Thứ Sáu, 13/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trái cây chủ lực của Việt Nam: Thị trường là yếu tố quyết định

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt quyết định phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và 2030, trong đó, 14 loại cây có kim ngạch xuất khẩu cao được chọn để tập trung phát triển. Tuy nhiên, thị trường mới là yếu tố quyết định đến sự thành công của định hướng này.

PGS-TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam. Ảnh: NVCC

Liên quan vấn đề nêu trên, KTSG Online đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam.

KTSG Online: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt quyết định phát triển ngành cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và 2030 với 14 loại cây ăn trái có kim ngạch xuất khẩu cao được tập trung phát triển thời gian tới. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Minh Châu: Liên quan chuyện này, tôi thấy khu vực Tây Nguyên còn dư địa phát triển cây ăn trái rất lớn vì đất trên đó tốt. Trong đó, có những cây phù hợp để phát triển như: sầu riêng, bơ, chanh dây…

Đối với sầu riêng, người dân từ miền Tây lên sản xuất nhiều và họ rất am hiểu về kỹ thuật canh tác, trong khi người tại chỗ qua thời gian học hỏi kinh nghiệm cũng hiểu biết nhiều nên sầu riêng ở đó mang lại hiệu quả cao và hiện nay phát triển rất nhiều.

Còn với chanh dây, nếu phát triển đúng cách như kiểu Đài Loan, có nghĩa thu hoạch phải để trái tự rụng, chứ không hái như kiểu Việt Nam, thì chanh dây sẽ có chất lượng cao nhất, khi đó sản phẩm sẽ có giá trị cao hơn. Nói tóm lại, dư địa của chanh dây ở Tây Nguyên còn lớn lắm, nếu sản xuất bài bản, đúng kỹ thuật.

Trong khi đó, bơ cũng là cây trồng chủ lực của Tây Nguyên, nó sản xuất để dầu, chứ không phải như những loại cây ăn trái khác, cho nên, muốn tỷ lệ dầu đạt cao phải bón phân và thu hoạch đúng lúc. Đặc biệt, phải chọn trồng cho đúng vì thế giới chỉ nhập khẩu giống bơ hass, chứ những loại bơ của Việt Nam trồng hiện nay các nước không nhập khẩu, nếu có cũng không bao nhiêu và giá rất rẻ.

Vậy định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giúp gì cho nông dân và doanh nghiệp trong ngành, thưa ông?

Theo tôi, định hướng cũng chỉ là định hướng thôi, còn nông dân và doanh nghiệp có “đi theo” hay không là chuyện khác. Ví dụ, như cây chuối có người làm bán rất rẻ, nhưng có người làm bán giá rất cao, thành ra định hướng là một chuyện nhưng tuỳ theo từng doanh nghiệp sẽ có cách khai thác nhau, lợi nhuận khác nhau. Cây chuối của nông dân trồng bán có 15.000 đồng/kg, trong khi của doanh nghiệp lên tới 35.000-40.000 đồng/kg.

Như ông đã đề cập, định hướng này chưa chắc nông dân, doanh nghiệp sẽ theo. Vậy yếu tố nào mới có tính quyết định?

Định hướng, quy hoạch là phải có, để tránh tình trạng lộn xộn, và đảm bảo tính cân đối giữa các địa phương và trên bình diện chung cả nước. Trên cơ sở căn cứ vào hiện tại để quyết định định hướng phát triển. Đấy là việc làm cần thiết, nhưng nông dân và doanh nghiệp không cần thiết phải căn cứ hoàn toàn theo đó để làm, mà họ còn phải dựa vào tín hiệu của thị trường. Nếu mặt hàng bán được tốt trong khi dư địa thị trường vẫn còn khả năng khai thác, thì họ sẽ tăng năng lực sản xuất, kinh doanh. Còn quy hoạch vẫn cần thiết phải có.

Nông dân Tiền Giang trồng sầu riêng trên nền đất lúa. Ảnh: Trung Chánh

Như vậy, muốn định hướng sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường một cách lâu dài và bền vững, thì phải làm sao, thưa ông?

Muốn sản phẩm đạt chất lượng là một quá trình tổng hợp, trong đó, quan trọng là sản phẩm phải an toàn và chất lượng. Nghĩa là, về hình thức phải đồng đều, truy xuất được nguồn gốc, còn về chất lượng thì sản phẩm không được tồn dư hoá chất, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Trên thực tế, hiện nay các sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc thì phải bán với giá trị thấp, chỉ khi nào dán được nhãn hiệu lên thì mới bán được với giá trị cao. Và muốn có phát triển thương hiệu bền vững thì trái cây phải ngon, phải an toàn, trong đó bao gồm cả yếu tố phát triển đúng hình dạng yêu cầu của sản phẩm.

Cũng có nghĩa là sản phẩm làm ra phải đáp ứng được yêu của cầu từng thị trường?

Tất nhiên, doanh nghiệp và nông dân muốn bán hàng ở đâu thì phải theo định hướng và yêu cầu của thị trường đó, chứ không thể giống nhau được. Ví dụ, cùng là thanh long, nhưng có thị trường ưa chuộng loại trái nhỏ vì mỗi người có thói quen sẽ ăn một trái, trong khi có thị trường thì người tiêu dùng có tập quán ăn chung nên cần loại trái lớn.

Vì vậy, muốn bán được hàng với giá trị cao trước tiên phải thực hiện nghiên cứu thị trường, ghi nhận yêu cầu của nơi nhập khẩu như thế nào để đáp ứng. Về lâu dài nên ký được hợp đồng trước rồi bắt tay vào sản xuất, chứ sản xuất xong mới đi tìm thị trường sẽ rất rủi ro.

Hiện nay, việc xuất khẩu trái cây sang các thị trường, bao gồm cả Trung Quốc, phải đi theo đường chính ngạch. Một trong những yêu cầu quan trọng là phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng gian lận đã xảy ra. Ông có nghe về tình trạng này?

Đây là vấn đề không thể chấp nhận được, bởi sử dụng mã số vùng trồng của nơi khác để làm tem giả rồi dán lên sản phẩm là gian lận thương mại. Nếu thị trường nhập khẩu tìm hiểu và phát hiện được, thì họ sẽ không tín nhiệm nữa. Tôi nghĩ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chắc chắn sẽ có biện pháp cứng rắn để xử lý những việc này.

Mít là một trong 14 loại cây ăn trái chọn tập trung phát triển thời gian tới. Ảnh: Trung Chánh

Ở góc nhìn của một chuyên gia gắn bó nhiều năm với ngành, ông có đề xuất gì để chiến lược phát triển 14 loại cây ăn trái có tính khả thi cao?

Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ chúng ta có thể học tập mô hình của Đài Loan, thị trường này tuy nhỏ nhưng có nhiều chiến lược phù hợp để giúp ngành cây ăn trái phát triển, đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho nông dân.

Ví dụ, đối với cam, quýt và bưởi thì Đài Loan yêu cầu là phải trồng cây sạch bệnh vì như vậy sẽ giúp mầm bệnh trong môi trường ngày càng ít đi. Trong khi đó, Việt Nam nếu cứ cho cây không sạch bệnh phát triển, thì mầm bệnh trong môi trường trồng trọt sẽ ngày càng lớn hơn, gây ảnh hưởng cả những cây sạch bệnh hiện hữu.

Muốn nông dân trồng cây sạch bệnh, thì vai trò của các cơ quan, tổ chức nhà nước cần thể hiện ở việc cung cấp giốn cây sạch bệnh và trợ giá cho người nông dân mua giống. Trên thực tế, các giống cây sạch bệnh có giá thành cao hơn và không phải người nông dân nào cũng có thể kham nổi khoản chi phí gia tăng này.

Xin cảm ơn ông!

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt quyết định phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và 2030. Trong đó, có 14 loại cây có kim ngạch xuất khẩu cao đã được chọn để tập trung phát triển thời gian tới.Theo đó, thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa (khóm), chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh dây, bơ và mãng cầu (na) sẽ là 14 loại cây ăn trái được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn tập trung phát triển đến năm 2025 và 2030.Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây ăn trái cả nước đạt 1,2 triệu héc ta với sản lượng đạt 14 triệu tấn, trong đó, 14 loại cây ăn trái chủ lực như nêu trên đạt 960.000 héc ta với sản lượng đạt khoảng 11-12 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu trái cây đến năm 2025 đạt trên 5 tỉ đô la Mỹ.Còn đến năm 2030, diện tích cây ăn trái cả nước đạt 1,3 triệu héc ta, sản lượng trên 16 triệu tấn, trong đó, diện tích 14 loại cây ăn trái chủ lực đạt 1 triệu héc ta, sản lượng khoảng 13-14 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu trái cây đến năm 2030 đạt khoảng 6,5 tỉ đô la Mỹ.Cụ thể, đối với thanh long, định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là giữ ổn định diện tích khoảng 60.000-65.000 héc ta, sản lượng 1,3-1,5 triệu tấn; xoài phát triển khoảng 130.000-140.000 héc ta, sản lượng 1,1-1,5 triệu tấn; chuối đạt khoảng 165.000-175.000 héc ta, sản lượng 2,6-3 triệu tấn.Đối với cây vải, giữ ổn định diện tích khoảng 55.000 héc ta, sản lượng 330.000-350.000 tấn; nhãn khoảng 85.000 héc ta, sản lượng 700.000-750.000 tấn; cam đạt khoảng 100.000 héc ta với sản lượng 1,2-1,3 triệu tấn; bưởi định hướng phát triển khoảng 110.000-120.000 héc ta, sản lượng 1,2-1,6 triệu tấn.Với cây khóm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng phát triển khoảng 55.000-60.000 héc ta, cho sản lượng 800.000-950.000 tấn; chôm chôm giữ ổn định diện tích khoảng 25.000 héc ta, sản lượng 400.000 tấn; sầu riêng có định hướng phát triển khoảng 65.000-75.000 héc ta, sản lượng 830.000-950.000 tấn.Còn với cây mít, giữ ổn định diện tích khoảng 50.000 héc ta, sản lượng 600.000-700.000 tấn; chanh dây phát triển khoảng 12.000-15.000 héc ta, sản lượng khoảng 250.000-300.000 tấn; bơ giữ ổn định khoảng 25.000-30.000 héc ta, sản lượng 250.000-300.000 tấn; mãng cầu giữ ổn định diện tích khoảng 25.000-30.000 héc ta, có sản lượng 220.000-250.000 héc ta.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới