Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPP: đích đến còn xa!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPP: đích đến còn xa!

Huỳnh Hoa

TPP: đích đến còn xa!
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên hội nghị cấp cao APEC-21. Ảnh: Reuters.

(TBKTSG) – Lãnh đạo các nước đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã có cuộc họp cấp cao lần thứ tư vào chiều ngày 8-10-2013, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 21 tại Bali, Indonesia. Trước đó, các bộ trưởng kinh tế đã họp với các trưởng đoàn đàm phán để thảo ra một kế hoạch làm việc (work plan) trình lên hội nghị cấp cao.

Hãng tin Nhật Bản Kyodo cho biết, trong kế hoạch làm việc, các bộ trưởng đã đồng ý các điều khoản cơ bản về tiếp cận thị trường, tiếp tục thảo luận chi tiết các vấn đề nhạy cảm khác, cố gắng kết thúc việc đàm phán vào cuối năm nay.

Thủ tướng New Zealand: “Không nên vội vàng”

TPP đã qua 19 vòng đàm phán, kéo dài ba năm và câu hỏi hiện nay là liệu đàm phán có thể kết thúc và Hiệp định TPP ra đời vào cuối năm 2013 hay không. Cuộc họp cấp cao các thành viên TPP bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Campuchia năm ngoái đã quyết định lấy thời điểm cuối năm 2013 làm “hạn cuối cùng” để kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định TPP.

Cho đến nay, Mỹ – nước đi đầu trong đàm phán TPP – vẫn hy vọng đàm phán sẽ về đích đúng hạn, bất chấp sự lo ngại của một số thành viên khác và sự vắng mặt của Tổng thống Obama tại các hội nghị cấp cao của khu vực. Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nói rằng, tại Bali, các nhà thương thuyết đã đạt được “tiến bộ có ý nghĩa”, những vấn đề còn lại sẽ được các bộ trưởng tiếp tục thảo luận bên lề Hội nghị Tổ chức Thương mại thế giới, cũng họp tại Bali ngày 3-12-2013. Ông Froman nói chắc rằng, đích đến vào cuối năm là hoàn toàn có thể đạt được. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Akira Amari cũng nhận định, đàm phán “đang tiến triển đều đặn”. “Chúng tôi có những sự điều chỉnh vào phút cuối giữa các bộ trưởng để hội nghị lần này là một bước tiến lớn tới kết thúc vào cuối năm”, ông Amari nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng New Zealand John Key, người chủ trì hội nghị cấp cao TPP lần này thay cho Tổng thống Obama vắng mặt, nói với báo chí rằng, không nên vội vàng với TPP. Theo ông Key, kéo dài đàm phán ra sau thời hạn cuối cùng cũng là điều tốt nếu nhờ vậy mà đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn. “Nếu chúng ta chấp nhận một thỏa thuận chất lượng thấp thì đàm phán có thể kết thúc nhanh hơn nhưng hiệu quả về lâu dài sẽ bị suy giảm và không ai tiến hành đàm phán lại lần nữa”, ông Key nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, người dẫn đầu đoàn đàm phán cấp cao của Việt Nam tại Bali, cũng có nhận định tương tự. Trả lời báo Tuổi Trẻ hôm 8-10, Bộ trưởng Hoàng cho biết “tinh thần là các nước TPP sẽ cố gắng cùng với nhau kết thúc về cơ bản việc đàm phán TPP trong cuối năm 2013, nếu còn vướng mắc gì quá khó thì đến đầu năm 2014”.

Còn nhiều vấn đề nhạy cảm

Giới phân tích thì cho rằng, TPP khó có thể ra đời vào cuối năm nay một phần vì nội dung của nó quá rộng lớn và phức tạp, còn nhiều vấn đề chưa đạt được đồng thuận. Nói chuyện với báo chí, chính ông Froman cũng kể ra một loạt vấn đề cần tiếp tục thảo luận, từ quyền sở hữu trí tuệ đến doanh nghiệp nhà nước.

Theo giới phân tích, TPP không chỉ là một hiệp định thương mại tự do thông thường mà còn đặt ra những luật lệ mới, hiện đại, phù hợp với nền kinh tế có nhiều lĩnh vực mới xuất hiện và đang biến đổi nhanh; đặc biệt là lĩnh vực kinh tế tri thức, vốn là lợi thế cạnh tranh của các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản… TPP không chỉ yêu cầu xóa bỏ rào cản thương mại về hàng hóa và dịch vụ mà còn đặt ra những quy chuẩn mới về quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với ý tưởng, thương hiệu và sáng chế, vấn đề lưu chuyển qua biên giới quốc gia các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số, vấn đề tự do hóa dòng chảy của lao động lành nghề…

Những vấn đề này tỏ ra đặc biệt nhạy cảm với các nền kinh tế đang phát triển như Malaysia và Việt Nam mà hệ thống chính trị có thể bị ảnh hưởng bởi việc mở cửa cho cạnh tranh nước ngoài ở các lĩnh vực đặc thù như mua sắm của chính phủ và quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Những người ủng hộ TPP coi hiệp định này như là “tiêu chuẩn vàng” cho nền kinh tế của thế kỷ 21 và một phần trong cái gọi là cuộc chuyển hướng chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, nhấn mạnh tới lợi ích kinh tế mà khu vực này hưởng được nếu TPP hình thành. Theo tính toán, TPP sẽ giúp hình thành một khu vực tự do kinh tế có sản lượng hàng năm lên tới 28.000 tỉ đô la Mỹ, chiếm 40% tổng sản lượng toàn cầu và một thị trường có 800 triệu người tiêu dùng. Trong bối cảnh các nền kinh tế phải chật vật vươn lên từ cuộc suy thoái toàn cầu, với tăng trưởng thương mại thế giới năm nay dự tính chỉ khoảng 2,5%, người ta kỳ vọng TPP sẽ thúc đẩy giao thương, mở ra nhiều cơ hội và tạo công ăn việc làm cho các nước thành viên.

Ở một số quốc gia như Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam, các nhà lãnh đạo có đầu óc cải tổ có thể sử dụng TPP như một đòn bẩy từ bên ngoài để phá vỡ thành trì của các nhóm lợi ích, tiến hành tự do hóa các lĩnh vực kinh tế được bảo hộ và kém hiệu quả.

Tuy nhiên, những người phản đối TPP lo ngại nó mang lại cho các tập đoàn Mỹ lợi thế chưa từng có để thách thức các chính sách kinh tế quốc gia nhân danh tự do thương mại; chẳng hạn trao cho các tập đoàn quyền được kiện các chính phủ khi quyền lợi của họ bị xâm phạm.

Sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển kinh tế của các thành viên cũng là một trở ngại. Do sự chênh lệch này, các nền kinh tế đang phát triển luôn đặt yêu cầu được hưởng một số quy chế đặc biệt và rất khó đạt được đồng thuận về các quy chế đặc biệt như vậy. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, trong những nội dung nhạy cảm như vấn đề lao động, “phải dành cho Việt Nam những sự linh hoạt nhất định”.

Những vấn đề như vậy khiến cho đàm phán TPP chưa thể “hoàn tất về cơ bản” như thông cáo chung của hội nghị phát hành hôm thứ Ba 8-10 vừa qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới