Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo luật mới ít hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo luật mới ít hơn

Hùng Lê

TPHCM: số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo luật mới ít hơn
Đăng ký kinh doanh trực tiếp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM trước đây. Ảnh minh họa: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Trong các ngày đầu tiên áp dụng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi, lượng người đến cơ quan đăng ký kinh doanh ở TPHCM nhiều, nhưng phần đông là tìm hiểu thông tin, trong khi số lượng nộp hồ sơ ít hơn trước đây.

Theo quan sát của phóng viên trong hai ngày đầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM thì lượng người đến phòng đăng ký kinh doanh của sở này khá đông. Tuy nhiên trao đổi với TBKTSG Online, phần lớn những người đến đây cho biết họ chủ yếu tới để tìm hiểu thông tin, tham khảo các văn bản mới, mẫu mã mới về quy định việc thành lập doanh nghiệp mới cũng như điều chỉnh giấy phép kinh doanh.

Do những người này mới lần đầu có ý định thành lập doanh nghiệp nên họ cũng không thể so sánh được quy trình đăng ký kinh doanh hiện nay với thời gian trước ngày 1-7-2015 như thế nào. Mặt khác, mẫu đăng ký kinh doanh tại đây chưa có mà chủ yếu phải tải về từ Cổng thông tin quốc gia http://dangkykinhdoanh.gov.vn nên những người này cũng chưa thực hiện việc đăng ký kinh doanh. Đó cũng là lý do số người nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng ít hơn trước.

Một nguồn tin có thẩm quyền từ sở này cũng cho biết số người nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh trong hai ngày đầu áp dụng có giảm hơn so với trước. Cụ thể, trong hai ngày qua mỗi ngày sở chỉ nhận được khoảng 520 hồ sơ so với con số trung bình là khoảng 750 hồ sơ/ngày trước đây.

Tuy nhiên, đại diện một số công ty làm dịch vụ đăng ký kinh doanh thay cho doanh nghiệp cho biết mẫu đăng ký kinh doanh mới không khác nhiều so với trước. Điều đáng chú ý là việc đăng ký kinh doanh không còn phải ghi ngành nghề kinh doanh như trước và thời gian chờ lấy kết quả đã được cơ quan đăng ký chính thức áp dụng chỉ còn 3 ngày thay vì 7 ngày so với trước đây.

Các thủ tục nộp tiền khắc dấu, xếp giấy hẹn lấy con dấu giờ đã trở thành quá khứ với các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Bởi theo Luật Doanh nghiệp mới, doanh nghiệp có quyền lựa chọn hình thức, số lượng con dấu và chỉ cần thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp… Đây được xem là những điểm thuận lợi lớn trong đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Ông Ngô Quang Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Investconsult Group văn phòng TPHCM, là đơn vị tư vấn và làm dịch đăng ký kinh doanh và đầu tư cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, cho rằng về cơ bản mẫu đăng ký kinh doanh trước đây đã rất tốt cho doanh nghiệp. Việc sửa đổi mẫu lần này còn thuận lợi hơn như việc không cần ghi tất cả ngành nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Hiệp lo ngại khâu xử lý và giải quyết đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ gặp một số lúng túng ở giai đoạn đầu vì nhà đầu tư giờ đây được tách biệt giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay vì nhập hai giấy này thành một như lâu nay. Lo ngại là vậy, nhưng ông Hiệp cho rằng phải chờ một thời gian thực hiện mới biết cụ thể về vướng mắc gặp phải là gì.

Tuy nhiên, dù Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã có hiệu lực, nhưng vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn. Do vậy, để đảm bảo quá trình đăng ký doanh nghiệp được liên tục và thông suốt, trước ngày luật có hiệu lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi đến các Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh và thành phố để hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp từ nay cho đến khi có nghị định và thông tư hướng dẫn chi tiết.

Những điểm mới cơ bản của Luật doanh nghiệp 2014


1. Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp không ghi ngành nghề kinh doanh (điều 29)

2. Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm (khoản 1 Điều 7); chỉ được kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện sau khi đủ điều kiện và duy trì điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động (điều 8); thông báo kịp thời hoạt động kinh doanh sau khi kinh doanh (khoản 1 điều 32). Theo đó doanh nghiệp tự quyết định kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm, nếu cần bổ sung ngành thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thay đổi, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chỉ cần thông báo nội dung này cho cơ quan đăng ký kinh doanh (không phải đăng ký như theo Luật doanh nghiệp 2005)

3. Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về Đăng ký doanh nghiệp (khoản 12 Điều 4). Đó là giấy khai sinh ra đời doanh nghiệp; không phải là giấy phép kinh doanh; giấy này là được cấp bằng bản điện tử hoặc bảng cứng (bản in) để tránh tốn kém và có mã số của từng doanh nghiệp.

4. Không yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ khác trái với quy định của Luật này (khoản 1 Điều 17), tức là đã bãi bỏ thêm các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp: chứng chỉ hành nghề và xác nhận vốn pháp định.

5. Thời gian cấp Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn thêm, chỉ thực hiện trong 3 ngày làm việc (tại khoản 2 Điều 27).

6. Về con dấu: doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu (điều 44)

7. Doanh nghiệp sẽ có nhiều hơn 1 người đại diện theo pháp luật (khoản 2 Điều 13)

8. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp: Bổ sung quy định xử lý các trường hợp chưa góp vốn theo cam kết hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua như đã kê khai trong hồ sơ Đăng ký doanh nghiệp được quy định cụ thể theo từng loại hình doanh nghiệp (điều 48, 51, 52, 54, 112, 115, 126, 129, 130, 131 ). Đây là phát sinh trong thực tế mà Luật doanh nghiệp 2005 chưa quy định.

9. Hạn chế sở hữu chéo trong Đăng ký doanh nghiệp:
– Công ty con không được góp vốn, mua cổ phần công ty mẹ.
– Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
– Các công ty con của cùng công ty mẹ mà trong đó Nhà nước sở hữu >65% vốn điều lệ không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp.

10. Thêm quy định loại hình doanh nghiệp mới là doanh nghiệp xã hội (Điều 10)

11. Đối với nhà Đầu tư nước ngoài: Luật doanh nghiệp 2005 chưa quy định đối với trường hợp cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia góp vốn thành lập mới doanh nghiệp; nay Luật doanh nghiệp 2014 đã quy định rõ trình tự thủ tục, hồ sơ, điều kiện đối với trường hợp thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, quản lý phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp của tổ chức cá nhân, tổ chức nước ngoài, kể cả nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư (Điều khoản 1,2, 18, 20, 26, 27 điều 4; điều 21; điều 22; điều 23; điều 26)

Từ những điểm mới như trên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, áp dụng thống nhất cho các loại hình doanh nghiệp, bình đẳng và phù hợp trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền đối với doanh nghiệp, tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp; vai trò, vị thế doanh nghiệp, doanh nhân được đề cao.

Mời đọc thêm:

>>> Băn khoăn chuyện thực thi

>>> Luật Doanh nghiệp 2014 mở rộng quyền tự do kinh doanh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới