Thứ Tư, 29/03/2023, 21:54
30 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Trăm đường thua, một đường huề

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trăm đường thua, một đường huề

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Không có gì khó hiểu nếu nhiều căn bệnh mãn tính càng lúc càng bộc phát ở thế kỷ 21 mặc cho ngành y tiếp tục báo cáo về nhiều tiến bộ nhảy vọt.

Không bệnh sao được khi sức đề kháng không ngừng bị đục khoét do đủ loại bệnh nguyên, từ siêu vi biến thể nhanh như máy bước qua đủ loại độc chất đang tràn ngập trong môi trường ô nhiễm, từ cuộc sống căng thẳng vì stress cho đến khuynh hướng lạm dụng thực phẩm công nghệ, dược phẩm, chất kích thích…

Khỏi nói thêm cũng hiểu tại sao nhóm “bệnh thời đại”, như cao huyết áp, tiểu đường, thuyên tắc mạch vành, viêm gan, thấp khớp, loét dạ dày, cườm mắt… tiếp tục chiếm thế thượng phong.

Dù có khác biệt ít nhiều về cơ chế bệnh lý, tất cả đều là hậu quả của tình trạng suy yếu sức kháng bệnh do các cơ quan có nhiệm vụ giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột, lớp da… rơi dần vào tình trạng kiệt sức vì phải liên tục đối đầu với đủ loại độc chất ngoại lai cũng như nội sinh.

Trong một môi trường ô nhiễm với đủ loại hóa chất nông nghiệp, gia dụng, chất thải kỹ nghệ, khói xăng dầu, độc chất trong thuốc lá, rượu bia lại thêm phụ gia trong thực phẩm công nghệ… nếu không bệnh mới lạ!

Thảm trạng melamine trong sữa, hình ảnh cho thấy mãnh lực của lợi nhuận thừa sức dẫm nát lương tâm đến như thế nào, chỉ là một thí dụ điển hình, là phần nổi của tảng băng với kích thước khó lường. Nếu tưởng câu chuyện an toàn thực phẩm chỉ bắt đầu từ 3-MCPD trong nước tương rồi chấm dứt với melamine trong sữa thì lầm.

Việc lạm dụng chất phụ gia trong thực phẩm đã, đang và sẽ tiếp tục càng lúc càng tàn bạo hơn, tinh vi hơn. Đáng lo vô cùng không chỉ vì thực phẩm là thuốc độc! Lo hơn nhiều là không ít người chịu trách nhiệm về quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta từ nhiều năm nay chỉ giỏi về báo cáo!

Việc lạm dụng chất phụ gia trong thực phẩm đã, đang và sẽ tiếp tục càng lúc càng tàn bạo hơn, tinh vi hơn. Đáng lo vô cùng không chỉ vì thực phẩm là thuốc độc! Lo hơn nhiều là không ít người chịu trách nhiệm về quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta từ nhiều năm nay chỉ giỏi về báo cáo!

Cũng chính vì thế mà hình ảnh phòng khám, bệnh viện quá tải chắc chắn là một thực tế phũ phàng chứng tỏ biện pháp phòng bệnh vẫn chưa hiệu quả như người người mong đợi. Thực trạng đó đồng thời kéo theo gánh nặng về kinh tế và xã hội, cũng như ảnh hưởng đến năng suất lao động, học tập của người cứ nay yếu mai đau.

Tất cả chỉ vì nhiều phương án phòng bệnh có sẵn trong tầm tay nhưng chưa được lưu tâm đúng mức. Nếu không thể thay đổi điều kiện khách quan bên ngoài thì chỉ còn một biện pháp hữu hiệu là chủ động tăng cường sức đề kháng bằng phương tiện sinh học.

Từ nhận thức đó, ngành y tế ở nhiều quốc gia tiên tiến đã từ lâu khuyến khích áp dụng dược liệu thiên nhiên một cách định kỳ, chẳng hạn 10 ngày mỗi tháng, để giải độc cho cơ thể bằng cách: lợi mật để tối ưu hóa điều kiện hoạt động của lá gan; lợi tiểu nhẹ để hỗ trợ chức năng bài tiết phế phẩm của trái thận; nhuận trường để phòng tránh tình trạng tích lũy độc chất trong khung ruột; đồng thời bổ sung dưỡng chất có tính kháng oxy-hóa nhằm phục hồi nhu mô của các cơ quan trọng yếu phải thường xuyên tiếp xúc với độc chất như gan, thận, ruột và da.

Trong số các phương án vừa kể, nên chú trọng hàng đầu vào cách nhờ vả lá gan. Khó có thí dụ nào điển hình hơn chức năng gan mật nếu muốn dùng hình ảnh của nội tạng để diễn tả mối tương quan trong thế “môi hở răng lạnh”.

Bên cạnh nhiều hoạt động khác, gan phải tổng hợp mật rồi mật theo đường dẫn xuống túi mật trước khi vào đường tiêu hóa. Chính nhờ phản ứng tổng hợp mật mà chất béo trong gan được thoái biến, thay vì tích lũy để rồi dẫn đến tình trạng tăng chất mỡ trong máu gây xơ vữa động mạch và thiếu dưỡng khí cục bộ, nguyên nhân của nhiều bệnh chứng nghiêm trọng như cao huyết áp, tiểu đường, thấp khớp, cườm mắt…

Trong thế cân bằng xuất nhập, mật cần phải được tổng hợp nhưng không được ở lại trong gan để tránh hậu quả là mật một khi ứ đọng trong gan quá lâu lại là lý do gây tổn hại nhu mô gan. Mật sau khi thành hình phải rời gan càng sớm càng tốt. Chính vì thế mà cơ thể con người rất cần tác dụng kép vừa lợi mật vừa điều hòa nhu động đường dẫn mật một cách hài hòa nhằm: tối ưu hóa tiến trình biến dưỡng chất béo; trung hòa độc chất trong đường tiêu hóa; hỗ trợ chức năng bài tiết của đường ruột; gián tiếp hạ chất mỡ trong máu.

Ấy thế mà vẫn không thiếu người đang tự “đem mình bỏ chợ” bằng cách đầu độc ngay chính lá gan qua việc tẩm rượu, ướp bia, xông khói thuốc lá mỗi ngày!

Không dễ gì chặn đứng được tình trạng thực phẩm không an toàn cho người tiêu dùng khi vạn người phải mua, ngàn người muốn bán, và viên chức có trách nhiệm vì một lý do nào  đấy đã không nhận thấy! Nhưng không thể vì thế mà đành trăn trở với câu hỏi không có đáp án: “Biết ăn gì đây?”. Cũng không thể vì thế mà “không ăn gì hết!”. Giải pháp tương đối chính là mở rộng đầu ra để độc chất có đến thì thôi cứ đến, nhưng xin vui lòng ra về cho sớm. Đằng nào cũng trăm đường thua, nhưng có được một lối huề cũng còn hơn không! 

BS.LƯƠNG LỄ HOÀNG – Trung tâm Oxy cao áp, TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới