Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh

Hùng Lê

TPHCM quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong (thứ 2, từ trái sang) đang phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM – Ảnh: Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Mục tiêu của TPHCM là phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp mới trong năm nay, và để đạt được mục tiêu này lãnh đạo thành phố chỉ đạo tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Tại buổi họp duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM ngày 8-2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo phải cải tạo môi trường kinh doanh thật thông thoáng, tạo điều kiện kích thích để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Phong lưu ý việc có thêm 50.000 doanh nghiệp trong năm nay cần xuất hiện ở những lĩnh vực có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố.

Bên cạnh doanh nghiệp thành lập mới, việc khuyến khích chuyển hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp cũng được người đứng đầu thành phố đặt ra. Theo ông Phong, hiện thành phố có khoảng 260.000 hộ kinh doanh thì cần phải tìm hiểu xem liệu những hộ kinh doanh này có muốn chuyển sang doanh nghiệp? Liệu việc chuyển sang doanh nghiệp của họ có gặp khó khăn từ việc quản lý kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, đóng thuế?

Hiện nay toàn thành phố có gần 300.000 doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp thì trong vòng bốn năm tới mỗi năm cần có khoảng 50.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đi đôi với việc phát triển doanh nghiệp mới thì cũng phải củng cố hỗ trợ doanh nghiệp hiện hữu đầu tư kinh doanh, ông Phong lưu ý.

Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện để các tập đoàn đa quốc gia vào TPHCM đầu tư làm ăn, gắn với sản xuất trong nước và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ đạo cần phải hình thành các tập đoàn tư nhân mạnh có công nghệ hiện đại làm nòng cốt để phát triển kinh tế cũng như phát triển doanh nhiệp vừa và nhỏ để có sức cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế.

Ông Phong lưu ý nguồn lực trong nước quyết định nhưng nguồn lực nước ngoài cũng rất quan trọng. Do đó, trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư là cần phải xem xét việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực gì là cần thiết để phát triển, không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá.

"Nếu ảnh hưởng đến môi trường thì phải từ chối ngay", ông Phong nói và chỉ đạo phải tính toán cơ cấu thu hút vốn FDI vào những ngành, những lĩnh vực nào không thâm dụng lao động, đòi hỏi chất xám, mang lại giá trị kinh tế cao và phải kết nối được doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Phong đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu để giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nhằm không cản trở họ đầu tư kinh doanh. "Năm 2016, TPHCM là địa phương thu hút vốn FDI lớn thứ năm cả nước, nếu không có những cản trở về thủ tục hành chính thì có thể cao hơn", ông Phong nói.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong bối cảnh các cam kết của Việt Nam tham gia vào các hiệp định quốc tế đang thực hiện, đặc biệt là các ngành nghề đầu tư cần có lộ trình để triển khai, cần phải có ý kiến của các bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, các ý kiến hoặc chưa được các văn bản hướng dẫn thực hiện, hoặc ý kiến trả lời của các bộ thường chậm so với yêu cầu, gây kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.

Sở cũng kiến nghị thành phố chỉ đạo các ngành hoàn thiện các quy hoạch, quy định chuyên ngành để làm cơ sở cho doanh nghiệp kinh doanh.

Ngoài ra, để đảm bảo tính thống nhất trong công tác cấp phép và quản lý hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại thành phố giúp thống nhất quản lý theo ngành dọc, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND thành phố xem xét ủy quyền cho Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tổ chức, tiếp nhận và tham mưu cho UBND thành phố giải quyết hồ sơ cấp, điều chỉnh giấy phép kinh doanh và giấy phép lập cơ sở bán lẻ (trong trường hợp có thành lập cơ sở bán lẻ).

Việc này theo Sở Kế hoạch và Đầu tư là phù hợp với quy định về chức năng nhiệm vụ của cơ quan chuyên ngành, không trái với quy định hiện hành tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP của Chính phủ và kỳ vọng sẽ giúp hoạt động thương mại của các doanh nghiệp FDI của thành phố được hỗ trợ tốt hơn khi công tác quản lý nhà nước được chuyển về cho sở chuyên ngành phụ trách.

Năm ngoái, TPHCM có khoảng 36.500 doanh nghiệp thành lập và thu hút được khoảng 3,45 tỉ đô la Mỹ vốn FDI.

Mời đọc thêm:

>>> Việt Nam tăng 9 bậc về môi trường kinh doanh 2017

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới