Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM tập trung đầu tư và gỡ vướng cho các dự án nhà ở xã hội

TH

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM khóa X diễn ra trong ba ngày 6,7 và 8-7 đã quyết định điều chỉnh tăng gần 6.000 tỉ đồng để thực hiện 16 dự án cầu đường, trường học quan trọng. HĐND cũng thông qua nghị quyết dành 12.400 tỉ đồng ngân sách xây gần 100.000 nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.

Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân TPHCM khóa X. Ảnh: VGP

Sẽ có cơ chế khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội

Phát triển nhà ở xã hội là chủ đề được nhiều đại biểu HĐND chất vấn. Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho biết đã tham mưu UBND TPHCM quy trình để rút gọn các thủ tục, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó, quy trình sẽ được rút ngắn từ 345 xuống còn 153 ngày với các dự án có nguồn cấp đất từ doanh nghiệp và từ 540 ngày xuống còn 350 ngày với các dự án đấu thầu trên đất sạch do Nhà nước quản lý.

Giai đoạn 2021-2030, TPHCM xác định sẽ khuyến khích bằng cơ chế và chính sách để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, bố trí vốn ngân sách xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua. TPHCM dự kiến xây 93.000 căn nhà ở xã hội. Theo đó, nguồn vốn ngân sách xây nhà ở xã hội chiếm 10% tổng nguồn vốn với khoảng 3.770 tỉ giai đoạn 2021-2025 và khoảng 8.640 tỉ giai đoạn 2026-2030.

Cũng theo UBND TPHCM, tổng nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 là khoảng 37 triệu m2 sàn, trong đó chủ yếu là nhu cầu của người thu nhập thấp (15 triệu m2) và công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp (12 triệu m2).

Thành phố dự kiến xây dựng khoảng 2,5 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 35.000 căn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có khoảng 7.000 căn hộ cho thuê và khoảng 4.500 căn nhà ở lưu trú cho công nhân. Trong giai đoạn 2026-2030, thành phố dự kiến xây thêm 4,08 triệu m2 sàn, tương ứng 58.000 căn nhà. Tổng quỹ đất để xây nhà ở xã hội là 451 ha.

Hiện nay, nhiều dự án nhà ở trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do vướng quy định dành 20% quỹ đất tại dự án để xây nhà ở xã hội. Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã cho ý kiến để gỡ vướng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các dự án 20% nhà ở xã hội. Qua rà soát, TPHCM có 118 dự án bất động sản còn vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục đất đai.

“Vừa rồi, UBND TPHCM đã cho ý kiến để gỡ vướng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các dự án 20% nhà ở xã hội. Nếu việc chạy, tới đây, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn hộ dân mua các căn hộ sẽ được cấp giấy chứng nhận”, ông Phan Văn Mãi thông tin.

Đầu tư 22.000 tỉ đồng cho các dự án chống ngập, cầu đường, trường học, bệnh viện

Cũng tại kỳ họp này, HĐND TPHCM đã điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, quy mô, thời gian thực hiện đối với 16 dự án cầu đường, trường học, bênh viện với 6.000 tỉ đồng. Nguyên nhân chính của việc điều chỉnh các dự án liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong số dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư, ngoài các công trình giao thông còn có dự án mở rộng Bệnh viện quận 8, xây dựng Trung tâm Y tế quận 8, xây dựng Trường mầm non Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh); xây dựng Trường THCS Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), xây dựng Trường tiểu học Tân Kiên (huyện Bình Chánh) …

HĐND TPHCM cũng thông qua nghị quyết về chủ trương triển khai dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải, thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Tham Lương – Bến Cát và tại lưu vực Tây Sài Gòn. Theo tờ trình của UBND TPHCM, hai dự án này vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á với tổng vốn hơn 16.000 tỉ đồng.

Hai dự án triển khai nhằm cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải, tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập nước do mưa, triều và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lưu vực Tây Sài Gòn và Tham Lương – Bến Cát. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023 đến năm 2028.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: VGP

TPHCM cần đủ biên chế để đảm đương công việc

Phát biểu trong khuôn khổ kỳ họp HĐND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết về kết quả một năm thực hiện chính quyền đô thị, hiện tại thành phố đang hoàn thiện báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ.

Hiện tại, Bộ Nội vụ được giao chủ trì lấy ý kiến để sửa đổi Nghị định 33 về thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM. UBND Thành phố đang giao Sở Nội vụ lấy ý kiến của các cơ quan, chuyên gia để góp ý sửa Nghị định này.

“Những vấn đề bất cập của thành phố mà thành phố có thể tự giải quyết được bằng cơ chế của mình thì sẽ được tổng hợp lại, xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy, báo cáo HĐND để chúng ta tự giải quyết, không phải việc gì chúng ta cũng đẩy về Trung ương, cũng xin ý kiến của thủ tướng và các bộ, ngành trung ương”, người đứng đầu UBND thành phố nói.

Ông Phan Văn Mãi cho biết thêm, mới đây, khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào làm việc với thành phố, có nêu vấn đề sự chênh lệch về con số biên chế của thành phố so với con số được Thủ tướng phê duyệt.

Về vấn đề này, TPHCM sẽ có báo cáo đầy đủ gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ, phân tích dựa trên hiện trạng cũng như nhu cầu, đặc điểm của thành phố, từ đó có đề xuất.

“Tinh thần là chúng ta không đòi nhiều biên chế, nhưng phải đủ, phù hợp với đặc điểm của Thành phố để đảm đương được công việc. Trong nửa đầu tháng 7, Thành phố sẽ hoàn thiện báo cáo này và gửi cho Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế cũng như các cơ quan có liên quan”, ông Mãi cho biết.

Về việc tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, ở đây có một vấn đề lớn, đó là phân cấp cho TPHCM nhưng khi thực hiện thì TPHCM phải hỏi ý kiến bộ, mà hỏi ý kiến bộ thì lại phải quay lại các quy trình của pháp luật.

Theo ông Mãi, phân cấp phải đi liền với giao điều kiện để thực hiện. Đây là vấn đề cốt lõi của Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 mà Thành phố sẽ đề xuất trong thời gian tới. Việc phân cấp phải trọn vẹn để thành phố phát huy được sự chủ động để hoàn thành công việc.

Cũng tại kỳ họp này, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 10 của HĐND thành phố về thu phí hạ tầng cảng biển. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2022.

Theo nghị quyết, hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển ra vào cảng bằng đường thủy nội địa theo Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy được miễn thu phí.

Ngoài ra, mức phí hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TPHCM hay ngoài TPHCM được điều chỉnh cùng một mức thu, tạo sự đồng thuận của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa của các tỉnh thành khác xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển.

Theo VPG, TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới