TPHCM sẽ điều chỉnh chương trình phát triển công nghiệp vi mạch
Lê Hoàng
![]() |
Ông Ngô Đức Hoàng (đứng) chia sẻ ý kiến tại hội thảo -Ảnh: Hùng Lê |
(TBKTSG Online) – Về định hướng, TPHCM vẫn sẽ tiếp tục phát triển ngành công nghiệp vi mạch nhưng sẽ phải điều chỉnh chương trình phát triển sản phẩm phù hợp hơn với xu hướng thị trường cũng như gắn liền với đề án phát triển xây dựng thành phố thông minh.
Đây là những ý kiến được đưa ra tại hội thảo liên quan đến phát triển công nghiệp vi mạch do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp với Hội Vi mạch bán dẫn TPHCM và Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) tổ chức hôm 4-4.
Tại hội thảo này, ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDRECC thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết đến nay TPHCM vẫn là địa phương có ưu thế nhất trong cả nước về chương trình phát triển ngành công nghiệp vi mạch cũng như thu hút đầu tư về ngành này do đã phát triển được một lượng nhân sự, chuyên gia cho ngành.
Tuy nhiên, dự án đầu tư nhà máy sản xuất vi mạch có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) phụ trách, được xem là dự án cốt lõi của chương trình phát triển vi mạch của thành phố, hiện vẫn chưa được xây dựng và cũng chưa rõ khi nào sẽ hình thành. Trong khi đó, theo dự tính ban đầu công nghệ 180/130nm để phục vụ việc sản xuất và chế tạo các sản phẩm bán dẫn của dự án nhà máy này, ông Hoàng e rằng sẽ không còn phù hợp với thị trường và xu thế thế giới vào những năm tới.
Theo ông Hoàng, nếu CNS vẫn có kế hoạch tiếp tục đầu tư phát triển dự án này thì không thể làm theo phương án cũ mà phải điều chỉnh cho phù hợp.
Cũng theo ông Hoàng, SOTB (Silicon on Thin BOX – công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch tiên tiến) được xem là công nghệ giải quyết bài toán công suất thấp, hiệu năng cao trong các ứng dụng Internet vạn vật (IoT), đồng thời giúp phát triển các thiết bị trong bài toán đô thị thông minh hiện nay. Và ông cho rằng, đã đến lúc ngành thiết kế vi mạch TPHCM hướng tới những công nghệ thiết kế tiềm năng cho lĩnh vực IoT. Những sản phẩm vi mạch và thiết bị dùng vi mạch nên hướng tới nhu cầu đô thị thông minh.
Theo người đứng đầu ICDREC, công nghệ vi mạch SOTB có thể kết hợp với giải pháp truyền thông LORA sẽ được ứng dụng trong việc phát triển thành phố thông mình bằng các dự án như bãi đỗ xe thông minh, hệ thống chống thất thoát nước thông minh, đèn đường thông minh…
Ông Hoàng kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, đơn vị chủ trì chương trình nghiên cứu và sản xuất thử vi mạch, cần tạo điều kiện thực hiện các dự án như nghiên cứu thiết kế vi mạch công nghệ SOTB, nghiên cứu thiết kế thiết bị và hệ thống phục vụ đô thị thông minh dùng công nghệ LORA…
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cho biết chủ trương của thành phố là vẫn tiếp tục hỗ trợ chương trình phát triển công nghiệp vi mạch và sẽ kiện toàn Ban chỉ đạo để có những định hướng phát triển mới trong thời gian tới.
Dự kiến trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp để thiết kế lại chương trình vi mạch của thành phố sao cho phù hợp với điều kiện phát triển thực tế. Đồng thời, theo ông Dũng, chương trình sẽ không gói gọn một vài đơn vị mà có thể huy động nhiều thành phần tham gia như các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp… nhằm tạo thành một hệ sinh thái cho ngành công nghiệp vi mạch, trong đó việc hợp tác quốc tế sẽ được đặc biệt chú trọng.
Mời đọc thêm:
>>> CNS hợp tác chiến lược với nhà sản xuất thẻ NXP