Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM thúc đẩy ứng dụng AI cho phát triển kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM thúc đẩy ứng dụng AI cho phát triển kinh tế

Chí Thịnh

(TBKTSG Online) – Sau giai đoạn thực hiện các biện pháp về phòng chống dịch Covid-19 là giai đoạn về phục hồi và vận hành nền kinh tế theo trạng thái bình thường mới (the new normal) và điều này đặt ra yêu cầu về sự cần thiết trong phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ mới để chuyển đổi sang các hình thức kinh doanh, làm việc, quản trị, học tập trực tuyến, duy trì vận hành cuộc sống bình thường.

Trong mục tiêu trên, TPHCM đang thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kinh tế – xã hội. Đơn cử, những sản phẩm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo của dự án khởi nghiệp (startup) khi tham gia cuộc thi “Đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo của TPHCM năm 2020” sẽ được Ban tổ chức cùng với các trường đại học hỗ trợ đào tạo, tư vấn, giới thiệu với các quỹ đầu tư…

TPHCM thúc đẩy ứng dụng AI cho phát triển kinh tế
Giải pháp nhà thông minh, kiểm soát hệ thống điện thông minh ACIS cũng xuất phát từ Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC). Ảnh: DNCC

Tại lễ phát động cuộc thi “Dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo của TPHCM năm 2020” diễn ra ngày 14-5, Ban tổ chức cuộc thi cho biết những dự án, ý tưởng phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) tham gia cuộc thi sẽ được hỗ trợ đào tạo và phát triển ứng dụng, tổ chức giới thiệu trước các nhà đầu tư. Đối với những dự án có khả năng triển khai trong điều kiện thực tế, TPHCM có thể trở thành một nhà đầu tư gắn bó hợp tác với startup.

Ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) cho biết, các startup phát triển sản phẩm có khả năng ứng dụng thực tế sẽ được SHTP-IC tạo điều kiện đăng ký tham gia vào các dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo của TPHCM. Như các startup phát triển sản phẩm đèn đường thông minh S3 (Smart Streetlight System), tủ điện thông minh kết nối đèn giao thông… được SHTP-IC hỗ trợ đào tạo, tư vấn phát triển sản phẩm, cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Cuộc thi này nhằm tuyển chọn ra những dự án có tiềm năng đầu tư, phát triển thành sản phẩm cung ứng cho các chương trình, dự án nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo của TPHCM. Đây là một hoạt động lâu dài, vừa khuyến khích các công ty khởi nghiệp (startup) đưa ra các ý tưởng sáng tạo, dự án AI, đóng góp ý kiến phát triển mảng AI cho thành phố… Những sản phẩm AI có tiềm năng, đáp ứng được yêu cầu cũng sẽ có cơ hội tham gia vào các dự án của thành phố trong thời gian tới.

Như các giải pháp điều khiển và kiểm soát thiết bị điện thông minh (ứng dụng AI) với chi phí thấp và khả năng tương thích cao của Công ty cổ phần công nghệ ACIS cũng là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện – điện tử tự động được ươm tạo tại SHTP-IC. Sản phẩm của ACIS cung cấp trên thị trường là hệ thống điều khiển điện thông minh, giúp khách hàng có thể trang bị những tính năng cần thiết của một ngôi nhà thông minh với chi phí hợp lý (có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhà thông minh khác).

Trước đó, tại hội nghị hiến kế cho TPHCM trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, PGS. TS. Vũ Hải Quân, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng thành phố cần tạo dựng nền tảng cơ bản cho sự phát triển trí tuệ nhân tạo; phải xây dựng kho dữ liệu mở liên kết nguồn dữ liệu từ các cơ quan quản lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển các ứng dụng AI.

Đại diện một số trường đại học tại buổi công bố cuộc thi “Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo của TPHCM năm 2020” (HAI 2020) cũng cho biết, thành phố nên phát triển hệ sinh thái cho các startup phát triển ứng dụng AI; gắn kết với dự án đô thị thông minh đang trong quá trình triển khai cùng với các dự án phát triển IoT (Internet of Things) và mạng 5G. Các trường đại học cũng cam kết về việc đồng hành, chia sẻ hệ thống phòng thí nghiệm đang có cho các dự án phát triển AI của startup.

Đối với những dự án đã có sản phẩm hoàn thiện, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp… của TPHCM sẽ hỗ trợ doanh nghiệp  trong hoạt động nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh và tiếp thị. Bên cạnh đó, các startup cũng sẽ được các tổ chức này hỗ trợ kết nối, kêu gọi vốn đầu tư mở rộng kinh doanh.

Ngoài ra, các dự án tham dự cuộc thi cũng sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động hỗ trợ huấn luyện, cố vấn và chương trình ươm tạo với kinh phí hỗ trợ ươm tạo lên tới 200 triệu đồng/dự án trong thời gian tối đa 3 tháng. 

Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM cùng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát động cuộc thi và đồng hành cùng startup trong hoạt động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm AI. Tổng giá trị các giải thưởng của cuộc thi này lên tới 550 triệu đồng, bao gồm 3 giải thưởng xuất sắc trị giá 100 triệu đồng/giải và 5 giải khuyến khích trị giá 50 triệu đồng/giải.

 

Mời đọc thêm:

TPHCM tìm giải pháp để ứng dụng trí tuệ nhân tạo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới