Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: thẩm phán làm việc gấp 3, án vẫn đọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: thẩm phán làm việc gấp 3, án vẫn đọng

Quang Chung

TPHCM: thẩm phán làm việc gấp 3, án vẫn đọng
Sau phiên chất vấn, bà Ung Thị Xuân Hương trao đổi thêm với các đại biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Chung

(TBKTSG Online) – Bình quân mỗi tháng một thẩm phán của Tòa án TPHCM giải quyết 14,7 vụ án dân sự; trong khi chỉ tiêu của Tòa án tối cao yêu cầu một tháng một thẩm phán chỉ giải quyết bốn vụ, bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án Tòa án Nhân dân TPHCM, cho biết như vậy trong phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân TPHCM.

Vì nhiều lý do khác nhau…

Sáng nay, 30-7-2015, kỳ họp HĐND TPHCM bước vào phiên chất vấn đối với bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án Tòa án Nhân dân TPHCM, về các vấn đề liên quan đến án dân sự, như: tỉ lệ giải quyết án thấp; án tạm đình chỉ và án tồn nhiều; án tuyên không rõ ràng, mơ hồ khó thi hành…

Báo cáo của Ban pháp chế HĐND TPHCM cho thấy, trong sáu tháng đầu năm 2015 Tòa án thành phố và các tòa án quận huyện đã tạm đình chỉ, để quá hạn hơn 3.000 án dân sự và chỉ giải quyết được khoảng 29% án cần giải quyết.

Các đại biểu HĐND đã chất vấn bà Chánh án với hàng loạt câu hỏi, như tại sao tỉ lệ giải quyết án dân sự thấp (29%); tại sao án tạm đình chỉ nhiều (hơn 2.000) và rơi vào thời điểm tháng 8 và tháng 9 hàng năm – thời điểm chuẩn bị kết thúc năm của ngành tòa án; tại sao án quá hạn nhiều (hơn 1.000); tại sao nhiều vụ án dân sự kéo dài lâu năm, thậm chí trên 10 năm, vẫn chưa được giải quyết…

Bà Hương cho biết, mỗi năm lượng án dân sự trên địa bàn thành phố tăng 10% nên công việc rất nhiều mà đội ngũ thẩm phán thì thiếu và yếu. Hơn nữa, việc chậm giải quyết án dân sự hiện nay còn có nguyên nhân: do các cơ quan liên quan chậm trả lời, xác minh… để tòa làm căn cứ xét xử. Ngoài ra, có nhiều vụ án phức tạp, có yếu tố nước ngoài, rất khó khăn trong vấn đề xác minh.

“Án tạm đình chỉ, án quá hạn hầu hết là án phức tạp, pháp luật quy định chưa rõ ràng – còn nhiều quan điểm khác nhau – nên thẩm phán ngại đưa ra xét xử; vì nếu xét xử mà bị hủy thì rất dễ không được tái bổ nhiệm nên thẩm phán cứ để đó nghiên cứu,” bà Hương nói.

Bà Hương cũng thừa nhận “có tình trạng một số thẩm phán chưa thực sự tận tâm với công việc, chưa làm hết trách nhiệm của mình, trình độ chưa đảm bảo.”

Tuy nhiên, Chánh án Toàn án Nhân dân TPHCM cho rằng nguyên nhân khách quan mới là nguyên nhân chính. Thực tế, sáu tháng đầu năm của ngành tòa án được tính từ ngày 1-10-2014 đến 31-3-2015. “Trong sáu tháng này, tháng 9 là tháng kết thúc thi đua, tháng 10 là tháng kiểm tra chéo giữa các quận, huyện, các cụm thi đua, nên tháng 10 hầu như không xét xử. Rồi đến tháng giêng là tháng Tết người dân ngại xui không đến tòa,” bà nói.

Thẩm phán đang làm việc gấp 3

Dù sáu tháng đầu năm của ngành tòa án có hơn hai tháng gần như ngành tòa án không xét xử các vụ án dân sự nhưng không vì thế mà năng suất làm việc của các thẩm phán giảm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa, rằng mỗi thẩm phán một tháng xét xử bình quân mấy vụ, bà Hương cho biết, “sáu tháng đầu năm 2015 bình quân một thẩm phán mỗi tháng giải quyết 14,7 vụ; hiện nay, nhờ mới bổ sung thêm lực lượng thẩm phán nên con số này là 12,2 vụ.”

Bà Hương cũng cho biết thêm, theo chỉ tiêu của Tòa án tối cao thì mỗi thẩm phán bình quân mỗi tháng chỉ giải quyết 4 vụ án. “Thẩm phán các tòa án TPHCM đang làm việc gấp ba lần yêu cầu. Để giảm áp lực cho các thẩm phán ở TPHCM cần bổ sung thêm 40 thẩm phán cho tòa thành phố và 197 thẩm phán nữa cho tòa quận, huyện,” bà nói.

Đại biểu Dương Văn Nhân kể lại đợt đi giám sát mới đây của đoàn đại biểu HĐND ở Tòa án quận Bình Tân cho thấy số lượng án tạm đình chỉ nhiều. “Trong số 65 án tạm định chỉ thì có đến 58 án rơi vào tháng 8 và tháng 9… Cụ thể có một thẩm phán ngày 26-8-2014 ra quyết định đình chỉ 7 vụ án và mười ngày sau ra tiếp 8 quyết định đình chỉ vụ án nữa,” ông nói. Rồi ông đặt nghi vấn: Phải chăng vì án nhiều, thẩm phán giải quyết không hết nhưng vì thành tích nên ra quyết định tạm đình chỉ?

Phó chánh tòa án quận Bình Tân Lê Quang Phong có mặt tại phiên chất vấn nên chủ tọa phiên chất vấn yêu cầu trả lời câu hỏi của đại biểu Nhân. Ông Phong nói: “Cũng có áp lực, nhưng chúng tôi đình chỉ đúng luật.”

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND đặt câu hỏi: “Làm đúng luật nhưng đã làm hết trách nhiệm chưa? Nhiều khi đúng luật nhưng không hợp tình vì các đương sự chờ đợi giải quyết vụ việc hàng ngày…”. Bà Tâm cũng cho rằng để ngành tòa án hoạt động tốt thì cần phải bổ sung số lượng thẩm phán, nâng cao chất lượng cả thẩm phán và hội thẩm nhân dân cũng như chính quyền thành phố cần chỉ đạo các cơ quan liên quan phải hợp tác với tòa án trong việc trả lời, xác minh khi tòa yêu cầu.

Cũng tại phiên chất vấn này, một vấn đề được người dân quan tâm và cũng đã có đại biểu chất vấn nhưng chưa được mổ xẻ. Đó là câu hỏi của đại biểu Lê Thị Bình Minh, rằng “Vì sao người dân có sự phàn nàn về đạo đức của thẩm phán, thư ký tòa?” đã rơi vào im lặng!

Thu phí sử dụng đường bộ của xe máy ở mức 0 đồng được không?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới