bổ sung bán thực phẩm tươi sống.

Mời xem thêm:

Siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa linh hoạt từ 7-17 giờ hằng ngày

Bán hàng lưu động tiếp sức siêu thị, cửa hàng tiện lợi

Nhiều chợ, siêu thị tại Hà Nội tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới