Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPP: Không vì sức ép thời gian mà hy sinh chất lượng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPP: Không vì sức ép thời gian mà hy sinh chất lượng

Hoàng Phi

TPP: Không vì sức ép thời gian mà hy sinh chất lượng
Ông Trần Quốc Khánh, (ngồi) trong Hội nghị. Ảnh: Hoàng Phi

(TBKTSG Online) – Trưởng đoàn đàm phán phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết các thành viên đàm phán đang nỗ lực để có thể thể ký kết hiệp định TPP trong thời gian sớm nhất nhưng chưa biết cụ thể thời điểm nào.

Trong Hội nghị "Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và quá trình tham gia của Việt Nam" tổ chức ngày 20-12, ông Khánh cho biết các bên đã nhất trí với nhau về quan điểm chung: “không có hiệp định sẽ tốt hơn là có một hiệp định tồi, không vì sức ép thời gian mà hy sinh chất lượng”.

Theo ông, các bên sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đàm phán giữa kỳ thường xuyên hơn, và một Hội nghị Bộ trưởng sẽ được tổ chức vào đầu năm 2014, “có thể ngay trong tháng 1”.

Ông Khánh cho biết đến nay TPP đã trải qua 19 phiên chính thức, nhiều phiên giữa kỳ, 3 phiên cấp Bộ trưởng, nhưng vẫn "lỗi hẹn": chưa thể ký hiệp định trong năm 2013 như kỳ vọng.

Các nhà đàm phán đã chia ra thành 20 nhóm đàm phán, với gần 30 vấn đề, tuy nhiên đến nay chỉ mới một số nội dung đã được thống nhất, còn hơn 20 nội dung cần phải đàm phán thêm, trong đó có những vấn đề khó khăn như hàng hóa, đầu tư, thương mại, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước.

Chẳng hạn, với ngành dệt may, dù về lý thuyết Việt Nam sẽ hưởng lợi rất lớn khi hàng hóa có thể xuất khẩu đến các thị trường các thành viên TPP với thuế suất 0%, nhưng lại vướng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn forward), theo đó để hưởng được thuế suất 0% thì các khâu từ sợi, dệt, nhuộm, cắt may đều phải nằm trong các thành viên TPP, chứ không phải một quốc gia thứ ba.

Đây là một vấn đề khó, vì nguồn nguyên liệu mà các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng phần lớn là từ các quốc gia ngoài TPP, vì thế, nếu quy tắc xuất xứ được chấp thuận, thì ngành dệt may Việt Nam thực sự không được hưởng lợi.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang đặt ra bài toán về quy tắc xuất xứ lỏng, gọi là “cắt và may”, nghĩa là doanh nghiệp có thể nhập vải về và thực hiện công đoạn cắt may, thì vẫn có thể được hưởng thuế suất ưu đãi này. Tuy nhiên, điều này có thể có hại về lâu về dài vì sẽ biến các doanh nghiệp dệt may đơn thuần làm gia công, và ngành công nghiệp dệt nhuộm không thể phát triển được.

“Giá nhân công ở Việt Nam đang rẻ và ngành may vẫn phát triển. Nhưng nếu một ngày nào đó, một quốc gia lân cận nổi lên với giá công nhân rẻ hơn, thì các nhà đầu tư có thể chỉ sau một đêm chuyển công xưởng của mình qua đó. Và lợi ích của ngành dệt có thể biến mất bất cứ lúc nào”, ông Khánh cho biết. Vì thế, ông Khánh cho rằng đoàn đàm phán đang đứng trước bài toán nan giải này, vừa mang về lợi ích cho doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhưng đồng thời cũng phải phát triển bền vững trong dài hạn.

Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho thấy kim ngạch xuất khẩu của năm 2013 đã cán mức 20,5 tỉ đô la Mỹ, tăng so với 17,5 tỉ đô la Mỹ năm ngoái.

Một trong những vấn đề cũng khá gay cấn chính là về doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo ông Khánh, không có thành viên đàm phán nào yêu cầu xóa bỏ các DNNN cả, thậm chí không ai yêu cầu các doanh nghiệp phải cổ phần hóa. “Các quốc gia chỉ yêu cầu các DNNN nếu tham gia cạnh tranh thì cần hoạt động theo tính toán thương mại, phù hợp với nguyên tắc thị trường, minh bạch hóa hoạt động, giảm trợ cấp và giảm can thiệp gây tác động bất lợi cho cạnh tranh”, ông Khánh cho biết.

Về lý thuyết là thế, nhưng thực tế, trên bàn đàm phán lại xuất hiện nhiều vấn đề.

Việt Nam hiện còn 1.060 doanh nghiệp 100% vốn của nhà nước, nhiều hơn hẳn so với số lượng các DNNN của các quốc gia đang đàm phán, vì thế, ông Khánh vẫn lo ngại sẽ gặp một số vấn đề khi thực thi hiệp định.

Sở hữu trí tuệ vẫn là một vấn đề mà nhiều thành viên của các quốc gia đàm phán TPP chưa nhất trí được với nhau mà một trong số đó là kéo dài bản quyền sáng chế dược phẩm.

Theo ông Khánh, hội nghị Bộ trưởng vừa qua tại Singapore đã cố gắng tìm ra cách xử lý vấn đề, theo đó quyền sở hữu trí tuệ cần được thực thi trên cơ sở trình độ phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới