Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Phát triển theo mô hình tập trung đa cực?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Phát triển theo mô hình tập trung đa cực?

Mô hình giao cắt đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây với QL1A tại Dầu Giây.

Ngày 30-1-2008, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì hội nghị thẩm định quy hoạch xây dựng vùng TPHCM.

Vùng TPHCM bao gồm cả các tỉnh lân cận như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh…, trong đó TPHCM đóng vai trò hạt nhân.

Tại hội nghị, Phân viện phía nam Viện quy hoạch đô thị – nông thôn (Bộ Xây dựng), đơn vị thực hiện quy hoạch, đã đưa ra 3 mô hình cho vùng TPHCM: mô hình tập trung cao, mô hình phân tán và mô hình tập trung đa cực. 

Mô hình tập trung đa cực với TPHCM là hạt nhân kết nối với các vùng đô thị đối trọng như Bà Rịa – Vũng Tàu qua quốc lộ 51, vùng đô thị Long Khánh qua quốc lộ 1A, vùng đô thị Bình Phước qua quốc lộ 13, vùng đô thị Tây Ninh qua quốc lộ 22, vùng đô thị Long An qua quốc lộ 1A vừa tiện lợi về giao thông vừa tạo ra nhiều lợi thế cho phát triển bền vững, đã được các nhà tư vấn đề nghị chọn làm mô hình phát triển.

Không phản đối đề xuất này, song đại diện nhiều tỉnh, thành lại tỏ ra băn khoăn về cơ chế hoạt động của vùng đô thị TPHCM. “Nếu không có một cơ chế phù hợp thì vùng TPHCM chỉ là tên gọi, các địa phương không gắn kết, hỗ trợ cho nhau được” – một đại biểu nhận xét.

Theo đó, đại diện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị có một “nhạc trưởng” cho vùng TPHCM để cùng xem xét việc phát triển và thu hút đầu tư cho từng địa phương trên tinh thần phù hợp với tiềm năng của từng địa phương và có sự tương trợ giữa các địa phương trong vùng.

Đại diện tỉnh Long An đề nghị phải có ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch vùng và cơ quan này phải có thực quyền, ít nhất là tài chính để xây dựng các chương trình hợp tác giữa các địa phương, đặc biệt trong việc bảo vệ môi trường.

Một tư vấn nước ngoài được Bộ Xây dựng mời phản biện cũng có một đề nghị liên quan đến cơ chế thực hiện quy hoạch. Theo đó, phải có thể chế, nguồn nhân lực và xác định nhu cầu đầu tư để có kế hoạch tìm kiếm các nguồn vốn từ nhiều quỹ khác nhau. Đặc biệt là phải có cơ chế quản lý đất và cấp phép xây dựng chặt chẽ, ngăn chặn được việc xây dựng không phép. Một số chi tiết trong bản quy hoạch cũng đã được các đại biểu đề nghị bổ sung.

Đại diện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị điều chỉnh lại đường vành đai 2 theo hướng phải kết nối được với 2 khu vực: Cái Mép, Thị Vải đang phát triển mạnh mẽ cảng nước sâu. Tỉnh Tây Ninh đề nghị nối dài đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài đến núi Bà Đen để phát huy tiềm năng du lịch của tỉnh. Tỉnh Long An góp ý phải có khu vực xử lý chất thải công nghiệp nguy hại cho cả vùng vì trong tương lai không xa, vùng TPHCM sẽ phát triển mạnh mẽ nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Chủ tịch TPHCM Lê Hoàng Quân đề nghị phải tính đến việc xác định các nguồn nhân lực để thực nhiệm vụ quy hoạch và lưu ý đến công tác an ninh quốc phòng trong việc phát triển vùng…Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã ghi nhận ý kiến góp ý của các địa phương và cho biết sẽ sớm hoàn chỉnh quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới