Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trại hè công nghệ cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trại hè công nghệ cao

Th. Phương

Một học viên nhỏ tuổi học phát triển ứng dụng cho điện thoại iPhone tại Học viện iD Programming Academy.

(TBVTSG) – Trẻ em Mỹ mê công nghệ giờ đây không chỉ được học viết mã nguồn mà còn có thể làm được nhiều điều hơn với những thiết bị công nghệ cao có sẵn ở các trại hè công nghệ cao.

Đã có nhiều thay đổi kể từ khi Michael Zabinski, giáo sư trường Đại học Fairfield (Connecticut, Mỹ), thành lập trại hè công nghệ đầu tiên gọi là National Computer vào cuối thập niên 1970 để giúp học viên làm quen với những thiết bị như máy tính RadioShack TRS-80 hoặc Apple II. Giờ đây, các bậc phụ huynh có nhiều lựa chọn hơn trong việc gửi con em đến trại hè công nghệ cao.

Chương trình học đa dạng

Vào mùa hè này, Karen Katzenberger, 13 tuổi, sống tại Washington, có kế hoạch nâng niềm đam mê đồ họa của mình lên một tầm cao mới tại trại hè ProjectFUN của DigiPen. Trước đó, tại một chương trình hè do iD Tech Camps cung cấp vào năm ngoái, Matthew Dierker, khi đó 16 tuổi, đã phát triển hai ứng dụng điện thoại di động. Một ứng dụng được thiết kế để thay đổi danh tính người gọi và ứng dụng còn lại cho phép người sử dụng “vẽ” trên màn hình. Matthew, sống tại bang Texas, nghĩ rằng Apple có thể không chấp nhận chương trình của mình, vì thế cậu biến chúng thành những ứng dụng chạy trên web.

Các trại hè công nghệ cao ngày nay, trong đó có National Computer, có chương trình học rất đa dạng. Tùy theo sở thích, các em có thể học thiết kế video game, trang web, đồ họa, khám phá công nghệ robot, tìm hiểu phim hoạt hình ba chiều, viết ứng dụng cho điện thoại di động và máy tính bảng, quay phim và biên tập phim…

Nhiều bậc cha mẹ dựa vào Internet để tìm kiếm trại hè phù hợp với sở thích của con cái và nơi ở của mình.

Một truy vấn tìm kiếm đơn giản trên Google có thể nhanh chóng cung cấp cho họ thông tin về một loạt trại hè công nghệ ở Mỹ hiện nay. Ngoài ra, các trang web như Allen’s Guide và MySummerCamps.com giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm về mặt địa lý và nội dung chương trình học. Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, họ còn phải cân nhắc thêm những yếu tố như học phí, uy tín, kinh nghiệm của người hướng dẫn, chương trình giảng dạy… Học phí của các trại hè công nghệ khá đa dạng, từ vài trăm đến vài ngàn đô-la Mỹ. Những học viên đăng ký sớm sẽ được giảm học phí. Ngoài ra, nhiều trại hè còn hỗ trợ tài chính hoặc cung cấp học bổng cho học viên.

Cạnh tranh gay gắt

Do cạnh tranh ngày càng gay gắt, phần lớn trại hè công nghệ đang nỗ lực tìm kiếm hướng đi riêng để thu hút học viên. Ông Craig Whiting, Giám đốc điều hành và chủ sở hữu trại hè Imagination, cho biết kể từ khi được thành lập vào năm 1983, trại hè này đã chú trọng kết hợp việc học công nghệ với các hoạt động hè truyền thống. Ông Whiting cho biết: “Giải trí là một phần quan trọng của chương trình của chúng tôi. Nhờ vậy, học viên có được một trải nghiệm cân bằng hơn và có cơ hội làm quen với nhiều bạn bè hơn”.

Trong khi đó, Học viện Digital Media Academy phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của giáo viên để thiết kế chương trình công nghệ cho các trại hè của mình. Vince Matthews, Giám đốc truyền thông của học viện, cho biết những người giảng dạy tại trại hè đều là người làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Theo ông, học viện này hiện có mặt tại mười trường đại học, trong đó có Stanford, Harvard, Đại học California ở Los Angeles… và tập trung vào chất lượng giảng dạy chứ không phải số lượng học viên.

Một số trại hè công nghệ khác còn cung cấp môi trường học tập như ở trường đại học để học viên làm quen. Chẳng hạn như công ty ID Tech Camps, trong năm hoạt động thứ 13 của mình, đang cung cấp các chương trình công nghệ mùa hè cho học viên trong lứa tuổi 7-17 tại hơn 60 trường đại học. Hơn 16.000 học viên đã tham gia các trại hè và học viện lập trình của ID Tech Camps vào năm ngoái. Bà Karen Thurm Safran, Phó chủ tịch tiếp thị và phát triển kinh doanh của ID Tech Camps, hy vọng sẽ thu hút được 20.000 học viên trong năm nay. Bà cho biết: “Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là giúp các em biết được cách thức biến một sở thích thành một sự nghiệp tiềm năng sau này”.

Đó chính là điều mà Nathaniel Katzenberger, anh trai của Karen Katzenberger, muốn biết khi tham gia vào các trại hè công nghệ để nâng cao kiến thức về khoa học máy tính. Cậu bé 16 tuổi này cho biết: “Tôi khá giỏi toán và rất thích lập trình máy tính. Tôi chỉ chưa rõ là liệu mình có đi theo con đường này hay không”.

(The New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới