Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM sẽ đánh giá thiệt hại do ngập nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM sẽ đánh giá thiệt hại do ngập nước

Văn Nam

TPHCM sẽ đánh giá thiệt hại do ngập nước
Dự kiến TPHCM sẽ đánh giá tổng thể thiệt hại do ngập nước đô thị – Ảnh: Mạnh Tùng.

(TBKTSG Online) – TPHCM sẽ đánh giá thiệt hại do ngập nước đô thị qua việc phân tích dữ liệu, sau đó sẽ ưu tiên đầu tư công trình chống ngập ở những nơi bị thiệt hại nhiều.

Đây là một trong các nội dung được lãnh đạo UBND thành phố họp trong chiều nay (5-1-2015) bàn về chương trình nghiên cứu tổng hợp về quản lý ngập nước trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2014 – 2020.

Cần đánh giá thiệt hại đầy đủ và toàn diện hơn

Theo ông Trịnh Công Vấn, Viện trưởng Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mekong và là thành viên ban chủ nhiệm chương trình nói trên cho biết, việc đánh giá thiệt hại do ngập nước đô thị sẽ kết hợp khảo sát các yếu tố về kinh tế, xã hội, các thiệt hại trực tiếp, gián tiếp, thiệt hại hữu hình có sự tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới.

Với kết quả đánh giá thiệt hại này, chính quyền thành phố sẽ có cơ sở đưa ra quyết định trong việc ưu tiên đầu tư các công trình chống ngập tại những khu vực thiệt hại nhiều hơn. Dự kiến thời gian đánh giá thiệt hại do ngập nước thực hiện trong giai đoạn 2015 – 2020.

Theo Sở Giao thông vận tải thành phố tại kỳ họp HĐND thành phố hồi giữa tháng 12-2014, trong 58 điểm ngập thì đến nay thành phố đã xóa được 47 điểm. Tuy nhiên lại để tái ngập 33 điểm và phát sinh đến 29 điểm ngập mới.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online mới đây, ông Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản ý nước và biến đổi khí hậu – Đại học quốc gia TPHCM cho biết, vào năm 2011, trung tâm đã có một cuộc khảo sát 1.000 hộ dân tại các điểm thường xuyên bị ngập úng tại thành phố để đánh giá thiệt hại về ngập úng đô thị.

Kết quả khảo sát, tính toán sơ bộ cho thấy mức độ thiệt hại tài sản trực tiếp của người dân thành phố do ngập úng gây ra không nhiều, ước khoảng 30 triệu đô la Mỹ mỗi năm. "Tuy nhiên, trung tâm vẫn chưa thể đánh giá hết các thiệt hại gián tiếp như về tinh thần, sự bực bội của người dân vì kẹt xe, ảnh hưởng đến công ăn việc làm … có thể sẽ còn lớn gấp nhiều lần mức độ thiệt hại kinh tế trực tiếp mà chúng tôi khảo sát được", ông Phi cho hay.

Trên phạm rộng hơn, cho đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào tại TPHCM công bố thống kê về con số thiệt hại của người dân do tác động bởi tình trạng ngập úng đô thị do triều cường, mưa lớn. Chỉ có một số liệu khá chung chung từ báo cáo kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam cho thấy: nếu nước biển dâng 1 mét thì 21% diện tích TPHCM sẽ bị ngập, ảnh hưởng đời sống 7% dân số, thiệt hại về kinh tế theo đó cũng sẽ vô cùng lớn.

Xây hồ trữ nước mưa để chống ngập

Cũng trong chương trình nghiên cứu tổng hợp về quản lý ngập nước trên địa bàn thành phố chiều nay, chính quyền thành phố cũng đang tính đến phương án xây hệ thống tạm trữ nước mưa (phân tán và tập trung) giúp giảm áp lực tiêu thoát nước lên hệ thống cống chung, tái sử dụng nước mưa. Hệ thống tạm trữ nước mưa này là các bể chứa tại các khu dân cư, công sở, sử dụng làm vệ sinh, tưới cây và một hệ thống hồ điều tiết.

Qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online mới đây, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng quản lý thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho biết, hiện đã chọn được địa điểm có thể xây hồ điều tiết.

Theo đó, trước mắt là hồ Khánh Hội ở quận 4 (diện tích 4,8 héc ta) với tổng mức đầu tư 304 tỉ đồng. Hiện UBND quận 4 đang đề xuất ghi vốn để triển khai trong năm 2015. Một số hồ khác dự kiến triển khai trong năm 2015 như hồ Thủ Thiêm (thuộc quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2), hồ Gò Dưa (quận Thủ Đức), hồ Bàu Cát (quận Tân Phú) cũng dự kiến khởi công cuối năm 2015…

Ngoài các hồ điều tiết được lên kế hoạch sẽ xây dựng trong năm 2015 thì trung tâm cũng khảo sát một số hồ cảnh quan khác có khả năng mở rộng, gia cố chuyển thành hồ điều tiết nước như hồ công viên Linh Đông (quận Thủ Đức) với diện tích hiện có khoảng 8 héc ta, Khu 87 héc ta phường An Phú quận 2 (2 héc ta), công viên phường An Lạc 1,4 héc ta tại quận Bình Tân, ao Song Tân 7,4 héc ta tại quận 7, công viên Vĩnh Lộc 85 héc ta tại Bình Chánh, công viên phường An Phú Đông 1,7 héc ta và phường Thạnh Xuân 150 héc ta tại quận 12, khu vực công viên Gia Định quận Gò Vấp.

Theo các chuyên gia chống ngập, nếu triển khai đồng bộ việc xây các hồ điều tiết, lượng nước mưa tích trữ sẽ lên đến hàng chục triệu mét khối và theo đó sẽ giúp giảm được 30% tình trạng ngập úng cho thành phố so với hiện nay.

Với tác động biến đổi khí hậu, lượng mưa ngày một tăng thì xây hồ điều tiết là giải pháp khả thi để ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp giảm quá tải cho hệ thống cống thoát nước mỗi khi gặp mưa lớn kết hợp với triều cường. Lâu nay đây là hai nguyên nhân gây ngập úng triền miên cho thành phố.

Xem thêm:

>> Vì sao TPHCM còn ngập nặng?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới