TPHCM sắp khởi công tuyến metro số 2
Văn Nam
(TBKTSG Online) – Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, dự kiến vào ngày 24-8 tới, thành phố sẽ khởi công xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương với hạng mục depot (nhà ga và trạm bảo trì)Tham Lương tại quận 12.
Theo một cán bộ của Ban quản lý đường sắt đô thị, các hạng mục được khởi công ngay gồm san lấp mặt bằng rộng 25 héc ta, xây dựng đường công vụ và một số cơ sở hạ tầng cơ bản khác của depot Tham Lương với tổng kinh phí khoảng 27 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều 1-8, vị cán bộ ban quản lý cho biết hiện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đang thẩm định lần cuối toàn bộ giai đoạn 1 của tuyến metro số 2 có tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ, dự kiến dự án sẽ được UBND thành phố phê duyệt trong tháng 8 này.
Vị cán bộ này cho biết, tuyến metro số 2 đã được thành phố thẩm định nguồn vốn đầu tư rất kỹ trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc tăng vốn khá nhiều của tuyến metro số 1.
“Dự kiến vào năm 2016, thành phố sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của tuyến metro số 2 có chiều dài 11 km, nối từ nhà ga Bến Thành (quận 1) đến depot Tham Lương (quận 12)”, vị cán bộ này cho hay.
Trong giai đoạn 2, sẽ mở rộng tuyến metro số 2 kết nối từ khu đô thị mới Thủ Thiêm đi Ngã tư An Sương với tổng chiều dài khoảng 19 km.
Hiện tại, đã có 3 ngân hàng chính thức cam kết tài trợ nguồn vốn cho giai đoạn 1 của dự án gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Được biết, thành phố quy hoạch xây dựng tổng cộng 6 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 109 km. Trong đó, depot Long Bình (quận 9) của tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã được khởi công xây dựng vào tháng 2-2008.
Theo báo Tuổi Trẻ đưa tin ngày 30-7, UBND thành phố cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh tăng vốn đầu tư tuyến metro số 1 lên gần 2,5 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn gấp đôi so với vốn được phê duyệt trước đây chỉ xấp xỉ 1 tỉ đô la Mỹ do biến động giá nguyên vật liệu, tăng khối lượng dự án, tăng lượng hành khách, thay đổi thiết kế, trượt giá, tăng chi phí dự phòng…