Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trần Tố Nga – cuộc chiến pháp lý cho quá khứ và tương lai – Bài 2: Vụ kiện vì mọi nạn nhân của chất màu da cam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trần Tố Nga – cuộc chiến pháp lý cho quá khứ và tương lai – Bài 2: Vụ kiện vì mọi nạn nhân của chất màu da cam

TS. Nguyễn Thụy Phương – TS. Lê Thiên Hương (*)

(KTSG) – Ngay sau khi chiến tranh Việt Nam bắt đầu, Chính phủ Mỹ đã tính đến việc sử dụng chất diệt cỏ để hủy hoại lớp cỏ cây rừng dày đặc ở miền Nam Việt Nam, vốn che chở những người lính miền Bắc trong hành trình tiến vào miền Nam.

Trần Tố Nga – cuộc chiến pháp lý cho quá khứ và tương lai – Bài 1: Chờ đợi một phiên tòa lịch sử

Cuối năm 1961, Tổng thống Mỹ Kennedy đã cho phép tung ra một chương trình rải chất diệt cỏ ở miền Nam Việt Nam, mang tên “Operation Trail Dust”. Lực lượng không quân Mỹ bắt đầu thực hiện chương trình này từ tháng 1-1962.

Việc rải chất diệt cỏ “Agent Orange” – một loại chất diệt cỏ mà chúng ta quen gọi là chất màu da cam – cái tên đến từ màu của thùng đựng thuốc – đã mang lại nhiều lợi thế to lớn cho quân đội Mỹ, điều này đã được khẳng định trong phán quyết của tòa án Mỹ ngày 22-2-2008 đối với vụ kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (Vietnam Association for Victims of Agent Orange – VAVA).

Trần Tố Nga - cuộc chiến pháp lý cho quá khứ và tương lai - Bài 2: Vụ kiện vì mọi nạn nhân của chất màu da cam
Bà Trần Tố Nga trong một lần thăm nạn nhân chất da cam ở TPHCM.

Đối với các nạn nhân Việt Nam của chất màu da cam, việc khởi kiện Chính phủ Mỹ là không thể thực hiện được về mặt pháp lý, vì hiện giờ không có tòa án nào có đủ thẩm quyền để xét xử. Là nạn nhân của chất màu da cam, bà Trần Tố Nga còn mang quốc tịch Pháp, chính vì thế bà có thể đệ đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất diệt cỏ này tại một tòa án Pháp, đối với một hành vi gây thiệt hại cho bà xảy ra tại Việt Nam.

Đơn kiện của bà dựa trên cơ sở điều 1382 của Bộ luật Dân sự Pháp, mà theo điều khoản này “Bất cứ hành vi nào của một người mà gây thiệt hại cho người khác, thì người gây thiệt hại do lỗi của mình phải bồi thường thiệt hại”. Điều đó được cho có nghĩa là các công ty hóa chất Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù, nếu như các bằng chứng đưa ra cho phép tòa kết luận rằng những công ty này đã phạm lỗi và gây ra thiệt hại cho bà Nga. Có thể nói, đây là một vụ kiện hy hữu trong lịch sử tố tụng thế giới.

Theo lời Marie Toussaint, luật gia và nhà đấu tranh sinh quyền, vụ kiện này cũng là một trong những vụ kiện đưa các nghiên cứu khoa học và y học về tác động của hóa chất đến môi trường và nhân sinh lên các thế hệ vào làm bằng chứng pháp lý. Và chỉ xét riêng về lĩnh vực luật học, chắc chắn biên bản các phiên tranh tụng của vụ kiện này đang và sẽ đi vào giáo trình dạy luật học cho các thế hệ luật sư tương lai trên toàn thế giới, theo lời luật sư William Bourdon.

Đơn kiện của bà Nga, ngoài đưa ra bằng chứng về việc bà là nạn nhân trực tiếp của chất dioxin hiện diện trong chất màu da cam, thì tập trung vào các điểm chính sau: Thứ nhất, bằng chứng cho thấy các công ty này hoàn toàn biết được sự nguy hiểm độc hại của chất màu da cam mà họ sản xuất để sử dụng ở Việt Nam. Thứ hai, các công ty này không hề thông báo về mức độ độc hại này cho quân đội Mỹ, Chính phủ Mỹ hay cho người dân Mỹ. Thứ ba, cho dù đã biết sự nguy hiểm độc hại của chất màu da cam, các công ty này vẫn tiếp tục cung cấp chất màu da cam có chứa dioxin này cho quân đội Mỹ, trong khi biết rõ là chất diệt cỏ này được dùng để rải xuống Việt Nam.

Đặc biệt, có bằng chứng quan trọng nhất cho thấy Công ty DOW đã có giấy phép sử dụng một quy trình sản xuất chất diệt cỏ của Đức cho phép tránh sản sinh ra dioxin, nhưng công ty này chỉ sử dụng quy trình này để sản xuất chất diệt cỏ sử dụng ở Mỹ, chứ không dùng nó để sản xuất chất diệt cỏ cung cấp cho quân đội Mỹ để sử dụng ở Việt Nam.

Một bằng chứng khác cho thấy Công ty HERCULES cấm sản xuất và bán chất màu da cam cho thị trường nội địa. Điều này có nghĩa là các công ty hóa chất Mỹ phân biệt rất rõ chất diệt cỏ sử dụng ở Việt Nam và chất diệt cỏ sử dụng cho thị trường Mỹ.

Cuối cùng, đơn kiện của bà cũng nhấn mạnh vào “nguyên tắc thận trọng” được công nhận trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế cũng như quốc gia. Theo nguyên tắc này, ngay cả khi không có bằng chứng khoa học, các công ty này vẫn có nghĩa vụ ngăn chặn những thiệt hại có thể xảy ra, cũng như hạn chế hậu quả của thiệt hại, và khắc phục thiệt hại gây ra.

Đơn kiện của bà Nga cũng nhấn mạnh rằng, nhiều bằng chứng cho thấy các công ty hóa chất nói trên được quyền tự quyết định phương thức và điều kiện sản xuất dioxin, chứ không hề bị bắt buộc tuân thủ theo yêu cầu của quân đội Mỹ, điều mà tới nay các công ty này vẫn bác bỏ và đổ lỗi cho Chính phủ Mỹ.

Chính vì biết rằng không có lợi thế ở bằng chứng vô can, các luật sư lão luyện bảo vệ các công ty hóa chất của Mỹ áp dụng một chiến lược tập trung vào vấn đề thủ tục tố tụng, cụ thể là đề nghị tòa bác bỏ đơn của bà Nga trên cơ sở họ được miễn trừ trách nhiệm, tòa án Pháp không có thẩm quyền, hiệu lực của bản án trước đó liên quan tới nạn nhân chất màu da cam, hiệp ước hòa bình ký giữa Mỹ và Việt Nam…

Đây là một chiến lược có thể nói là rất khôn khéo, vì một khi tòa án Pháp không đủ thẩm quyền để xét xử vụ kiện này, thì các bằng chứng đưa ra về lỗi của các công ty hóa chất Mỹ gây thiệt hại cho bà Nga, dù có nặng ký đến mức nào, cũng không đem lại kết quả khả quan nào. Rõ ràng là vấn đề thủ tục tố tụng này có thể dẫn tới tình trạng công lý không được thực thi. Đây chính là trở ngại to lớn nhất trong cuộc chiến pháp lý của bà Trần Tố Nga.

Cuộc chiến này của bà, xin được nhắc lại, không chỉ có mục đích mang lại công lý cho bản thân bà, mà còn cho toàn bộ các nạn nhân chất màu da cam Việt Nam. Hiện nay, những người Việt Nam nhiễm chất màu da cam đang phải chịu một sự “phân biệt đối xử” bất hợp lý.

Đối với các cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam, năm 1981, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật “Veterans’ Health Care, Training, and Small Business Loan Act” cho phép họ được chính phủ thanh toán các chi phí chăm sóc sức khỏe.

Năm 1984, các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất màu da cam đã thương thuyết và chấp nhận đền bù cho các cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam.

Đặc biệt hơn, năm 1991 luật “Agent Orange Act” đã được Mỹ thông qua. Theo luật này, những cựu chiến binh nhiễm chất màu da cam nếu đang phải chịu một trong số những căn bệnh gây ra bởi dioxin sẽ được chính phủ đền bù.

Nhiều vụ kiện cũng đã diễn ra từ năm 1987-2013, mang đến công lý cho các cựu chiến binh đồng minh người Hàn Quốc hay Úc.

Tuy nhiên, đối với hàng triệu nạn nhân người Việt Nam, không có bất cứ thừa nhận chính thức cũng như đền bù nào. Trong nhiều năm trời, một số đàm phán ngoại giao đã diễn ra giữa nạn nhân Việt Nam và chính quyền Mỹ nhằm tìm ra thỏa thuận chung về đền bù và thanh toán chi phí chăm sóc sức khỏe cũng như cải tạo môi trường ô nhiễm bởi chất màu da cam, nhưng hiện nay kết quả còn rất khiêm tốn.

Năm 2004, một số nạn nhân người Việt Nam đại diện bởi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã kiện 37 công ty hóa chất Mỹ tại Tòa án New York, Mỹ, trên cơ sở luật Alien Tort Statute. Luật này cho phép tòa án Mỹ thụ lý đơn kiện đòi bồi thường của một cá nhân nước ngoài bị thiệt hại bởi một hành vi vi phạm luật quốc tế và hiệp ước quốc tế mà Mỹ đã ký kết, cụ thể là nguyên tắc cấm sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh. Đơn kiện này đã bị tòa án Mỹ bác bỏ, vì bên đệ đơn không chứng minh được là chất màu da cam đã được sử dụng đối với dân thường.

Rõ ràng là cuộc đấu tranh của bà Trần Tố Nga đã vượt ra khỏi khuôn khổ đòi công lý giữa một nạn nhân với các tập đoàn liên quốc gia hùng mạnh, nó trở thành cuộc đấu tranh đầy biểu tượng vì tương lai, vì nhân loại. Có thể nói, vụ kiện này đã là một trong những vụ kiện đầu tiên trong lịch sử luật pháp thế giới liên quan tới hành vi diệt chủng môi trường (écocide).

Ngày 10-5-2021 Tòa đại hình Evry (Pháp) đã tuyên bố không đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga đối với các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất màu da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh. Quyết định này của tòa án sẽ được phân tích trong kỳ cuối, đăng tải trên số báo tới.

(*) Hai tác giả được tham khảo trực tiếp, đầy đủ hồ sơ của vụ kiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới