UBND TPHCM có văn bản yêu cầu các đơn vị lập đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, kịp hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023, TTXVN đưa tin.
- Kỳ vọng đưa cảng Cần Giờ vào quy hoạch cảng biển sắp tới
- Đề xuất đẩy nhanh việc đầu tư ‘siêu cảng’ tại Cần Giờ
Theo TTXVN, dự án “siêu cảng” trung chuyển quốc tế Cần Giờ từ dự án quy hoạch tiềm năng đã thành hiện thực, là nhu cầu cần thiết và cấp bách của không chỉ TPHCM mà của cả khu vực Đông Nam Á với mục tiêu dịch chuyển một phần hoạt động trung chuyển container quốc tế về Việt Nam.
Khu bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép nằm tại vị trí có điều kiện tự nhiên thuận lợi về độ sâu luồng và vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng cho tàu container có trọng tải 250.000 DWT (24.000 teus) hoạt động tuyến châu Âu, châu Phi, châu Mỹ.
Sau cuộc họp của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường với lãnh đạo Cảng Sài Gòn và các đơn vị liên quan về tiến độ thực hiện quy hoạch cảng Cần Giờ, UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương lập đề án nghiên cứu xây dựng cảng, đồng thời tham mưu, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo, điều chỉnh, bổ sung các văn bản, quy định, đảm bảo tiến độ đề ra và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất giao UBND TPHCM lập đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; quá trình lập đề án phải tiến hành song song với cập nhật điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam, hoàn thiện quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4.
Để triển khai ngay đề án, UBND thành phố yêu cầu Công ty CP Cảng Sài Gòn chịu trách nhiệm xây dựng đề án. Sở Giao thông Vận tải làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan xác định cụ thể diện tích đất rừng trong ranh của đề án, bao gồm rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, rừng phòng hộ đầu nguồn hay rừng phòng hộ biên giới.
Bên cạnh đó, phối hợp Cục Hàng hải Việt Nam tính toán về phân bổ thêm lượng hàng nội địa thông qua khu cảng trung chuyển Cần Giờ từ các bến cảng container hiện hữu: khu bến Cát Lái, Phú Hữu, khu bến Hiệp Phước, khu bến sông Sài Gòn… khi chính các khu cảng này cũng không còn đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thông qua cảng.
VOH đưa tin, để xây dựng và phát triển hiệu quả cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TPHCM cần lưu ý một số vấn đề như nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh ngay dự án cho phù hợp quy hoạch nhóm cảng biển số 4. Huyện Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển lớn, khi làm cảng, cần chi tiết đánh giá tác động môi sinh, môi trường, điều kiện sống của cư dân trong khu vực.
Hệ thống giao thông từ Cần Giờ cũng thiếu kết nối giao thông và dịch vụ logistics, khả năng trung chuyển đường sông, đường sắt, đường bộ để phục vụ các khu công nghiệp, khu chế xuất hạn chế, nên việc đầu tư, mở rộng như thế nào, các cơ quan quản lý cần tính toán, phát triển cân bằng giữa cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và cảng Cái Mép – Thị Vải…
Dự án cảng trung chuyển Cần Giờ có quy mô khoảng 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay là 24.000 teu, công suất thông qua 10-15 triệu teu, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỉ đô la. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, bắt đầu triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027.