Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM quan trắc tự động nước thải tại các KCN

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM quan trắc tự động nước thải tại các KCN

Nước thải chưa qua xử lý thải từ KCN Lê Minh Xuân tại huyện Bình Chánh, TPHCM đang giết chết con kênh 8 ở đây – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Ông Nguyễn Đinh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, vừa cho biết, thành phố sẽ triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động tại 12 khu công nghiệp (KCN) trong thành phố vào năm 2009.

Theo ông Tuấn, việc soạn thảo chương trình lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động sẽ được chi cục hoàn tất vào tháng 1-2009, sau đó sẽ trình UBND thành phố phê duyệt. Thời gian lắp đặt toàn bộ 12 trạm quan trắc tự động là 1 – 2 tháng.

“Việc lắp đặt các trạm quan trắc nước thải tự động sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý và giám sát chất lượng môi trường nước thải tại các khu công nghiệp chặt chẽ hơn. Tổng chi phí cho việc lắp đặt 12 trạm quan trắc là khoảng 15 tỉ đồng, sử dụng ngân sách thành phố”, ông Tuấn cho biết.

Một hệ thống quan trắc nước thải tự động gồm 3 phần chính: hệ thống đo và thu thập dữ liệu chất lượng nước thải tại hiện trường, hệ thống truyền, nhận dữ liệu và hệ thống giám sát tại trung tâm.

Theo Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM (HEPZA), thành phố có 3 khu chế xuất và 12 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng lưu lượng nước thải khoảng 35.000 mét khối mỗi ngày. Ông Phạm Thanh Trực, Phó phòng quản lý môi trường của Hepza, cho biết hiện tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, trừ KCN Tân Phú Trung ở huyện Củ Chi, đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 230 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp có phát sinh nước thải với quy mô lớn, nhưng vẫn còn trên 80 doanh nghiệp chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Nhiều doanh nghiệp tuy đã đầu tư nhưng hệ thống xuống cấp hoặc chỉ vận hành theo kiểu đối phó với cơ quan chức năng khi có kiểm tra. Do đó, chất lượng nước thải đầu vào tại các hệ thống xử lý nước thải tập trung của nhiều khu công nghiệp không đạt, dẫn đến nước thải sau xử lý của các hệ thống xử lý nước thải tập trung cũng không đạt trước khi thải ra môi trường, ông Trực giải thích.

Sáng 10-12, HEPZA đã có cuộc họp với hơn 30 công ty chuyên tư vấn và cung cấp dịch vụ môi trường trong và ngoài nước. Theo đại diện nhiều công ty, quá trình tư vấn cho thấy nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp tỏ ra xem nhẹ việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ.

Ông Lâm Tấn Qui, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải công nghiệp và tư vấn môi trường Văn Lang, cho biết, nhiều doanh nghiệp tỏ ra e dè khi được tư vấn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải cục bộ cho doanh nghiệp mình. Họ xem việc đầu tư này là một gánh nặng chứ không phải là một thế mạnh để cạnh tranh trong hoạt động sản xuất.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới