Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng 7 giảm hơn 60%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng 7 giảm hơn 60%

Trang Nguyễn

(TBKTSG Online) – Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận số lượng phát hành trái phiếu của các công ty trong tháng 7 có sự sụt giảm nhiều nhất trong năm tháng trở lại đây, đến chủ yếu từ khối tài chính – ngân hàng.

Theo thống kê mới đây của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 7 vừa qua thị trường có 45 đợt phát hành TPDN của 25 doanh nghiệp với tổng khối lượng phát hành là 16.741 tỉ đồng, giảm 60,6% so với tháng 6. Toàn bộ trái phiếu đều được phát hành theo hình thức riêng lẻ. Lũy kế bảy tháng, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt mức 173.069 tỉ đồng, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 161.069 tỉ đồng.

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng 7 giảm hơn 60%
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 7 thấp nhất trong 5 tháng gần đây. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Năm tổ chức phát hành trái phiếu với khối lượng lớn nhất phải kể đến LienVietPostBank (3.000 tỉ đồng), HDBank (2.398 tỉ đồng) và Điện Mặt Trời Trung Nam Thuận, Sài Gòn Glory cùng VPBank với đợt phát hành giá trị 1.000 tỉ đồng.

Về cơ cấu thị trường trái phiếu phát hành theo ngành, trong tháng 7, tổng giá trị phát hành của ngành tài chính-ngân hàng giảm mạnh chỉ bằng 54,61% so với tháng 6, từ mức 20.644 tỉ đồng xuống mức 9.171 tỉ đồng. Giá trị phát hành của nhóm này chỉ còn chiếm 42,2% tổng giá trị phát hành trong tháng 7. Trong đó, giá trị phát hành của các ngân hàng đạt 8.571 tỉ đồng, còn lại 600 tỉ đồng từ hai công ty tư vấn tài chính.

Trong khi đó, ngành bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 3.570 tỉ đồng, giảm đến 67,26% so với tháng 6, chiếm tỷ trọng 17,8% so với tổng khối lượng phát hành.

Phát hành TPDN trong tháng 7 so với tháng 6. Nguồn: VBMA.

Số liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy trong sáu tháng đầu năm 2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có 818 đợt phát hành của 130 doanh nghiệp, với giá trị trái phiếu phát hành đạt mức 168.328 tỉ đồng, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 156.328 tỉ đồng, tăng 88,1% so với mức 89.480 tỉ đồng năm 2019. Khối tài chính – ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khối lượng phát hành, đạt mức 49.994 tỉ đồng. Trái phiếu kỳ hạn ba năm là trái phiếu được phát hành nhiều nhất với khối lượng 66.241 tỉ đồng, chiếm 42,37% tổng khối lượng phát hành trong thời gian này.

Trong tháng 7, các đợt phát hành TPDN có các kỳ hạn ngắn hơn. Kỳ hạn bình quân của trái phiếu giảm từ 3.95 năm xuống 3.57 năm giữa tháng 6 và tháng 7. Trái phiếu kỳ hạn ba năm tiếp tục là trái phiếu được các doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong tháng với tổng khối lượng giao dịch đạt 11.118 tỉ đồng.

Các trái phiếu được huy động với lãi suất cao nhất thuộc về CTCP Đầu Tư IDJ Việt Nam (13%/ năm, khối lượng: 10 tỉ đồng), CTCP Đầu Tư Và Xây Dựng Sunrise Việt Nam (12%/năm, khối lượng: 500 tỉ đồng).

Phân chia theo ngành phát hành thì ngành xây dựng huy động với lãi suất bình quân cao nhất toàn thị trường, với mức 11%/năm. Ngược lại, tài chính – ngân hàng vẫn là ngành có lãi suất huy động bình quân thấp nhất với mức bình quân 6,32%/năm, thấp hơn 3,21% so với mức lãi suất bình quân của trái phiếu do ngành sản xuất phát hành.

Trước đó vào đầu tháng 7, Bộ Tài chính đã có một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, tổ chức phân phối trái phiếu khi đầu tư, phát hành, cung cấp dịch vụ TPDN, trước tình hình nhiều doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán đẩy mạnh hoạt động huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân.

Bộ Tài chính theo đó khuyến nghị các nhà đầu tư TPDN cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với TPDN. Trước khi quyết định đầu tư, cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cần tìm hiểu mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.

Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và đánh giá kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.

Vào giữa tháng 7 vừa qua, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4-12-2018 quy định về phát hành TPDN, cũng đã được chính phủ ban hành và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9 tới đây.

Theo quy định mới, TPDN phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành

Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong khi thị trường TPDN tháng 7 có phần ảm đạm, trong những ngày đầu tháng 8, thị trường đã ghi nhận đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của một ngân hàng ngoại. Đó là đợt phát hành của Ngân hàng HSBC Việt Nam với tổng giá trị phát hành là 600 tỉ đồng.

Số tiền từ đợt phát hành sẽ được ngân hàng này sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, đa dạng hóa nguồn vốn tiền đồng nhằm mục đích phục vụ cho việc tăng trưởng kinh doanh bền vững trong thời gian sắp tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới