Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM tăng cường hỗ trợ nguồn lực cho khởi nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM tăng cường hỗ trợ nguồn lực cho khởi nghiệp

Chí Thịnh

TPHCM tăng cường hỗ trợ nguồn lực cho khởi nghiệp
Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ thông tin chính thức ra mắt tại sự kiện Cloud 8 lần 7. Ảnh: Hội Tin học TPHCM.

(TBKTSG Online) – TPHCM tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp theo nhiều hình thức khác nhau, từ hỗ trợ vốn cho tới tư vấn, hướng dẫn khởi nghiệp… trong năm 2017. Bên cạnh việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp với sự hợp tác từ các hiệp hội ngành nghề, sẽ có thêm không gian đổi mới sáng tạo cho cộng đồng khởi nghiệp.

Trong thời gian tới, TPHCM sẽ mở rộng không gian hỗ trợ khởi nghiệp và tăng cường hoạt động truyền thông cho các dự án khởi nghiệp. Dự kiến, TPHCM sẽ mở cổng thông tin về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tăng cường sự kết nối, công bố thông tin liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) TPHCM, hiện đã hình thành các không gian khởi nghiệp, bao gồm Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Saigon Innovation Hub), Khu công nghệ phần mềm thuộc Đại học Quốc gia TPHCM (ITP), Khu hỗ trợ khởi nghiệp SHTP Innovation Hub thuộc Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP)…

Chương trình SpeedUp 2017 của Sở KHCN TPHCM đã cung cấp hoạt động hỗ trợ tài chính từ ngân sách cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp. Chương trình này đã tiếp nhận và giải quyết 112 hồ sơ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các dự án được tuyển chọn đạt tỷ lệ 14/112 (12,5%), khá cao so với tỷ lệ tuyển chọn dự án của các quỹ đầu tư VIISA, VSVA… (dưới 10%).

Đây chính là nguồn lực hỗ trợ cho các startup (khởi nghiệp) về cơ sở hạ tầng, mặt bằng làm việc của TPHCM. Bên cạnh đó, các không gian hỗ trợ khởi nghiệp này còn có sự liên kết với các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, trường đại học, viện nghiên cứu… với khoảng 50% nguồn vốn xã hội hóa, được đóng góp từ các doanh nghiệp.

Đồng thời, TPHCM cũng đưa ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp với nhiều chương trình đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực… dành cho các trường đại học, nhà quản lý, doanh nghiệp. Trong năm 2017, Saigon Innovation Hub đã phối hợp với Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) tổ chức các khóa đào tạo giảng viên nguồn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại TPHCM; tạo nguồn lực đào tạo…

Giữa tháng 7-2017, Sở KHCN TPHCM đã thành lập 4 ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm như công nghệ thông tin, cơ khí, chế biến lương thực-thực phẩm, nhựa-cao su-hóa chất. Tính đến nay, đã có 938 dự án khởi nghiệp được các chuyên gia khởi nghiệp tư vấn kết nối, giúp phát triển ý tưởng kinh doanh; 3.200 cá nhân và nhóm khởi nghiệp được kết nối với nhà đầu tư, quảng bá trên 300 sản phẩm khởi nghiệp cho cộng đồng…

Sở KHCN đã phối hợp với nhiều tổ chức, doanh nghiệp xây dựng mạng lưới 145 chuyên gia tư vấn, cố vấn khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Các startup, doanh nghiệp mới đã được đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyên môn về cách thức đăng ký sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo các chuyên gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, phần lớn các startup ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn hạt giống (seed), quy mô kinh doanh còn nhỏ, khả năng tăng trưởng thấp… Do đó, với sự hỗ trợ từ hệ sinh thái khởi nghiệp, hoạt động hỗ trợ từ các hiệp hội doanh nghiệp sẽ góp phần gia tăng tỷ lệ thương mại hóa của các dự án khởi nghiệp.

Sự hỗ trợ từ hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ giúp cho các cá nhân, nhóm… có dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa ý tưởng. Nếu các startup này thiếu sự hỗ trợ từ cộng đồng, họ có thể phải mất nhiều năm để mày mò cách thức phát triển sản phẩm, tìm kiếm đối tác phân phối… Với sự hỗ trợ của cộng đồng khởi nghiệp, các dự án khởi nghiệp có thể rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường.

Cùng bàn cách hỗ trợ doanh nghiệp

Sáng nay (23-10), Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức tọa đàm "Các chính sách phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam" để cùng bàn cách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Tại đây, nhiều ý kiến đã được các đại biểu nêu ra.

Hiện TPHCM có 4 ban điều hành hệ sinh thái (HST) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để góp phần phát triển bốn lĩnh vực trọng điểm của thành phố. Cụ thể, gồm có HST Chế biến lương thực thực phẩm; HST Nhựa – Cao su – Hóa chất; HST cơ khí và HST Công nghệ thông tin và truyền thông, viết tắt là HST ICT.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Anh Tuấn, Phó ban điều hành HST ICT, cho biết hiện các thành viên ban điều hành đều là đại diện doanh nghiệp. Họ rất bận nên cần có một ban thư ký hoặc trợ lý để điều phối các hoạt động tại ban điều hành. Muốn vậy, cần phải có kinh phí và Sở nên có ngân sách dành cho hoạt động này, ông Tuấn đề nghị.

Ở góc nhìn của một người từng khởi nghiệp, bà Hương Nguyễn, nguyên CEO Công ty Bút Chì Màu, một dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, đưa ra 2 góp ý. Bà Hương cho rằng Sở Khoa học và Công nghệ có rất nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhưng rất tiếc, nhiều startup không biết đến. Do vậy, Sở cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông. Ngoài ra, theo bà Hương, khi hỗ trợ startup, cần đặt họ vào trọng tâm. Và cụ thể, những hoạt động hội thảo, tọa đàm như chương trình sáng nay, rất cần có nhiều sự hiện diện của startup để họ nêu ra tiếng nói của mình.

Hiện nay, việc hỗ trợ khởi nghiệp không chỉ dừng ở cấp lãnh đạo thành phố mà còn xuống các quận huyện nội thành. Nhiều chương trình đã được thực hiện nhưng hiệu quả thì cần phải xem lại. Về vấn đề này, ông Phạm Thái Sơn, Phó chủ tịch Ban điều hành HST Nhựa – Cao su – Hóa chất đưa ra gợi ý cần có một chương trình đào tạo dành cho các cấp lãnh đạo cơ sở để họ hiểu khởi nghiệp là gì, đổi mới sáng tạo là gì. Từ đó, họ mới có thể tổ chức hoạt động hỗ trợ hiệu quả.

Quay lại câu chuyện hình thành bốn ban điều hành nêu trên, liệu việc phân chia như vậy có hợp lý? Vấn đề này được ông Nguyễn Ngọc Dũng, đại diện Vườn ươm tạo doanh nghiệp công nghệ trường Đại học Bách Khoa TPHCM đề cập. Ông nói: "Chúng ta đang nói về việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhưng theo tôi, cách chúng ta tiếp cận không được sáng tạo cho lắm". Ông Dũng đưa ra nhiều lý lẽ minh chứng cho quan điểm của mình. Trong số đó, ông đề cập đến sự tích hợp kiến thức đa ngành trong thế giới ngày nay đòi hỏi mọi lĩnh vực phải hợp tác cùng nhau. Thay vì phân chia như vậy, theo ông Dũng, Sở cần có một "nhạc trưởng" chuyên trách toàn tâm toàn ý để có thể dẫn dắt phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại TPHCM.

Tọa đàm nêu trên là một phần hoạt động trong Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2017 diễn ra từ hôm nay, 23-10 đến 28-10 tại TPHCM. Thông tin chi tiết về chương trình, bạn đọc quan tâm có thể xem thêm tại đây: https://doimoisangtao.vn/whise.

Đức Tâm

Mời đọc thêm

TPHCM khởi động hệ sinh thái khởi nghiệp ICT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới