Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Phải đẩy nhanh xây dựng bệnh viện để giảm tải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Phải đẩy nhanh xây dựng bệnh viện để giảm tải

Ban Cao

TPHCM: Phải đẩy nhanh xây dựng bệnh viện để giảm tải
Bí thư Đinh La Thăng làm việc tại công trường xây dựng bệnh viện Nhi đồng thành phố ngày 6-3. Ảnh: Ban Cao

(TBKTSG Online) – Hiện nhiều bệnh viện công tại TPHCM đang bị quá tải nghiêm trọng, chẳng hạn như Bệnh viện Ung Bướu bị quá tải 170%, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình quá tải 116%, Bệnh viện Nhi đồng 1 quá tải 119%…  Trong khi đó một số bệnh viện tư như Bệnh viện Hoa Lâm-Shangri-la mỗi tháng phải bù lỗ 1 triệu đô la Mỹ do không có bệnh nhân đến khám.

Đó là những thông tin được đưa ra tại buổi làm việc của đoàn công tác của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Kim Tiến và đại diện các bộ, ngành liên quan của trung ương tại TP.HCM hôm nay, ngày 6-3.

Cùng với tình trạng quá tải bệnh viện thì nhiều dự án bệnh viện mới trên địa bàn TPHCM cũng có tiến độ xây dựng chậm, nhiều dự án được phê duyệt từ lâu nhưng vẫn còn nằm trên giấy như các cơ sở 2 của Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố…

Phát biểu tại cuộc họp tại UBND TPHCM, ông Thăng cho rằng, từ sau giải phóng miền Nam đến nay tại TPHCM chỉ nâng cấp các bệnh viện là chính, ít xây dựng các bệnh viện mới, do đó cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện công mới có thể giải quyết tình trạng quá tải ngày một nghiêm trọng hiện nay.

Dự án Bệnh viện Nhi đồng thành phố đang được xây dựng tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá là có tiến độ xây dựng nhanh so với nhiều dự án bệnh viện khác, nhưng ông Thăng không đồng ý.

“Nhanh với nơi khác nhưng với tình trạng 4-5 cháu một giường thì thế vẫn là chậm”, ông Thăng nói.

Ông Thăng chỉ đạo đến ngày 15-3 phải duyệt xong phần thầu trang thiết bị y tế, ngày 30-6 phải giao toàn bộ phần thô của công trình, và tới ngày 30-9 phải lắp đặt xong trang thiết bị để đưa bệnh viện vào sử dụng

Bệnh viện Nhi đồng thành phố phải bàn giao phần thô vào tháng 6-2016 nhưng hiện nay công trình vẫn còn khá ngổn ngang. Ảnh: Ban Cao

Trong khi đó, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM hiện đã quá tải nhiều năm liền, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Dự án bệnh viện Chấn thương chỉnh hình mới được phê duyệt và dự kiến hoàn thành vào năm 2012, tuy nhiên đến nay dự án này vẫn nằm trên giấy do gặp nhiều vướng mắc trong bồi thường giải tỏa mặt bằng, chọn nhà thầu thi công.

Ông Thăng đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh viện, “nếu nhà đầu tư chậm tiến độ thì thay nhà đầu tư khác”, ông Thăng nói.

Cũng trong hôm nay, ông Thăng đã thăm và làm việc tại khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm-Shangri La. Đây là khu y tế hiện đại có quy mô 6 bệnh viện với tổng số 1.750 giường bệnh, hiện có bệnh viện Quốc tế City đã hoạt động được hai năm. Tuy nhiên, bệnh viện này lại gặp nhiều khó khăn trong quy hoạch, chính sách hỗ trợ vay vốn…

Ngoài ra, bà Trần Thị Trung Chiến, Chủ tịch Hội đồng cố vấn y khoa Bệnh viện Hoa Lâm, cho biết hiện bệnh viện có công suất khai thác thấp, rất ít bệnh nhân đến khám, mỗi tháng phải bù lỗ 1 triệu đô la Mỹ.

Ông Thăng cho rằng, với tình trạng quá tải tại bệnh viện công, còn bệnh viện tư được đầu tư khang trang như vậy mà lại không có bệnh nhân thì rất lãng phí. Hiện nay người nghèo thì đi khám ở bệnh viện nhà nước, còn người có điều kiện lại đi khám ở nước ngoài. Ông Thăng đề nghị bệnh viện Hoa Lâm xem xét lại giá dịch vụ y tế, đồng thời có kế hoạch liên kết với các bệnh viện uy tín như bệnh viện Chợ Rẫy trong thời một thời gian để khai thác hiệu quả.

Các bệnh viện cần tăng cường tự chủ

Trong cuộc họp, PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng cần phải tăng cường tính tự chủ của bệnh viện, vì hiện nay nhà nước không chi tiền cho bệnh viện nhưng mọi hoạt động của bệnh viện như quản lý tổ chức, tài chính, mua sắm, cũng đều phải xin phép.

Bà Lan cho rằng cơ chế xin-cho này khiến nảy sinh nhiều vấn đề, không phát huy được tính chủ động sáng tạo của đội ngũ tri thức tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, bệnh viện phải đón tiếp rất nhiều đoàn thanh tra, khiến các bệnh viện phải “vùng vẫy” mới có thể thoát ra và phát triển.

Bí thư Đinh La Thăng đề nghị các bệnh viện phải tăng cường tự chủ, phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm, “Mong UBND thành phố có cơ chế vận hành để tạo điều kiện cao nhất cho các giám đốc bệnh viện. Bệnh viện nào thực hiện được tự chủ tài chính thì cần phải khuyến khích”, ông Thăng nói.

Cũng trong buổi họp, có nhiều ý kiến xung quanh việc đấu thầu thuốc nên tập trung hay để cho các bệnh viện tự thực hiện, vấn đề quản lý giá thuốc…

Theo bà Lan, đấu thầu tập trung sẽ rất dễ quản lý, giám sát, và giá thuốc sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên, thị trường quá nhỏ lẻ, manh mún khi đấu thầu tập trung sẽ khó tìm mẫu số chung cho các bệnh viện trong thành phố, và khó đảm bảo tiến độ cung ứng.

Hơn nữa, khi đấu thầu tập trung sẽ rất khó quản lý chất lượng thuốc. “Chênh lệch giữa giá thuốc nội và thuốc nhập có thể lên tới 160 lần, giá thuốc nội chỉ có 57 đồng/viên nhưng giá thuốc nhập là 9.000 đồng/viên. Thông thường, thuốc giá rẻ sẽ trúng thầu, vậy giá thuốc sẽ xuống thấp, gây mất lòng tin ở người dân, và liệu thuốc có giá trị điều trị hay không”, bà Lan nói.

Bà Lan cũng cho rằng hiện các công ty phân phối thuốc tại TPHCM là quá nhiều, có tới 1.080/1.700 công ty phân phối trên cả nước. Thuốc khi đến tay người dân phải chịu nhiều chi phí trung gian không cần thiết.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới