Trang bị kiến thức về luật pháp
Nguyễn Văn An, Hà Nội
(TBKTSG Online) – Việc cấp dưới chấp hành mệnh lệnh cấp trên vừa là quy tắc ứng xử chuẩn mực trong công việc, vừa tuân theo các quy định của pháp luật về nghĩa vụ của người lao động nói chung.
Tuy nhiên, trong trường hợp những mệnh lệnh, chỉ đạo không đúng với quy định luật pháp hoặc trái với nguyên tắc nghề nghiệp thì nhân viên cấp dưới sẽ phải vận dụng đến kiến thức pháp luật của mình để đưa ra quyết định đúng đắn cho bản thân.
Điều 11 Luật Viên chức quy định viên chức có quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật. Khoản 5 điều 9 Luật Cán bộ, Công chức cũng quy định khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì người thi hành phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Tương tự, theo điều 55 Luật Kế toán thì kế toán trưởng có quyền và trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị. Trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.