Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPP – sân chơi mới, sức ép lớn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPP – sân chơi mới, sức ép lớn

Chiến Thắng

TPP - sân chơi mới, sức ép lớn
Tham gia TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội gia tăng xuất khẩu nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật ngặt nghèo. Trong ảnh là cảnh nông dân thu hoạch cá tra, sản phẩm mà Việt Nam xuất nhiều sang thị trường Mỹ. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

(TBKTSG) – Ngày 15-11-2010, Chủ tịch nước thông báo quyết định của Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Lần đầu tiên, Việt Nam tham gia đàm phán một FTA đa phương với tốc độ đàm phán nhanh, quy mô sâu rộng, mức độ cam kết cao và phức tạp.

Cân nhắc và chủ động

Thử nhìn vào các đối tác hiện đang tham gia đàm phán chính thức trong TPP gồm: New Zealand, Singapore, Chile, Brunei, Hoa Kỳ, Australia, Peru, Malaysia và Việt Nam, có thể thấy Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất. Theo một quan chức Vụ Hợp tác kinh tế đa phương Bộ Ngoại giao, để đi đến quyết định trở thành thành viên đàm phán đầy đủ của TPP, Việt Nam phải mất ít nhất một năm cân nhắc, sau đó tham gia ba vòng đàm phán với tư cách thành viên liên kết (quan sát viên). Việt Nam đã sử dụng quãng thời gian này để đánh giá cơ hội, thách thức từ TPP đối với nền kinh tế và chuẩn bị những phương án đàm phán thích hợp.

Sự cân nhắc đó bắt nguồn từ phạm vi và tầm ảnh hưởng lớn của TPP, một hiệp định mà Hoa Kỳ kỳ vọng là “FTA của thế kỷ 21”. Quan chức Bộ Ngoại giao cho rằng, đây là lần đầu tiên, Việt Nam tham gia đàm phán một hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương với tốc độ đàm phán nhanh kỷ lục, quy mô sâu rộng, mức độ cam kết cao và phức tạp như vậy. So với các hiệp định BTA (thương mại song phương), AFTA (khu vực tự do mậu dịch Asean), và WTO, TPP mở rộng hơn, cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, TPP còn bao gồm các vấn đề phi thương mại như mua sắm chính phủ, môi trường, lao động, công đoàn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế VCCI, cho biết với vai trò là một thành viên đàm phán chính thức, bình đẳng, Việt Nam hoàn toàn có quyền đề xuất, can thiệp vào việc định hình các cam kết trong khuôn khổ TPP. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, với việc tham gia đàm phán TPP ngay từ đầu, Việt Nam có điều kiện tốt hơn để cân nhắc các lợi ích và thách thức để có thể chủ động đàm phán xây dựng thỏa thuận cùng có lợi thay vì đồng ý với các điều khoản đã được lập ra. Theo bà Phạm Chi Lan, đây là điều rất thuận lợi nếu so sánh với đàm phán WTO, khi các nước muốn gia nhập phải đưa ra những cam kết của mình mà không thể thương lượng, đưa thêm bất cứ nội dung gì vào hiệp định WTO đã có.

Sức ép lớn

Là một FTA thế hệ mới, TPP không chỉ điều chỉnh các lĩnh vực thương mại và dịch vụ mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực phi thương mại khác như sở hữu trí tuệ, môi trường và lao động. Vì vậy, sức ép của TPP đối với nền kinh tế, và các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.

Chẳng hạn, theo VCCI, một mặt hàng của Việt Nam được tiếp cận thị trường các nước với thuế suất bằng 0%, nhưng cơ hội gia tăng xuất khẩu với giá cạnh tranh sẽ bị vô hiệu bằng những rào cản khác dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, hay các vụ kiện phòng vệ thương mại với quy chế kinh tế phi thị trường… Ngoài ra, những điều kiện ngặt nghèo về lao động, về xuất xứ nguyên liệu cũng có thể khiến hàng hóa Việt Nam không tận dụng được những lợi thế cạnh tranh từ việc giảm thuế trong TPP.

Cũng theo VCCI, việc phải cam kết giảm thuế đối với phần lớn các nhóm mặt hàng từ đối tác TPP sẽ làm giảm thu ngân sách và khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam gia tăng với giá cạnh tranh hơn. Nguy cơ này đặc biệt nghiêm trọng với nhóm hàng nông sản, sẽ gây tổn thương cho những đối tượng như nông dân…

Những tiêu chuẩn cao về môi trường, lao động của đối tác cũng sẽ tạo gánh nặng cho nhà nước trong việc gia nhập công ước liên quan, sửa đổi quy định pháp luật nội địa, xây dựng cơ chế, thủ tục ban hành, thực thi mới…

Theo bà Phạm Chi Lan, mọi hiệp định về hội nhập quốc tế đều có cơ hội và thách thức. “Trong mọi cuộc chơi, phần thắng bao giờ cũng chỉ đến với những người có năng lực vượt qua thách thức của cạnh tranh, nắm bắt cơ hội để vượt lên chính mình và vượt lên hoặc cùng các đối thủ cạnh tranh khác chia sẻ thành công trên thương trường”.

______________________________

(Xem thêm bài “Cơ hội hay thách thức?”, tr.64)

Hoa Kỳ – đối tác chính

Theo đánh giá của các nhà đàm phán Việt Nam, trong số các nước tham gia TPP tính đến thời điểm hiện nay, Mỹ là nước có ảnh hưởng lớn nhất tới tiến trình, phạm vi và kết quả đàm phán. Lý do, so với các nước khác thì Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất với Việt Nam (đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu). Thứ hai là Việt Nam đã có sẵn thỏa thuận FTA với Australia, New Zealand, Brunei, Singapore, Malaysia, đang đàm phán với Peru và sẽ ký FTA với Chile. Vì vậy, nếu TPP có đi tới đích thì hiện trạng thương mại giữa Việt Nam và các nước này cũng không ảnh hưởng đáng kể. Thứ ba, là trong số các nước tham gia đàm phán TPP, một số nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, như Singapore, Brunei, Australia, New Zealand, Malaysia, nhưng Mỹ vẫn chưa công nhận thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng trong một thiết chế mà đa số thành viên đã công nhận kinh tế thị trường ở Việt Nam như TPP thì việc đàm phán với Hoa Kỳ có thể đỡ khó khăn hơn so với việc Việt Nam đàm phán song phương. Mặt khác, Việt Nam cũng là đích nhắm của Hoa Kỳ khi tham gia TPP, nên hai bên có thể tìm cách đến gần nhau hơn trong vấn đề này để đảm bảo lợi ích chung dài hạn mà cả hai bên cùng hướng tới.

 

Tóm tắt diễn biến vòng đàm phán thứ 9 Hiệp định TPP

Vòng đàm phán thứ 9 của TPP kết thúc vào ngày 28-10-2011 tại Lima, Peru, sau 10 ngày đàm phán. Đây là vòng đàm phán trước khi Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Hawaii mới đây. Vòng đàm phán lần này tiếp tục đạt được các tiến triển mới, đặc biệt ở một số chương về các vấn đề vệ sinh và dịch tễ (SPS), rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và các quy định về nguồn gốc xuất xứ (ROOs).

Ngoài ra, các bên đàm phán cũng đạt được một số tiến bộ trong các phiên thảo luận về các điều khoản nhằm đảm bảo lợi ích của hiệp định có thể đến được với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cải thiện tính thống nhất về pháp lý trong khu vực, phát triển hơn nữa cạnh tranh và chuỗi cung ứng trong khu vực có tính đến các ưu tiên phát triển của chín thành viên.

Về vấn đề tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cũng như mua sắm chính phủ cũng đạt được nhiều tiến bộ trong các cuộc đàm phán. Các bên dự kiến sẽ sửa đổi các bản chào dựa trên các cuộc thảo luận này và yêu cầu cải thiện trong một số lĩnh vực cụ thể để tăng khả năng tiếp cận thị trường.

Ngoài ra, có một số đề xuất phức tạp và nhạy cảm cũng được đưa ra, bao gồm vấn đề sở hữu trí tuệ và tính minh bạch. Dự kiến, các bên đàm phán sẽ mất khá nhiều thời gian để đi đến một kết quả có thể thỏa mãn được cả chín thành viên. Một đề xuất mới về vấn đề doanh nghiệp nhà nước cũng được đưa ra và sẽ được thảo luận trong nhóm làm việc về chính sách cạnh tranh. Như vậy, cho đến nay hầu hết các vấn đề đã được đưa ra thảo luận, trừ vấn đề về lao động.

Nguồn: Trung tâm WTO của VCCI  dẫn nguồn từ Bộ Ngoại Thương Úc (http://www.dfat.gov.au)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới