Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trăm đường thua thiệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trăm đường thua thiệt

Ông Huỳnh Văn Đáp bên chiếc máy xới cũ kỹ – Ảnh: Hồ Hùng

(TBKTSG) – Bài ghi nhận sau đây giới thiệu sơ nét cuộc đời của một người nông dân ở vùng ĐBSCL.

Trong căn nhà gỗ được dựng từ 17 năm trước ở ấp Định Mỹ, xã Định Hòa (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), ông Huỳnh Văn Đáp còn trữ nhiều thứ “đồ cổ”: cái tivi đen trắng, chiếc máy xới 39 năm tuổi… Ông nói vui: “Cái gì còn xài được thì giữ lại, không thì cũng giữ lại làm kỷ niệm. Như cây lúa, hàng chục năm nay gắn bó với nó tui có giàu đâu, nhưng cũng chẳng bỏ được”.

Năm mươi ba tuổi, và cũng chừng ấy năm ông sống ở miệt ruộng này. “Ông nội của tui, rồi cha tui, cũng sống ở đây”. Từ thời còn đi bập bễnh, ông đã quen với hương mạ, mùi rơm. Rồi lớn lên, sáng ra đồng, chiều lội ruộng, cái vòng luẩn quẩn của nghiệp nhà nông cứ đeo bám.

Học hết lớp 9, cưới vợ, rồi năm 1980 được chia gần 8 công đất, ông chính thức trở thành chủ một nông hộ. “Hồi đó, làm ruộng theo kiểu truyền thống cha truyền con nối. Cứ lúc nào có tiền thì mua phân bón, chứ có biết kiểu bón thúc đẻ nhánh, nuôi đòng… như bây giờ đâu. Đốm vàng, đạo ôn… thứ bệnh lúa nào cũng chẳng biết. Tới năm 1998, tôi mới lần đầu tiên được dự một lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, mới biết kỹ thuật canh tác tiên tiến là gì”, ông kể.

Phải chi sống ở thành thị!

Sống ở miệt ruộng, trăm đường thua thiệt. Như chín năm trước, đang đêm thì cha của ông trở bệnh. “Phải tức tốc lấy ghe máy chở tía (cha) tui đi bệnh viện, mà xứ này làm gì có bệnh viện ra hồn. Vậy là nửa đêm lên đường, đến tận 6 giờ sáng mới tới Cần Thơ do kẹt mùa gió chướng, ghe chạy ì ạch. Cũng may mà còn vào bệnh viện kịp”, ông nhớ lại.

Bốn đứa con ông, cố lắm cũng lo cho đi học được đến lớp 12. “Nói thiệt, tụi nó học tiếp thì tốn kém, nhưng vay nợ tui cũng ráng lo để chúng thoát kiếp làm ruộng. Chỉ có điều, tại sức học tụi nó có hạn”, ông tỉ tê. Nhưng chê con một, ông tự trách mình đến mười. Phải chi ông có tiền, có điều kiện ra sống ở thành thị thì con ông đâu đến nỗi giờ lại tiếp bước nghề nông. “Ở vùng quê này, thầy cô giỏi ai mà chịu về. Thành thử…”, ông bỏ lửng câu nói, lắc đầu. Mà ở chợ quê, sách báo cũng chẳng có, lấy đâu cho con ông mở mang kiến thức. Muốn đi học thêm mấy môn yếu, cũng chẳng ai dạy…

“Nói cho ngay, bây giờ thì đỡ rồi. Huyện lộ 30-4 mới mở đi ngang trước nhà, điện thì cũng có”, ông nói. Hồi làm đường, ông được vận động hiến khoảng nửa công đất. “Ở thành thị, “động” tới 1 mét đất của dân là phải bồi thường đâu đó sòng phẳng. Còn ở đây, thôi thì cứ hiến đất để bà con có đường mà đi”, ông nghĩ vậy. Nói thì nói vậy, chứ ông cũng biết tuyến Quốc lộ 54 đang triển khai mở rộng ngoài phía sông Hậu kia, áp giá bồi hoàn 200.000 đồng/mét vuông mà dân còn chưa chịu.

Nhưng cái mà tới giờ ông còn tức anh ách là vụ vô điện: “Tui phải đóng 1,5 triệu đồng để hùn làm [trạm] hạ thế, rồi đóng thêm khoảng 1,4 triệu đồng để kéo điện vô nhà. Ở thành phố, thứ gì Nhà nước cũng đầu tư sẵn, chỉ bỏ tiền “kéo” vào nhà, còn nông dân ở đây thì phải hùn đủ thứ. Như chú bỏ tiền mua chiếc ghe đò, chở tui đi thì tui trả tiền chẳng tức. Đằng này, lại bắt tui bỏ tiền làm hết, rồi bán điện tiếp cho tui! Chưa hết, mọi khoản đóng góp nông dân cũng đưa lưng chịu, nào là thủy lợi phí, an ninh quốc phòng, phí nguồn nước… Cũng may, gần đây nhiều loại phí đã bãi bỏ…”.

Mà nông dân như ông thì giàu có gì đâu. Cứ trúng vài vụ thì còn có lúa chất bồ, chứ bị thiên tai, dịch bệnh hoặc thất giá là kể như thua trắng. Như hồi năm 1997-98, giá lúa chỉ khoảng 27.000 đồng/giạ (20 ki lô gam). Là vụ đông xuân lúa trúng tràn đồng, nhưng chừng bán xong lúa, tính ra lời đúng 175.000 đồng/công, ông cứ rưng rưng nước mắt. “Lúc đó, nói thiệt chẳng còn ham thích gì với mảnh ruộng nữa. Nhưng rốt cuộc cũng chẳng bỏ được vì biết lấy nghề gì nuôi vợ với bốn đứa con bây giờ?”.

Nhìn quanh cánh đồng sau nhà, ông nói tiếp: “Nhà nước đầu tư cho miệt ruộng này ít quá. Tới giờ, chỉ có con lộ, ba cái kênh thủy lợi và mấy con đê… Mà kênh thủy lợi hay đê thì hàng năm tụi tui cũng phải đóng tiền sử dụng, tu bổ”.

Mua mắc nhất, bán rẻ nhất

Bao nhiêu năm làm ra hạt lúa, là cũng bấy nhiêu năm ông chỉ biết bán lúa cho thương lái. Kể ra cũng tiện, xưa nay cứ kêu một tiếng là thương lái đến tận nhà cân ngay. Nhưng hiềm một nỗi, nông dân một nắng hai sương những mong được sống nhờ hạt lúa, nhờ thương lái thu mua, nhưng thương lái thì lại sống nhờ đồng lời, nhờ doanh nghiệp. “Bởi vậy, tụi tui có bao giờ định được giá lúa đâu. Họ nói sao thì bán vậy. Có lúc biết mấy doanh nghiệp lớn ở Sa Đéc… mua cao hơn 400-500 đồng/ki lô gam, thậm chí biết cả ngày hôm đó họ vừa tăng giá thu mua, nhưng thương lái vẫn mua giá cũ. Không bán cho họ thì biết bán cho ai, trong khi nợ ngân hàng, nợ phân thuốc cứ réo?”, ông tức bụng.

Ba năm trước, ông thả nuôi 50.000 con cá rô. Chừng thu hoạch, thương lái vào mua đánh rớt xuống loại 3, mất hơn 10.000 đồng/ki lô gam. “Họ tự lựa, cứ chọn mấy con nhỏ để cân mà phân loại. Tức mình, tui giành lựa lại, cù cưa cù nhằng mãi nhưng cuối cùng cũng thua họ”, ông kể. Ròng rã gần năm tháng trời, lãi từ mấy ao cá rô chỉ hơn 2 triệu đồng, ông nản chí…

Trong khi đó, nông dân luôn là người phải mua mọi thứ với giá cao nhất. “Một gói thuốc tui mua ở đây mắc hơn 200 đồng so với ngoài chợ. Mình ở trong sâu mà, người ta vận chuyển vô tới thì phải chịu thôi”, ông nói. Như hồi mấy năm trước đi mua mấy bao xi măng, giá chỉ 50.000 đồng/bao, nhưng với ông thì người bán tính là 51.000 đồng vì cộng thêm tiền vận chuyển… Đi mua phân, thuốc trừ sâu cũng đâu trả giá được, nói sao chịu vậy!

Mới mấy bữa trước, ông Lộc cùng ấp mua phân bón ruộng, bỏ tới 15 ki lô gam phân lạnh, 9 ki lô gam phân DAP (thông thường chỉ bón 6 ki lô gam) mỗi công mà lúa cũng không phát triển. Ông qua coi thử, nghi là mua nhầm phân giả! “Nghi vậy thôi, chứ phân vụt xuống ruộng hết rồi lấy gì mà kiểm tra. Mà có còn, nông dân như tui cũng chẳng biết đâu là phân thiệt, đâu là phân giả”, rồi ông kể thêm, chuyện nông dân xứ này mua nhằm dầu gội giả, mì gói hết hạn sử dụng… cũng là chuyện không hiếm. “Nông dân tụi tui thiếu hiểu biết, nên cứ bán gì mua nấy. Đành chịu thôi”, ông trách thân.

Mấy chục năm “đeo bám” cây lúa, cây lúa tươi tốt ngoài đồng còn thân hình ông ngày cứ gầy đét. Căn nhà gỗ, lá, lót gạch tàu của ông đã đầy rêu xanh, mối mọt, oằn mình trước những cơn gió ban trưa.

HỒ HÙNG

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới