Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM xác định điểm nhấn trong phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong giai đoạn tới, Khu công nghệ cao TPHCM sẽ tập trung vào phát triển ngành vi mạch bán dẫn và xem sự đóng góp cùng phát triển của ngành công nghiệp này là điểm nhấn, điểm khác biệt.

Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) Nguyễn Anh Thi cho biết định hướng phát triển như trên tại sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, vào ngày 29-10.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, khách mời và doanh nghiệp… đang xem các sản phẩm nghiên cứu, sản xuất tại SHTP trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 20 năm. Ảnh: H.T

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Thi cho biết trọng tâm của SHTP trong giai đoạn tới là phát triển năng lực nội sinh, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính đột phá, có tính lan tỏa cao ở tầm quốc gia, gắn với các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại đây.

Tổ chức này sẽ tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nguồn nhân lực trình độ cao, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Dự kiến, đến năm 2030, SHTP sẽ là khu công nghệ cao trưởng thành đạt trình độ thế giới, hoạt động theo mô hình của khu công viên khoa học và công nghệ, trong đó việc bổ sung chức năng khu công viên khoa học và công nghệ có quy mô 197 ha là nhiệm vụ mang tính chiến lược.

Bên cạnh tiếp tục củng cố, nâng cấp các hệ sinh thái công nghệ cao đã hình thành (gồm vi điện tử – công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác – tự động hóa, vật liệu mới), SHTP sẽ tập trung vào phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu đang mở ra cơ hội rất lớn cho ngành vi mạch bán dẫn, và ngành công nghiệp này của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển của nền công nghiệp quốc gia. Người đứng đầu Khu công nghệ cao TPHCM chia sẻ, và cho rằng: “Phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ là điểm nhấn, là điểm khác biệt của Khu công nghệ cao TPHCM”.

Tại sự kiện, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, doanh nghiệp trong nước có vốn đầu tư lớn tại Khu công nghệ cao TPHCM, cho rằng Việt Nam đã sản xuất được chip, cần tiếp tục nỗ lực để bước vào công đoạn quan trọng nhất của nền công nghệ toàn cầu này.

Trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư (công nghiệp 4.0) hay công cuộc chuyển đổi số, điều quan trọng nhất là dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Việt Nam với nhiều chuyên gia có năng lực này, “TPHCM sẽ phải là một trung tâm tập hợp các chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn”, ông Bình nói.

Chình vì vậy, TPHCM cần nắm bắt xu hướng năng lượng sạch, nghiên cứu phát triển thiết bị tích trữ nhiên liệu, trong bối cảnh thế giới cam kết sẽ không phát thải carbon dioxide (net zero carbon)… TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung có cơ hội vì có thể tiếp cận rất nhanh dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

Ông Phan Văn Mãi (thứ 2, bên phải) trao cờ truyền thống cho Ban Quản lý SHTP do ông Nguyễn Anh Thi (giữa) và bà Lê Bích Loan (Phó ban quản lý SHTP) tại sự kiện.

Ghi nhận các kết quả đạt được trong 20 năm qua của SHTP, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Thành phố mong muốn SHTP tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến 2030. Trong đó tập trung lan tỏa công nghệ cao, nền tảng số, công nghệ số; phát triển, ứng dụng công nghệ để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng nêu yêu cầu về thu hút đầu tư đối với các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, năng lượng mới, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và môi trường tại đây. Về phía chính quyền, sẽ triển khai mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp nhanh hơn, tốt hơn nhằm sớm triển khai các dự án.

Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Huỳnh Thành Đạt cho biết cơ quan này đang hoàn thiện dự thảo nghị định để trình Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ một số vướng mắc chính, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn nhằm thúc đẩy hiệu quả trong thu hút đầu tư và giúp khu công nghệ cao ngày càng phát triển hơn nữa theo đúng những định hướng đã đặt ra.

Khu công nghệ cao TPHCM đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12,068 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, nguồn vốn nước ngoài (FDI) là 10,107 tỉ đô la Mỹ, các doanh nghiệp trong nước là 1,961 tỉ đô la Mỹ. Trong số đó, có nhiều dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cao như: Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc), TTI (Đức), NTT (Nhật Bản)… Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng dần hằng năm, năm 2021 đạt 20,9 tỉ đô la Mỹ (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu của TPHCM) và dự kiến năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỉ đô la Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới