Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

(TBKTSG) – Đã có nhiều hội thảo khu vực và quốc gia với các tên gọi khác nhau “Doanh nghiệp và cộng đồng”, “Doanh nhiệp với công cuộc xóa đói giảm nghèo”. Suy cho cùng, các hội thảo trên đều gắn doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội.

Từ thực tiễn, tôi nhận thức: “Kinh doanh muốn bền vững phải gắn bó và chia sẻ với cộng đồng. Nếu đi ngược lại, trước sau gì cũng bị đào thải”. Mục đích hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nhân trước hết là làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho doanh nghiệp, sau là góp phần làm giàu cho xã hội. Luật pháp của nhiều nước đều ủng hộ và bảo vệ các doanh nghiệp hoạt động theo mục tiêu này.

Doanh nhân trước hết là con người cụ thể, đạo kinh doanh trước hết là đạo làm người.

Lâu nay, hình như nhiều người hiểu biểu hiện của “doanh nghiệp với cộng đồng” là khi thấy doanh nghiệp hoạt động từ thiện. Từ việc tặng quà, khám bệnh phát thuốc đến trao học bổng, tặng nhà tình thương – nhà đại đoàn kết, phụng dưỡng người già, bảo trợ trẻ em, bảo trợ các sự kiện thể thao, văn hóa, du lịch. Cao hơn thì thực hiện các dự án làm cầu đường, xây trường học – trạm xá và cả trường dạy nghề…

Việc làm nào cũng tốt, và rất cần được nhân rộng để “góp gió thành bão”. Chỉ có điều, “của cho không bằng cách cho”. Có doanh nhân làm từ thiện vì cái tâm, để trả nợ cuộc đời, để chia sẻ với những mảnh đời khó khăn. Có doanh nghiệp kết hợp hoạt động từ thiện với làm PR cho đơn vị. Cũng có doanh nghiệp đơn thuần xem đó là dạng hoạt động đặc biệt quảng bá thương hiệu.

Đã đến lúc cần có cách nhìn khái quát và đầy đủ hơn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đặc biệt là sau sự việc Vedan trở thành “sát thủ” số một của sông Thị Vải. Có người bảo Vedan xui nên bị phát hiện vì với cung cách quản lý thờ ơ, lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng như hiện nay thì chỗ nào cũng có những Vedan chưa bị phát hiện, đang tìm cách luồn lách và che giấu.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR – Corporate Social Responsibility) thể hiện trước hết là sản phẩm của doanh nghiệp phải có ích cho xã hội; tiếp đến là việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không làm tổn hại đến môi trường sống và cả truyền thống văn hóa, đạo đức của cộng đồng; thứ ba là doanh nghiệp biết chia sẻ lợi nhuận với cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội; thứ tư là doanh nghiệp biết chăm lo cụ thể đời sống vật chất và tinh thần cho nhân viên.

Chỉ có những doanh nghiệp đảm bảo thực hiện tốt bốn nội dung trên mới có thể phát triển bền vững. Khi xét khen thưởng bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần soi rọi lại các tiêu chí trên. 

NGUYỄN VĂN MỸ – Lửa Việt & Tavitour

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới