Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trái phiếu không còn bị chê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trái phiếu không còn bị chê

Hải Lý

Trái phiếu chính phủ đang thu hút sự quan tâm của các ngân hàng, tổ chức tài chính. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Không phải cổ phiếu, cũng không phải tăng trưởng tín dụng tiền đồng, mà trái phiếu mới là tâm điểm của dòng chảy tiền tệ hiện nay.

Đua nhau mua trái phiếu

Từ tháng 4-2010 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lượng tiền bơm ra hàng ngày qua thị trường mở, giao dịch trái phiếu trở nên nhộn nhịp. Thống kê của sàn Hà Nội và hãng Bloomberg cho thấy trong năm tuần liền, từ 29-3 đến 29-4-2010, tổng giá trị trái phiếu giao dịch (tính theo mệnh giá) chỉ có một tuần dưới 1.000 tỉ đồng, còn lại đều trên 1.100 tỉ đồng/tuần, thậm chí có tuần đạt tới 2.457 tỉ đồng. Sau khi mất mốc 12%/năm đạt được trong tháng 2 và 3-2010, lãi suất trái phiếu càng lúc càng giảm, từ 11,63% đầu tháng 4 xuống 11,13% giữa tháng 5-2010.

Không chỉ tăng cường giao dịch trên thị trường, các ngân hàng, tổ chức tài chính còn tập trung mua trái phiếu chính phủ trong những đợt phát hành gần đây. Đợt phát hành trái phiếu thứ 5 của Kho bạc Nhà nước ngày 16-4-2010 tuy không bán được đồng nào do trần lãi suất được Bộ Tài chính ấn định thấp, nhưng lại đưa ra dữ liệu bất ngờ: 22 tổ chức đăng ký mua tới 6.800 tỉ đồng trong khi lượng chào bán 1.500 tỉ đồng. Tới đợt phát hành thứ 6 ngày 22-4-2010 thì các tổ chức không còn “chê” lãi suất thấp nữa và bỏ thầu lãi suất rất cạnh tranh. Kết quả 4.030 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn hai, ba và năm năm đã bán hết sạch. Đợt gần đây nhất, đợt thứ 7 ngày 12-5-2010 lãi suất các kỳ hạn tiếp tục giảm, nhưng tổng giá trị trái phiếu bán ra còn cao hơn trước, tới 4.525 tỉ đồng. Trong đợt này, lượng đăng ký mua trái phiếu loại hai năm gấp năm lần lượng chào bán. Bây giờ thì không phải chỉ có các “ông lớn” chuyên kinh doanh trái phiếu như HSBC, Citibank, BNP-Paribas, BIDV, Eximbank, Quân đội… mua và bảo lãnh, mà các ngân hàng nhỏ và công ty chứng khoán cũng vào cuộc. Nhiều ngân hàng nhỏ bỏ thầu lãi suất thấp và mua số lượng lớn như Đông Nam Á mua 1.300 tỉ đồng (đợt 7) và 300 tỉ đồng (đợt 6); Xăng dầu Petrolimex 200 tỉ đồng (đợt 7); Bắc Á 400 tỉ đồng (đợt 6); Hàng Hải 600 tỉ đồng (đợt 6)…

Ngày 13-5-2010 trong đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ của NHNN, lãi suất kỳ hạn hai năm lần đầu tiên từ đầu năm đến nay tụt xuống 11%/năm với 1.000 tỉ đồng bán được, kỳ hạn ba năm còn 11,25%/năm. Với nhu cầu mua cao như hiện nay, những đợt phát hành trái phiếu Chính phủ sắp tới lãi suất có thể còn giảm nữa.

Tăng cường đưa tiền ra

Nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy các ngân hàng mua mạnh trái phiếu là để có hàng đem giao dịch trên thị trường mở, nơi NHNN “bơm” tiền ra với lãi suất 7-8%/năm tùy kỳ hạn từ 7-28 ngày. Chênh lệch lãi suất trái phiếu và lãi suất thị trường mở tối thiểu được 3%/năm, quá hấp dẫn đối với tổ chức tín dụng, trong khi cho vay tiền đồng, chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra sau khi trừ đủ loại chi phí, linh hoạt lắm cũng chỉ được 1-2%/năm. Đó là chưa kể mặt bằng lãi suất chung đang giảm và sẽ còn giảm, lãi suất trái phiếu phát hành sau này sẽ giảm theo, mua trái phiếu hiện nay càng sớm thì càng được lợi.

Trong khi đó NHNN tiếp tục có những động thái hỗ trợ cho xu hướng giảm lãi suất. Trong tuần từ 10 đến 14-5-2010 NHNN đã “bơm” ra tổng cộng 14.481 tỉ đồng, gấp đôi tuần trước đó. Có những thông tin trong giới ngân hàng dự báo rằng NHNN sẽ tăng lượng tiền “bơm” ra tới 50.000 tỉ đồng/tháng trong tháng 5 và 6-2010 để đưa mặt bằng lãi suất cho vay về 12%/năm. Con số phỏng đoán trên tỏ ra có cơ sở nếu nhìn vào tổng lượng tiền đã được “bơm” ra trong nửa đầu tháng 5 này.

Xâu chuỗi dòng chảy của tiền đồng, có thể thấy thay bằng trực tiếp tạm ứng tiền có kỳ hạn cho ngân sách vay, thông qua việc đưa tiền ra qua thị trường mở với kỳ hạn tối đa bốn tuần, NHNN đang gián tiếp hỗ trợ việc phát hành trái phiếu của Bộ Tài chính nhằm bù đắp bội chi ngân sách. Với nhu cầu trái phiếu cao như hiện tại, mục tiêu phát hành 56.000 tỉ đồng trái phiếu năm nay đang trở nên dễ thực hiện hơn nhiều.

Hệ quả

Thế nhưng chính sách điều hành nào cũng có hệ quả của nó và người gánh chịu những ảnh hưởng này, nếu có, chính là các tổ chức tín dụng. Việc kinh doanh trái phiếu sẽ buộc các ngân hàng tái cấu trúc lại tài sản, cân đối các nguồn vốn nhanh và linh hoạt. Trái phiếu là thứ hàng hóa không khó chuyển đổi thành tiền để đảm bảo thanh khoản khi cần và kinh doanh trái phiếu cũng an toàn hơn cho vay. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có khả năng cân đối nhanh các nguồn vốn và phản ứng kịp thời với sự thay đổi của chính sách vĩ mô.

Các ngân hàng nhỏ lâu nay thường thiếu kinh nghiệm trong kinh doanh trái phiếu. Hãy cùng nhìn lại: vì sao các ngân hàng nhỏ “bỗng nhiên” tích cực mua trái phiếu đến thế? Vì khi giao dịch qua thị trường mở với NHNN, họ có tiền đồng giá rẻ để phát triển tín dụng nhanh. Hơn ai hết, họ không thể cạnh tranh với các ngân hàng lớn trong huy động tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế với lãi suất thấp, trong khi lại chịu áp lực phải có lợi nhuận ngay. Tính chất kinh doanh theo phong trào đang thể hiện rõ ở những ngân hàng nhỏ.

Bên cạnh đó, chuyện gì sẽ xảy ra nếu cả làng cùng đi mua trái phiếu, và mua đến khi nào? Cơ chế của thị trường mở duy trì mức độ giao dịch lớn hàng chục ngàn tỉ đồng/tuần trong bao lâu? NHNN sẽ tính toán lượng tiền đưa ra qua thị trường mở đủ về số lượng và thời gian để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Vì thế, đến một lúc nào đó, mà chỉ NHNN mới xác định được, khối lượng giao dịch của thị trường mở sẽ tụt xuống, lượng tiền “bơm” ra ròng chỉ còn 2.000-3.000 tỉ đồng/tuần, thậm chí hút về nhiều hơn đưa ra, là chuyện phải đến.

Lúc ấy, vốn của ngân hàng sẽ đọng ở trái phiếu. Những ngân hàng có nguồn vốn huy động dồi dào và tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động thấp, thì nắm giữ trái phiếu chẳng có vấn đề gì. Nhưng các ngân hàng nhỏ thì không được như vậy. Tiền đâu “nuôi” trái phiếu dài hạn? Khi cần tiền, họ sẽ buộc phải bán trái phiếu với mức chiết khấu cao, khả năng lỗ không phải không có.

Thực ra, đề phòng như vậy là hơi lo xa vì sự sôi động của thị trường trái phiếu mới chỉ diễn ra được một tháng rưỡi. Lượng trái phiếu chính phủ phát hành được mới chỉ bằng khoảng 20% chỉ tiêu năm. Điều quan trọng là phải luôn trong tư thế chuẩn bị để phản ứng nhanh với sự thay đổi vĩ mô trong lĩnh vực tiền tệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới