Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Nhiều ‘nút thắt’ cản trở việc chuyển dịch cơ cấu đầu tư 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Nhiều ‘nút thắt’ cản trở việc chuyển dịch cơ cấu đầu tư 

Quốc Hùng

Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM ̣̣ngồi trái, chủ trì hội thảo -Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM (Hepza) quyết tâm chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và đầu tư trong các KCX-KCN theo hướng hiện đại nhưng đang gặp nhiều ‘nút thắt’.

Tại hội thảo “Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trong KCX-KCN TPHCM và nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư hướng tới công nghệ cao” do Hepza tổ chức hôm qua 10-6, các doanh nghiệp, công ty phát triển hạ tầng và cơ quan xúc tiến đầu tư đã nêu lên nhiều khó khăn, cả những trở ngại tồn tại đã nhiều năm.

Những nút thắt cũ: hạ tầng, điện và chính sách

Bà Lê Bích Loan, Trưởng phòng hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) – đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trung việc xúc tiến và thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao – cho rằng có 3 vấn đề lớn luôn là nỗi lo và bức xúc của nhiều nhà đầu tư: kết cấu hạ tầng, chất lượng điện và chính sách ưu đãi đầu tư không rõ ràng. 

Theo bà Loan, mặc dù việc cúp điện ở khu công nghệ cao đã được khắc phục hoàn toàn, nhưng chất lượng điện không ổn định dẫn đến những thiệt hại lớn trong sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cho biết, nguồn điện không ổn định, luôn bị tụt áp, dẫn đến sản phẩm làm ra không thể sử dụng được. Những thiệt hại này là rất lớn nhưng không đơn vị nào chịu trách nhiệm bồi thường cho nhà sản xuất.

Về cơ sở hạ tầng, tình trạng ngập nước trong và ngoài khu công nghiệp, tình trạng kẹt xe thường xuyên trên đường phố… không chỉ là nỗi bức xúc của nhà đầu tư mà cả người dân của TPHCM, nhiều năm nay vẫn chưa khắc phục được.

Cơ chế chính sách ưu tiên cho công nghệ cao không rõ ràng và thực hiện không đồng bộ, kịp thời cũng là một khó khăn lớn khác. Theo bà Loan, Luật Công nghệ cao đã có hiệu lực gần 2 năm mà Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Luật nói sẽ dành ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư, nhưng cao như thế nào thì không thể biết được, do vậy, nhà đầu tư không đủ tự tin để quyết định đầu tư.

Theo bà Loan các nước đang cạnh tranh quyết liệt để mời gọi đầu tư nhưng tại TPHCM các thủ tục hành chính vẫn chưa thông thoáng, chưa theo thông lệ quốc tế (ngân hàng)… dẫn đến kém cạnh tranh.

Nguồn nhân lực chưa sẵn sàng

Tuy nhiên, vấn đề hiện gây bức xúc nhiều cho doanh nghiệp công nghệ cao là không có sẵn nguồn nhân lực. Bà Loan cho rằng, mặc dù SHTP có lợi thế là ở gần Đại học Quốc gia TPHCM – nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ đại học,  nhưng hầu hết các nhà đầu tư đang hoạt động trong SHTP đều than khổ trong việc tuyển dụng.

Tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc Renesas Việt Nam Trần Ngọc Cang cho biết, hầu hết sinh viên mới ra trường được tuyển dụng đều thiếu kỹ năng mềm, chuyên môn và ngoại ngữ kém. Sinh viên Việt Nam chịu khó và rất ham học hỏi, nhưng họ cần được đạo tạo lại trước khi chính thức làm việc. Theo ông Cang, để có được hơn 600 lao động hiện nay, Renesas Việt Nam rất tốn nhiều kinh phí cho việc tuyển dụng và đào tạo trong hơn 7 năm qua.

Còn theo bà Loan, đối với dự án công nghệ cao, các nhà đầu tư đòi hỏi không chỉ sự sẵn sàng mà cả chất lượng và tính dự báo được. Và rõ ràng, bà Loan cho rằng để thu hút được các dự án công nghệ cao thì bài học đầu tiên vẫn là phải làm tốt các “bài học cũ”, gỡ những “nút thắt” trên với chất lượng cao hơn, ổn định hơn.

Thiếu công nghiệp phụ trợ

Định hướng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của thành phố đưa ra tập trung vào ngành công nghiệp điện tử-tin học-viễn thông, công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí chế tạo máy… thay cho các ngành thâm dụng lao động. Tuy nhiên, những lĩnh vực này đòi hỏi phải có ngành công nghiệp phụ trợ tại chỗ để cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất. Thế nhưng công nghiệp phụ trợ lại là điểm yếu không chỉ của riêng TPHCM mà là cả Việt Nam.

Ông Vũ Dương Ngọc Duy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Tân Bình, đang hoạt động trong KCN Vĩnh Lộc, nhận xét công nghiệp điện tử trong nước vẫn còn trong giai đoạn sơ khai do ngành công nghiệp sản xuất các linh phụ kiện (supporting industries) của Việt Nam chủ yếu chỉ xoay quanh một số sản phẩm như bao bì, in ấn và một vài chi tiết nhựa…

Để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và đầu tư, đòi hỏi Chính phủ phải có lộ trình hỗ trợ nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là những lĩnh vực sản xuất các sản phẩm đòi hỏi có công nghệ tiên tiến.

Luật lệ chưa rõ ràng, chưa hợp lý

Mặt khác, theo các nhà đầu tư, lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi Luật Sở hữu trí tuệ rất rõ ràng nhưng theo ông Trần Ngọc Cang, quy định liên quan đến “thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn” chưa rõ ràng hoặc chưa phù hợp. Ví dụ như quy định đòi hỏi có sự chấp thuận của tác giả khi sửa đổi tác phẩm là phần mềm hay phần cứng (hardware design), liên quan đến Quyền nhân thân tại Khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ. Ở các nước như Nhật Bản, theo ông Cang, quy định về quyền nhân thân này dựa vào Công ước Berne chủ yếu để bảo vệ danh dự, uy tín của tác giả trong lĩnh vực văn chương và hội họa; không áp dụng đối với các tác phẩm là phần mềm hay phần cứng của các chương trình máy tính.

Mặt khác, theo ông Cang những quy định về việc sa thải người lao động trong Luật Lao động chưa đa dạng cũng đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi có nhân viên làm việc kém hiệu quả hoặc vị phạm những quy định đặc thù khác nhau của từng doanh nghiệp.

Một khó khăn khác, theo ông Cang đó là điều khoản về phí công đoàn 1% trong tổng quỹ lương nhân viên và đóng cho công đoàn đang gây nhiều ngạc nhiên cho các nhà đầu tư khi đến làm ăn tại Việt Nam vì nhiều nước không có quy định này. Theo ông Cang, đối với lĩnh vực sản xuất thông thường (mức lương không cao) thì tỉ lệ phí như vậy có thể là phù hợp, nhưng đối với lĩnh vực công nghệ cao thì đây là một khoản chi phí rất lớn của doanh nghiệp.

Cần hỗ trợ để chuyển dịch

Bên cạnh việc thu hút đầu tư mới, các đơn vị quản lý cũng đang gặp khó khăn trong việc xử lý các nhà máy đang hoạt động với công nghệ lạc hậu sử dụng nhiều lao động trong các KCX-KCN hiện nay.

Hầu hết các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCX-KCN TPHCM đều đồng tình và ủng hộ chủ trương chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiện đại nhưng doanh nghiệp chưa thấy lối ra vì trong các KCX-KCN vẫn còn tình trạng xen kẽ doanh nghiệp công nghệ cao với doanh nghiệp những ngành nghề thâm dụng lao động đã có mặt ở đó 15-20 năm trước.

Ông He Keren, Phó Tổng giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCX Linh Trung I và Linh Trung II, cho rằng công ty ông cũng muốn các doanh nghiệp trong hai khu chế xuất chuyển cơ cấu ngành nghề hoạt động theo hướng phát triển của thành phố, nhưng theo ông, việc chuyển dịch này cần phải có sự dẫn dắt của chính quyền thành phố, chính quyền cần tạo áp lực buộc doanh nghiệp trong việc chuyển hướng đầu tư, đổi mới thiết bị sản xuất.

Ông He Keren cho rằng, việc chuyển đổi này đòi hỏi phải thực hiện lâu dài với thời gian cả chục năm. Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích hỗ trợ cho nhà đầu tư trong việc chuyển đổi ngành nghề, đổi mới thiết bị công nghệ đầu tư hiệu quả nhằm nâng cao giá trị sản xuất và cạnh tranh thì doanh nghiệp mới làm được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới