Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM sẽ tái chế, đốt trên 40% chất thải rắn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM sẽ tái chế, đốt trên 40% chất thải rắn

Văn Nam

TPHCM sẽ tái chế, đốt trên 40% chất thải rắn
Một nhà máy đốt chất thải rắn y tế tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM sẽ rà soát, xây dựng kế hoạch tổng thể xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu áp dụng công nghệ tái chế, làm phân compost và đốt 40%, chôn lấp hợp vệ sinh 60% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt.

Theo kết luận của Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa mới đây về kế hoạch xử lý chất thải rắn của thành phố giai đoạn 2016-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đưa ra biện pháp tổng thể xử lý chất thải rắn giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu “100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế và tái sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn môi trường".

Thành phố sẽ áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tái chế, làm phân compost và đốt) 40% và chôn lấp hợp vệ sinh 60% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt. Ngoài ra, 100% số bãi chôn lấp chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh.

Thành phố cũng đang đưa ra các giải pháp, lộ trình xử lý, khắc phục nhanh và triệt để những hạn chế của các khu xử lý chất thải rắn hiện nay; đồng thời phối hợp với Sở Y tế để có giải pháp trước mắt bảo đảm các điều kiện về sức khỏe cho nhân dân sống gần và chịu tác động môi trường của các khu xử lý chất thải.

Cũng liên quan đến nội dung xử lý chất thải, Phó chủ tịch Lê Văn Khoa còn giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan làm việc với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) về hoạt động của khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước liên quan các nội dung như: xem xét lại giá xử lý chất thải rắn đã bao gồm chi phí sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ (thực tế hiện nay chỉ chôn lấp); đàm phán về giá phù hợp với tình hình thực tế khi giao thêm 2.000 tấn/ngày cho công ty này xử lý; giải pháp sử dụng công nghệ mới để hạn chế việc chôn lấp; giải pháp thống nhất việc kiểm tra, giám sát và nghiệm thu chất lượng cung ứng dịch vụ.

Các sở ngành liên quan của thành phố cũng sẽ giám sát chặt chẽ việc giao chất thải rắn cho khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (số lượng, cự ly vận chuyển…).

TPHCM hiện có nhu cầu xử lý chất thải đô thị, chất thải công nghiệp rất lớn, ước mỗi ngày thành phố thải ra hơn 7.000 tấn rác thải sinh hoạt và phần lớn chỉ được chôn lấp.

Theo quy hoạch xử lý rác của TPHCM trước đây thì đến năm 2015 thành phố sẽ tái chế đến 40% tổng lượng rác, chôn 40% và còn lại là đốt. Tuy nhiên, đến nay thì tỷ lệ chôn lấp đã lấn át các công nghệ khác với lượng rác chôn lấp lên đến 75%.

Xem thêm:

>> Toyobo muốn đầu tư xử lý rác thành năng lượng tại TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới