Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM xây dựng đàn giống gia súc, gia cầm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM xây dựng đàn giống gia súc, gia cầm

Kinh Luân

Trong tương lai gần những trại chăn nuôi thế này sẽ được tập trung về các huyện ngoại thành như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh.  Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG Online) – Thay vì tiếp tục phát triển chăn nuôi để lấy thịt, trứng… TPHCM sẽ tận dụng những ưu thế sẵn có về khoa học công nghệ, vốn liếng, nhân lực… để trở thành trung tâm cung cấp con giống của cả nước.

Đó là một trong những chiến lược mà Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM Nguyễn Trung Tín nhấn mạnh trong cuộc họp chiều nay 9-6 nhằm thông qua “Quy hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn thành phố từ nay đến 2020 và định hướng đến 2025”.

Việc xây dựng những đàn giống gia súc, gia cầm và cá sấu nhằm thích ứng với xu hướng đô thị hóa khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. “TPHCM phải tạo dựng được thương hiệu riêng cho con giống của mình. Tất nhiên để phát triển đàn giống thì cần có bãi chăn thả, nguồn thức ăn ổn định… nên ta sẽ liên kết với các tỉnh bạn. Nhưng ta sẽ tạo nên “dấu ấn” riêng nhờ trình độ khoa học công nghệ, nguồn vốn và dịch vụ hỗ trợ tốt,” ông Tín nhấn mạnh.

Định hướng giảm chăn nuôi trong khu vực nội thành cũng thể hiện rõ trong bản dự thảo quy hoạch của TPHCM, trừ huyện ngoại thành Củ Chi, hầu hết những quận huyện khác đều giảm số đầu gia súc, gia cầm. Chẳng hạn về đàn heo nếu như năm 2015 thành phố có khoảng 304.000 con, trong đó có 50.000 heo nái sinh sản và 167.000 heo thịt, thì càng về sau số heo thịt sẽ càng giảm dần để đến 2020 tổng đàn chỉ còn 272.000 con. “Điều này là để đảm bảo sản lượng thịt cung ứng cho thành phố, ước chừng 48.000 – 50.000 tấn/năm. Bù lại số con giống bán ra sẽ đạt từ 1 triệu – 1,2 triệu con/năm”, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết. Tương tự đàn bò sẽ từ 103.000 con ở thời điểm 2015 giảm xuống còn 97.000 con năm 2025, trong đó bò sữa nuôi tập trung ở ba huyện ngoại thành là Hốc Môn, Bình Chánh và Củ Chi sẽ giảm từ 82.100 xuống còn 72.000 con.

Ngoài việc cắt giảm số lượng con thịt để tập trung vào con giống thương phẩm, TPHCM cũng nhắm đến mô hình khép kín mà ngành chăn nuôi ở các nước tiên tiến đã áp dụng lâu nay. Thay cho hình thức nuôi cá thể của các hộ nông dân, thành phố sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng từng bước hình thành các trang trại mà trong đó công nghệ được áp dụng để tạo chuỗi “khép kín”, từ con giống tốt cho tới sản xuất thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ. “Trong quá trình này, quản lý nhà nước không chỉ tạo điều kiện để người dân nâng cao trình độ khoa học – kỹ thuật của mình, mà còn giúp vốn và hỗ trợ cơ sở hạ tầng,” ông Tín giải thích.

Bên cạnh những giải pháp chung như công bố quy hoạch chi tiết “vùng nào khuyến khích chăn nuôi, vùng nào không”, hình thành chuỗi “khép kín” sản xuất – chế biến – tiêu thụ hay áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến… đại diện các ban ngành liên quan cũng đã góp ý các giải pháp kỹ thuật, từ khâu chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc – quản lý, phòng chống dịch bệnh… cho tới việc tổ chức hệ thống “tháp giống”, bao gồm các khâu nhập khẩu, giữ thuần và nhân giống… Ông Tín gợi ý cho Sở NN & PTNT thành lập hiệp hội con giống, trong khi đại diện Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn thì đề nghị “bổ sung quy hoạch phát triển đàn gà trứng, vì nếu lỡ phát triển mà không nằm trong quy hoạch của thành phố thì sẽ gặp khó”.

Cuối cuộc họp ông Phó chủ tịch cũng chấp thuận cho làm thử hai điểm trình diễn kỹ thuật nuôi chim yến. Theo báo cáo của đại diện hai huyện Bình Chánh và Cần Giờ đến nay đã có khó nhiều hộ tư nhân bỏ hàng tỉ đồng vốn ra để nuôi loài chim biển này. “Cứ theo dõi hiệu quả kinh tế thế nào đã, rồi mới xem xét việc cho nhân rộng”, ông Tín nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới