Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM nói gì về hiện tượng mù quang hóa gây ô nhiễm môi trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM nói gì về hiện tượng mù quang hóa gây ô nhiễm môi trường

Minh Chí

(TBKTSG Online) – Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM ngày 9-10 đã công bố kết quả quan trắc ô nhiễm không khí tại thành phố 9 tháng đầu năm 2019. Theo cơ quan này, trong thời gian xảy ra hiện tượng sương mù quang hóa (mù quang hóa), mức độ ô nhiễm không khí đã gia tăng, đặc biệt là bụi lơ lửng và bụi mịn tăng mạnh.

TPHCM nói gì về hiện tượng mù quang hóa gây ô nhiễm môi trường
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TNMT TPHCM) giải thích về hiện tượng mù quang hóa tại TPHCM. Ảnh: Chí Thịnh

Tại buổi họp báo công bố tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố cũng như cung cấp thông tin về các dự án nâng cao năng lực hệ thống quan trắc môi trường, Sở TNMT cũng giải thích nguyên nhân gây ra hiện tượng sương mù quang hoá (sương mù do ô nhiễm không khí).

Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM giải thích nguyên nhân gây ra hiện tượng “sương mù” trong không khí mà người dân nhìn thấy vừa qua là do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam khiến thời tiết tại TPHCM luôn ở trạng thái nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết khiến hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù. Ngoài ra, do trời không nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho các khí ô nhiễm (khí phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân…) nằm ở lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được gây tích tụ ô nhiễm.

Trả lời câu hỏi các báo về việc Sở TNMT chậm trễ trong việc thông báo hiện tượng này cho người dân, ông Sơn cho biết thông thường hiện tượng mù quang hoá diễn ra vào tháng 10 hàng năm, nhưng năm nay, hiện tượng này lại diễn ra vào giữa tháng 9. Do trung tâm không dự đoán trước diễn biến này nên đã không kịp thời thông báo đến người dân.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, dù đây là hiện tượng tự nhiên, tuy nhiên cũng chịu ảnh hưởng bởi tình hình ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông, hoạt động sản xuất, công trình xây dựng… gây ra.

Mặt khác, đại diện Sở TNMT cũng cho biết việc thông báo số liệu quan trắc môi trường hiện tại còn chậm do trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường vẫn đang sử dụng số liệu quan trắc môi trường được ghi nhận thủ công. Sắp tới, khi được đầu tư, trang bị trạm quan trắc không khí tự động thì việc cập nhật thông tin sẽ liên tục và nhanh hơn.

TPHCM vẫn đang tập trung đầu tư các dự án tăng cường năng lực quan trắc môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong mạng lưới quan trắc môi trường; xây dựng các phần mềm chuyên dụng để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường cho người dân.

Sở TNMT cũng thông báo về tình hình ô nhiễm không khí trong khoảng thời gian xảy ra hiện tượng mù quang hóa: Kết quả quan trắc tại 30 vị trí quan trắc môi trường không khí từ ngày 3-9 đến 20-9-2019 cho thấy có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5) từ ngày 18-9 đến 20-9-2019, cao nhất là ngày 20-9, mức tăng các chất ô nhiễm lần lượt như bụi lơ lửng tăng 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần, PM10 tăng 1,9 lần, PM2.5 tăng 2,2 lần và nồng độ các chất ô nhiễm giữa thời điểm buổi sáng và buổi chiều không có sự chênh lệch cao.

Đặc biệt các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 (dạng bụi mịn) có tỷ lệ vượt chuẩn tăng cao trong ngày 20-9 với các mức lần lượt là 50%, 25% và 50%.

Tăng cường năng lực quan trắc môi trường tại TPHCM

Sở TNMT sẽ tiếp tục công bố các số liệu quan trắc môi trường, đặc biệt là môi trường không khí lên các bảng điện và các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, sẽ tăng cường tần suất công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường; trong đó sẽ đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và một trạm quan trắc không khí tự động liên tục, di động.

Cơ quan này cũng tìm kiếm các nguồn tài trợ và xã hội hóa để tiếp tục đầu tư thêm 11 trạm quan trắc tự động liên tục không khí từ nay đến năm 2030.

Mời đọc thêm

Cần chiến lược tổng thể ứng phó ô nhiễm không khí

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới