Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trách nhiệm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trách nhiệm

Vũ Xuân Tiền (*)

(TBKTSG) – Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 4-6-2009 đăng bài “Cần một bộ máy nhà nước chuyên nghiệp” của TS. Nguyễn Sỹ Phương và số ra ngày 11-6-2009 có bài “Muốn bộ máy chuyên nghiệp phải có công chức có trách nhiệm” của tác giả Diệp Văn Sơn. Hai bài viết đã đề cập đến một vấn đề “nóng” trong bộ máy nhà nước ta hiện nay. Xin góp thêm tiếng nói vào vấn đề nêu trên là làm gì để có những công chức có trách nhiệm?

Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, để có những công chức có trách nhiệm nên làm ngay những việc sau đây:

Một là, cải tiến công tác tuyển chọn công chức. Cơ chế tuyển chọn hiện nay của nước ta thiếu công khai, minh bạch và còn nhiều kẽ hở để lợi dụng. Biểu hiện của điều đó là việc tuyển chọn không dựa trên những tiêu chuẩn về năng lực thực sự mà chỉ dựa trên chứng chỉ, bằng cấp, vốn nhiều khi được mua bằng tiền.

Hơn nữa, việc tuyển dụng và đề bạt công chức bị chi phối bởi nhiều quan hệ cá nhân; những người giỏi chuyên môn nhưng không “ngoan” thường không được trọng dụng… Một khi “đầu vào” của đội ngũ công chức như vậy thì không thể kỳ vọng có một đội ngũ công chức có trách nhiệm, có lương tâm với công việc.

Hai là, cần nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chuẩn quy định một cách chi tiết về nhiệm vụ của từng vị trí công tác trong bộ máy quản lý nhà nước. Bộ tiêu chuẩn này sẽ được sử dụng tương tự như bản “Điều khoản giao việc” kèm theo các hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân viên hiện nay. Khi đó, bất kỳ một công chức, viên chức nào được tuyển dụng đều biết rõ nhiệm vụ của mình.

Chúng ta không thể tin được rằng, hãy còn không ít công chức hàng ngày vẫn đến công sở, vẫn lĩnh lương đều đều nhưng lại không được giao một việc gì cụ thể hoặc một vị quan chức đầu tỉnh có đến hai, ba vị là thư ký nhưng công việc cụ thể của từng thư ký cũng không rõ ràng…

Tất nhiên, vệc xây dựng bộ tiêu chuẩn như trên phải tuân thủ nguyên tắc: nhanh chóng xây dựng một nhà nước dịch vụ, phục vụ nhân dân thay cho một nhà nước chủ yếu thực hiện chức năng cai trị và quản lý như hiện nay.

Ba là, trên cơ sở quy định rõ ràng về nhiệm vụ ở từng vị trí, cần củng cố, nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả làm việc của thanh tra công vụ nhằm phát hiện kịp thời những vị trí, những con người cụ thể yếu kém về chuyên môn, đạo đức và thanh lọc khỏi bộ máy nhà nước. Thanh tra công vụ là hoạt động có vị trí đặc biệt quan trọng ở tất cả các nước phát triển. Thanh tra công vụ không chỉ có tác dụng tạo ra sự nghiêm minh trong thi hành công vụ mà còn ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong công tác tuyển dụng công chức, ngăn chặn tình trạng “đầu tư” xin việc và “thu hồi vốn” khi “phục vụ” nhân dân. Song, ở nước ta, thanh tra công vụ dường như… không hoạt động!

Bốn là, từ việc phân tích và hợp lý hóa các công việc của từng vị trí trong từng cơ quan thuộc bộ máy nhà nước, cần kiên quyết giảm biên chế trong đội ngũ công chức. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể cải cách chế độ tiền lương và những đãi ngộ khác đối với các công chức, khắc phục triệt để tình trạng “đi làm cho Nhà nước để lĩnh lương nhưng không sống bằng lương” – một trong những nguyên nhân của tình trạng sách nhiễu, tham nhũng khi thi hành công vụ.

Năm là, ứng dụng tối đa những thành tựu của tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công việc quản lý, hình thành một cơ chế tự động kiểm soát việc hoàn thành nhiệm vụ của các công chức. Đó là nhân tố có ý nghĩa lớn nhằm hạn chế những tiếp xúc trực tiếp của công chức với người dân dẫn đến hành vi tham nhũng, sách nhiễu.

_________________________________________________________________

(*) Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn quản lý và Đào tạo VFAM Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới