Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM xin quyền tự quyết về giáo dục

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM xin quyền tự quyết về giáo dục

Ban Cao

TPHCM xin quyền tự quyết về giáo dục
Sở GD&ĐT TPHCM kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép TPHCM được áp dụng cơ chế đặc thù cho giáo dục. Ảnh: Ban Cao

(TBKTSG Online) – Tại cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sáng nay, 7-6, Sở GD&ĐT TPHCM đã kiến nghị lên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho phép thành phố được áp dụng những cơ chế đặc thù nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới trong lĩnh vực giáo dục.

Gia tăng dân số gây áp lực cho giáo dục

Báo cáo về tình hình giáo dục TPHCM, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho rằng chất lượng và hiệu quả giáo dục – đào tạo của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, do đặc thù là một thành phố lớn, tốc độ tăng dân số cơ học kéo theo tốc độ tăng học sinh trung bình mỗi năm gần đây khoảng 65.000 học sinh/năm, tức mỗi năm bình quân thành phố cần xây mới gần 3.000 phòng học để đáp ứng chỗ học đạt chuẩn. Đặc biệt, riêng năm 2015 thành phố tăng thêm 85.000 học sinh, tạo ra áp lực lớn trong việc nâng chất lượng dạy và học, tổ chức cho học sinh học tập, sinh hoạt cả ngày trong trường và việc xây dựng trường lớp, tăng cường đội ngũ… nên đã phát sinh một số vấn đề khó khăn.

Cụ thể, về giáo dục mầm non, nhu cầu giữ trẻ của người dân thành phố rất cao, đặc biệt là công nhân lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp phải gửi con ngoài giờ. Tuy nhiên, hiện nay ngành vẫn chưa thể đáp ứng được đầy đủ. Sĩ số học sinh/lớp đông, nên tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia chưa cao (hiện chỉ đạt 10%).

Về giáo dục phổ thông, sĩ số học sinh mỗi lớp vẫn còn đông, chương trình giáo dục phổ thông vẫn còn khá nặng nề, quá tải, còn mang đậm tính hàn lâm, thiếu thực hành, ứng dụng, phân phối chương trình chưa phù hợp về thời lượng và thời gian dẫn đến một hệ lụy là học sinh phải học thêm, giáo viên phải dạy thêm.

TPHCM muốn có chương trình giáo dục riêng

Để khắc phục khó khăn và đạt được những mục tiêu đề ra, Sở GD&ĐT TPHCM đã kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép ngành giáo dục và đào tạo thành phố cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.

Cụ thể, thành phố muốn tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT. Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn học bắt buộc (Văn – Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ) và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa chỉ nên là 8 môn trong 1 năm.

Bên cạnh đó, các học sinh các trường chuyên, lớp chuyên nên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản.

Thành phố cũng mong muốn được thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT, tổ chức khảo thí trình độ tiếng Anh của học sinh theo bốn kỹ năng Nghe – Đọc – Nói – Viết (thay vì xét việc hoàn thành môn học theo cơ cấu điểm số như hiện nay).

Sở cũng kiến nghị bộ cho phép các trường chủ động điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường (trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại…).

Ngoài ra, Bộ nên giao quyền tự chủ 100% cho các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp công lập tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh…

Ông Sơn cũng cho biết, trước đó Sở cũng đã có 11 kiến nghị lên UBND thành phố nhằm tháo gỡ một số khó khăn và đã được chấp thuận, tuy nhiên có một số cần được chấp thuận từ Bộ GD&ĐT như tăng biên chế giáo viên mầm non, để thực hiện được hai ca giữ trẻ cho con công nhân đến 20g30 và giữ cả ngày thứ Bảy, Chủ Nhật.

Đồng thời, Sở mong muốn nhận được sự chỉ đạo của Bộ để xóa bỏ tư tưởng trọng bằng cấp, chỉ xét bằng cấp, thay đổi tư tưởng của người dân là phải vào đại học sau khi tốt nghiệp THPT, phải vào học lớp 10 phổ thông sau khi hoàn thành bậc THCS.

“Hội nhập là không dạy thêm, học thêm”

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM, Đinh La Thăng yêu cầu trong năm học 2016-2017, TPHCM phải chấn chỉnh cơ chế dạy thêm, học thêm. Ông Thăng cho rằng, chuyện dạy thêm có thể được thực hiện tại các trung tâm văn hóa quận, huyện, ai có nhu cầu học thì đến học, chứ không được dạy tại nhà riêng rồi thu tiền.

“Dứt khoát năm nay TPHCM phải chấm dứt cơ chế học thêm, dạy thêm. Hội nhập là không dạy thêm, học thêm; hội nhập là không chạy trường, chạy lớp”, ông Thăng kiên quyết.

Nghe về mong muốn tự chủ giáo dục của TPHCM, ông Thăng đề nghị Bộ GD&ĐT cho TPHCM được tự thí điểm thực hiện. Ông Thăng cho rằng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong bảy giải pháp trọng điểm của thành phố. Do vậy, giáo dục cũng phải đi đầu với hội nhập.

Tuy nhiên, theo ông Thăng, dù đổi mới thế nào thì phương pháp dạy học cũng phải dựa trên định hướng khoa học, không phụ thuộc vào ý chí chính trị và ý chí chủ quan của bất cứ cá nhân nào.

Bên cạnh đó, ông Thăng cho rằng TPHCM là thành phố đầu tàu về khởi nghiệp thì học sinh và sinh viên phải luôn nung nấu ý chí khởi nghiệp.

“Phải đưa giáo dục khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, không tạo tư duy học xong xin vào cơ quan nhà nước, trường học phải là nơi đào tạo, nuôi dưỡng ước mơ”, ông Thăng nói.

Về công tác đào tạo, ông Thăng cũng khuyên các trường phải gắn với thị trường. "Tôi đi thăm Khu công nghệ cao của thành phố, nghe rất nhiều doanh nghiệp than thiếu hàng nghìn kỹ sư phần mềm. Trong khi đó khu công nghệ này lại gần với làng đại học với các trường đại học có ngành công nghệ thông tin. Phải xem lại công tác đào tạo nghề đã theo nhu cầu hay chưa", ông Thăng yêu cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới