Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trả lời chất vấn kỳ họp HĐND TPHCM: tiếp tục hứa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trả lời chất vấn kỳ họp HĐND TPHCM: tiếp tục hứa

Văn Nam

Đại biểu Nguyễn Minh Hương đang chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – “Việc làm và hành động thiết thực của các cơ quan chức năng thành phố giúp nâng cao chất lượng sống chính là mong muốn lớn nhất của người dân thành phố hiện nay”, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo phát biểu gợi ý mở đầu phiên chất vấn tại Kỳ họp lần thứ 16 HĐND thành phố Khóa 7 diễn ra sáng nay 8-7.

Những câu hỏi chất vấn xoay quanh các vấn đề được người dân quan tâm nhất hiện nay như: vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), dịch cúm A/H1N1, xử lý cơ sở gây ô nhiễm, xử lý ô nhiễm tại các bãi rác, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại được các đại biểu HĐND đặt ra với hy vọng lãnh đạo các cơ quan chức năng sẽ trả lời thấu đáo và nêu ra những giải pháp cụ thể.

Lo ngại ngộ độc thực phẩm tăng cao

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu tóm lượt một loạt khó khăn trong công tác quản lý của ngành như: thiếu đội ngũ thanh tra y tế chuyên ngành VSATTP, thiếu kinh phí và đội ngũ chuyên trách từ cấp thành phố đến cấp xã, phường. Ông Châu cho biết cấp thành phố hiện chỉ có 4 thanh tra chuyên ngành VSATTP, cấp quận huyện có khoảng 26 người, còn cấp xã, phường thì hầu như không có chuyên viên nào. Trong khi đó, vi phạm về VSATTP đang tăng cao trong thời gian gần đây. Ngoài ra, số ca mắc cúm H1N1 tuy được thành phố kiểm soát tốt, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng về số ca nhiễm.   

Là người chất vấn đầu tiên, đại biểu Võ Văn Sen đặt vấn đề: cái khó trong công tác kiểm soát ATVSTP theo ông Sen, không phải do thiếu con người như giám đốc Sở Y tế trình bày, mà cái chính vẫn là khâu yếu kém trong cách thức điều hành của cơ quan phụ trách lĩnh vực này.

Qua số liệu của Sở Y tế, 6 tháng đầu năm 2009, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố đã xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng sức khỏe cho gần 700 người. Xu hướng ngộ độc do độc chất của động vật tăng đáng lo ngại. Trong khi đó, hiện thành phố chỉ có khoảng 70% cơ sở nấu ăn được cấp chứng nhận VSATTP.

“Xin giám đốc Sở Y tế trả lời bao giờ người dân thành phố ăn rau muống mà không còn cảm thấy lo, vấn đề VSATTP, đặc biệt tại bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, khu chế xuất chừng nào mới được giải quyết căn cơ?”, đại biểu Sen đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi này, ông Châu cho rằng trong nhiều tình huống, rất khó kiểm soát được vấn đề ngộ độc thức ăn. Ví dụ: ngộ độc do cá ngừ cũng có thể do khâu bảo quản trong lúc đánh bắt không đảm bảo, hơn nữa ngay tại các chợ đầu mối hải sản ở thành phố vẫn chưa có hệ thống kho lạnh bảo quản nào đạt tiêu chuẩn.

Mỗi ngày, thành phố tiêu thụ khoảng 1.600 tấn rau các loại, khoảng 700 tấn sản phẩm động vật. Trong khi đó, thành phố chỉ tự đáp ứng khoảng 20% nhu cầu rau và khoảng 20% nhu cầu thực phẩm động vật, còn lại phụ thuộc lượng cung cấp từ các địa phương khác, trong khi khâu giám sát nuôi trồng ở các vùng khác thì thành phố không quản lý được.

Một số đại biểu HĐND khác cũng nêu lên mối băn khoăn về vấn đề thực phẩm tại các chợ đầu mối mất vệ sinh diễn ra rất đáng lo ngại trên địa bàn thành phố gần đây, và cho rằng với tình hình quản lý như hiện nay, thật khó để truy nguyên được nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

Trong năm 2008, khi thanh tra tại 155 bếp ăn tập thể, đoàn của thanh tra Sở Y tế và các quận huyện phát hiện có đến 105 cơ sở vi phạm VSATTP, đã đóng cửa 6 cơ sở và phạt vi phạm gần 500 triệu đồng.

Theo ông Châu, trước mắt trong năm 2009, sở đã làm việc với Hepza thỏa thuận xây hai bếp ăn đạt chuẩn tại Khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung 2 để dần đi đến hạn chế tình trạng mất vệ sinh thực phẩm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Sở sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu tại ba chợ đầu mối gồm chợ Tam Bình, Tân Xuân và chợ Bình Điền, buộc các chợ đầu mối phải có kho lạnh để tiêu thương gởi hàng không bán hết qua đêm.

Về kế hoạch kiểm soát thuốc tây không đạt chất lượng lưu thông trên thị trường được một số đại biểu nêu ra tại kỳ chất vấn này, ông Châu cho biết trong 6 tháng đầu năm 2009, sở đã lấy 182 mẫu thuốc ngẫu nhiên tại các cửa hàng thuốc tây trên thị trường kiểm nghiệm, kết quả có 8,1% mẫu không đạt tiêu chuẩn.

Với nhiều biện pháp ưu đãi, sở đề ra kế hoạch từ đây đến cuối năm 2010, sẽ có 100% số nhà thuốc của thành phố đạt tiêu chuẩn GPP (Nhà thuốc thực hành tốt), trong khi tỷ lệ này hiện khoảng 5%.

Bãi rác Đa Phước làm xôn xao nghị trường

Hiện nay, 50% hạng mục tại Bãi rác Đa Phước chưa hoàn thành. Ảnh: Văn Nam

Không như kiểu “hỏi – đáp” khá đơn điệu ở phần chất vấn lãnh đạo Sở Y tế, cả nghị trường được hâm nóng trở lại khi đại biểu Lê Thượng Mãn mở đầu cho phần chất vấn giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đào Anh Kiệt bằng một phân tích khá dài về dự án Khu xử lý rác Đa Phước đang gây hao tổn cho ngân sách nhà nước.

Theo đại biểu Thượng Mãn, với giá xử lý rác là 16,4 đô la Mỹ/tấn, ước tính mỗi tháng thành phố phải trả cho Công ty Vietnam Waste Solutions (VWS) là chủ đầu tư khoảng 1,5 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, đến nay khoảng 50% số lượng hạng mục cần thiết tại bãi rác này vẫn chưa hoàn thành, rác đưa về chủ yếu là chôn lấp.

Bãi rác hoạt động hơn một năm nay, nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào đến kiểm tra giám sát chặt chẽ, còn Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố đã bị vô hiệu hóa. “Tại sao bãi rác này lại được ưu ái đến như vậy? Chưa kể đến hiện tượng phát sinh mùi hôi và dịch ruồi thời gian gần đây, nguy cơ gây ô nhiễm còn tiềm tàng thì dự án này đâu có hiện đại gì đâu?”, đại biểu Mãn băn khoăn.

“Khi có cơ quan kiểm tra thì bãi rác Đa Phước rất tốt, nhưng sau đó lại xuất hiện ruồi nhiều như “xôi đậu”, vậy đề nghị lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường thường xuyên đến kiểm tra bãi rác này hơn nữa có được không?”, đại biểu Dương Văn Nhân tiếp lời.

Còn theo đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa, nhiều đoàn kiểm tra, kể cả lãnh đạo thành phố, có vẻ như chấp nhận dự án bãi rác Đa Phước là dự án hiện đại, đạt tiêu chuẩn môi trường. Nhưng thực tế bãi rác này hoạt động lại gây ô nhiễm môi trường thường xuyên. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác có phương án, giá xử lý rẻ hơn nhưng lại không được thành phố ủng hộ.

Giải thích về hiện tượng dịch ruồi và mùi hôi từ bãi rác, ông Kiệt hứa sẽ tiến hành kiểm tra bãi rác Đa Phước thường xuyên hơn, kể cả kiểm tra ban đêm. Và cho rằng với tiến độ báo cáo của VWS, đến cuối năm 2009 sẽ hoàn thành thi công hết các hạng mục còn lại.

Lý giải cho đơn giá xử lý cao ở mức 16,4 đô la Mỹ/tấn mà thành phố phải trả cho VWS, giám đốc Đào Anh Kiệt khẳng định: “VWS xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp là đã tốt nhất Việt Nam hiện nay rồi”.

Ngay lập tức, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang phản bác: “May mắn tôi là người đã từng nghiên cứu luận án tiến sĩ về vấn đề công nghệ xử lý rác thải nên rất không đồng tình với ý kiến của ông Kiệt cho đây là bãi rác hiện đại nhất. Nói thẳng, đây là công chôn lấp có từ năm 1991, đến giờ đã có nhiều công nghệ khác tiên tiến hơn nhiều”.

Đại biểu Võ Văn Sen đề nghị nên chăng thành phố cần tiến hành thanh tra số tiền giải ngân thực sự của dự án bãi rác Đa Phước để làm sáng tỏ vấn đề.

Ngoài ra, các đại biểu khác còn chất vấn thêm nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường như: nhà cầu trên kênh rạch, thu gom và xử lý nước thải công nghiệp, việc xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm, vấn đề chậm di dời các cơ sở gây ô nhiễm, nhiều cơ sở gây ô nhiễm thuộc diện “danh sách đen” rất chậm khắc phục như Nhà máy thuốc lá Sài Gòn, Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội, Công ty Xi măng Hà Tiên, Nhà máy Bia Sài Gòn…

Theo quan sát của chúng tôi, những câu hỏi chấn vất quyết liệt của nhiều đại biểu, đặc biệt là những bức xúc xoay quanh dự án Bãi rác Đa Phước được lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường trả lời hết sức chung chung.

Mạnh dạn đập bỏ phần gạch vỉa hè mới lót

Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục chất vấn giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Phượng tập trung vào ba vấn đề gồm: các dự án cầu đường chậm tiến độ, thi công vỉa hè không đồng bộ và chất lượng phục vụ của xe buýt.

Tương tự như những kỳ chất vấn trước đây, ông Trần Quang Phượng dẫn ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ các dự án giao thông đô thị đã nói đi nói lại nhiều lần như: chậm giải phóng mặt bằng, thiếu vốn, năng lực nhà thầu yếu kém, sự phối hợp giữa các ngành chưa đồng bộ…

Trong khi đó, nhiều đại biểu cho rằng lô cốt mọc như nấm gây kẹt xe, ngập nước kéo dài nhiều năm qua chính là nỗi ám ảnh thường trực của người dân. Tính đến ngày 6-7, toàn thành phố có 240 điểm rào chắn trên khoảng 90 tuyến đường, tập trung ở các quận Tân Bình, Bình Thạnh, quận 3, 1, Gò Vấp …

Thời gian chất vấn dành cho mỗi đại biểu càng về sau càng ít đi, nhiều đại biểu chỉ có thời gian 1 phút để chất vấn. “Tôi và nhiều đại biểu khác thấy phần trả lời của lãnh đạo Sở Giao thông vận tải là chưa thỏa đáng, chúng tôi không đồng ý với cách trả lời này. Nếu trả lời như thế này thì việc chất vấn của HĐND cũng sẽ không đi đến đâu vì không thấy nêu lộ trình, thời điểm giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc”, đại biểu Võ Văn Sen đứng lên phát biểu ngay sau khi nghe phần giải thích rất dài của ông Phượng.

Đại biểu Sen đề nghị riêng vấn đề cải tạo vỉa hè, lãnh đạo thành phố phải xem xét, cân nhắc nên chăng mạnh dạn phá bỏ phần gạch đã lót để trả lại độ thấm nước tự nhiên của vỉa hè và tăng cường mảng xanh đô thị. Còn đại biểu Lê Văn Trung thì khẳng định hậu quả của việc giao cho các quận như quận 1, 3, 5 bê tông hóa các vỉa hè tất yếu sẽ làm giảm khả năng tiêu thoát nước tự nhiên đến 60%.

Ông Sen cũng đề nghị nên thay đổi phương pháp thi công tại các lô cốt hiện tại. Có thể không làm ban ngày mà tăng cường làm ban đêm, hoặc làm theo kiểu cuốn chiếu dứt điểm từng đoạn đường một.

“Tất cả những đề xuất của các đại biểu trong kỳ họp này về vấn đề vỉa hè, công trình cầu đường chậm trễ, ngập nước… chúng tôi sẽ tiếp thu và nghiên cứu thực hiện trong tương lai”, ông Phượng tỏ ra cầu thị.  

Trao đổi với TBKTSG Online sau phần trả lời chất vấn của ba giám đốc các sở, nhiều đại biểu HĐND tham gia chất vấn đánh giá chỉ có phần trả lời chấn vấn của giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu là đạt yêu cầu, còn lại hai Sở Giao thông vận tải và Sở Tài nguyên Môi trường chỉ có nêu thực trạng cũ mà ai cũng biết, chưa thấy đề ra được giải pháp nào khả dĩ.

Cuối buổi chất vấn chiều nay, trước những vấn đề bức xúc của đại đa số đại biểu chưa được trả lời thấu đáo, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Tài đã yêu cầu lãnh đạo các sở liên quan nên tổng hợp lại các câu hỏi chất vấn, thẩm định xem có đúng thực tế hay không, từ đó sớm đưa ra giải pháp giải quyết.

Về những đề xuất liệu thành phố có nên điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng như nhiều đại biểu đã nêu ra tại kỳ họp này, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Tài khẳng định rằng tính đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo thành phố vẫn chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm nay.

Theo Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài, công việc trước mắt của thành phố sẽ tập trung dồn sức cho thực hiện các giải pháp đề ra, góp phần đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể.

Ngày mai, kỳ họp tiếp tục làm việc ngày cuối cùng với phần bầu nhân sự mới trong buổi sáng, buổi chiều sẽ thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp. 

 

     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới