Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trách nhiệm không chỉ của Vedan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trách nhiệm không chỉ của Vedan

Sông Thị Vải nổi váng, bốc mùi hôi thối – Ảnh: Vietnamnet

(TBKTSG Online) – Sáng nay, ngày 20-9, xem hàng loạt tờ báo, kể cả Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tôi không tin vào mắt mình khi thấy tin “Buộc Vedan nộp phí xả thải 92 tỉ đồng”. Tôi cứ ngỡ báo đăng nhầm.

Khi báo chí nêu vụ Vedan, với khối lượng nước thải cùng các chất độc hại như vậy, bạn tôi là giám đốc một công ty xử lý môi trường của Singapore quả quyết, nếu Vedan xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho toàn bộ khối lượng chất thải đã từng xả xuống sông thì hệ thống ấy phải tốn kém hàng chục triệu đô la Mỹ tiền đầu tư ban đầu. Còn mua hóa chất, tiền điện cũng như chi phí vận hành để xử lý lượng nước thải khổng lồ của Vedan thì mỗi năm ít nhất phải chi ra 3-5 triệu đô la Mỹ. Vị chi 14 năm qua, nếu Vedan xử lý chất thải theo đúng quy định thì công ty có thể chi đến 100 triệu đô la Mỹ, như lời ông bạn tôi tính toán.

Thế mà giờ đây, Vedan chỉ phải nộp 92 tỉ đồng tiền xả thải, có nghĩa công ty này quá “lời”. Điều này giải thích tại sao các công ty cứ tìm cách xả trộm chất thải chưa qua xử lý ra môi trường rồi chấp nhận nộp phạt. Cứ tưởng tượng một công ty lớn có vốn đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ như Vedan thì 92 tỉ đồng chỉ là “móng tay” của họ.

Nhiều nhà khoa học còn đề xuất phương án “cứu” sông Thị Vải bằng cách đào một con kênh (hay sông nhân tạo) để đưa nước từ một con sông khác vào Thị Vải, như một cách để súc rửa dòng sông ô nhiễm này.

Nếu cứu Thị Vải bằng cách đào kênh thì chi phí lên đến hàng trăm tỉ đồng và làm đảo lộn cuộc sống của biết  bao người dân. Tất nhiên, sông Thị Vải đang “chết” không chỉ vì một mình Vedan mà còn do nhiều công ty chưa bị “bắt tận tay” khác, nhưng theo khối lượng chất thải mà Vedan xả xuống sông, cùng các chất độc hại của nó mà báo chí mấy ngày qua đã nêu thì có thể xem như chỉ một mình Vedan đã đủ “giết” Thị Vải theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của một con sông.  

Vị lãnh đạo Vedan thông qua báo chí đã xin lỗi người dân và mang công ăn việc làm của 2.700 công nhân ra để tìm sự thông cảm nhưng thử hỏi, nếu vì công việc của 2.700 công nhân ấy mà hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người khác bị thiệt hại, rồi môi trường, rồi nền kinh tế, rồi ngân sách nhà nước bỏ ra để “súc rửa” dòng sông thì những công nhân ấy có thể chấp nhận để Vedan lấy mình ra làm cái cớ biện minh không?  

Điều không ổn thứ hai mà theo tôi là quan trọng nhất là vụ Vedan nghiêm trọng thế mà không thấy vị lãnh đạo nào của Đồng Nai hay của Bộ Tài nguyên- Môi trường cảm thấy mình có trách nhiệm, không thấy vị nào xin lỗi dân hay nộp đơn lên Chính phủ xin từ chức.  

Mấy ngày vừa rồi, qua báo chí tường thuật, tôi có cảm giác các vị lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường “thi” nhau phát biểu, trả lời phỏng vấn trên báo chí, cố chứng minh rằng vụ Vedan là phức tạp, nghiêm trọng và có vẻ, các vị này muốn hướng dư luận đến suy nghĩ “đây là chiến công của chúng tôi”.  

Những người đánh cá, ghe lưới trên sông, tàu bè qua lại, rồi dân sống ven bờ ai cũng biết, chỉ có các vị là không biết hay các vị không dám làm? Trách nhiệm của những người có trách nhiệm của bộ, của tỉnh đang nằm ở đâu khi mà chuyện Vedan xả nước thải gây ô nhiễm sông Thị Vải gần như ai cũng biết, ai cũng cảm nhận được từ hơn 10 năm qua mà đến giờ các vị mới ra tay, rồi lại xem như “thành tích” của mình?

Có vị phát biểu trên báo là “đau buồn” nhưng sao các vị có thể dửng dưng trong mười mấy năm qua, và đến giờ mới buồn!

VÕ MINH DUY (TPHCM)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới