Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tranh cãi ở Diễn đàn kinh tế mùa thu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tranh cãi ở Diễn đàn kinh tế mùa thu

Tư Hoàng

Tranh cãi ở Diễn đàn kinh tế mùa thu
Ông Trần Đình Thiên. Ảnh TH.

(TBKTSG Online) – Các nhà kinh tế, lý luận và đại biểu Quốc hội đã tranh luận nảy lửa về những chính sách thắt chặt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô tại Diến đàn kinh tế mùa thu tổ chức ngày 26-9 tại Huế.

>>> Chuyên gia: Kinh tế Việt Nam vẫn đang "nghẽn mạch"

Ông Lê Quốc Lý, Học Viện chính trị hành chính quốc gia, đổ lỗi tình trạng kinh tế dưới đáy triền miên trong 6 năm qua là do các chính sách bị thắt chặt quá mức đột ngột.

“Chính sách tiền tệ thắt chặt quá mức như thế làm doanh nghiệp chết, kinh tế suy kiệt là đương nhiên. Như thế làm gì có năng lượng mà tăng trưởng", ông nói.

Nhìn lên đoàn chủ tịch, ông Lý nói: "thời anh Giàu (ý nói ông Nguyễn Văn Giàu, từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) làm thống đốc, tổng phương tiện thanh toán tăng 43% thì đương nhiên dẫn đến lạm phát. Mức tăng này chỉ còn 6% là quá chặt”, ông nói, và cho rằng con số này lẽ ra nên tăng khoảng 15%.

Bên cạnh đó, chính sách của Ngân hàng Nhà nước về vàng đang mắc sai lầm nghiêm trọng.

“Chúng ta mang ngoại tệ ra mua vàng về để cất vào tủ. Chúng ta đấu thầu vàng có lãi, nhưng là móc túi người dân để cho vào túi”, ông nói, và giải thích lẽ ra nguồn lực này được đưa vào sản xuất thì sẽ tạo ra tăng trưởng.

Ông Lý cho rằng, cắt giảm đầu tư công cũng làm cho kinh tế thêm kiệt quệ. Theo ông Lý, vẫn phải cần tăng đầu tư cho những lĩnh vực mà doanh nghiệp không làm.

“Chúng ta lại cắt hết đầu tư công đi. Đến 77,3% ngân sách nhà nước chỉ để tiêu dùng thì kinh tế lạm phát và sa sút là đương nhiên”.

Ông cho rằng ngân sách nhà nước cắt giảm cho đầu tư phát triển, và ngân hàng nhà nước thắt chặt tiền tệ thì làm kinh tế “chết” là chắc chắn.

Vì lẽ đó, ông đề nghị cần có chính sách tiền tệ nới lỏng, và tăng chi tiêu đầu tư công.

“Chúng ta kiên định ổn định kinh  tế vĩ mô nhưng không phải bằng các liệu pháp sốc. Kiên định nhưng phải có bước đi, rồi tiến hành cải cách thể chế dần dần để doanh nghiệp và nền kinh tế không chết”, ông nói.

Ông Lý nêu ra quan điểm trên sau khi Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành cho rằng cần phải kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, dù có đau đớn.

Tuy nhiên, quan điểm của ông Lý đã bị đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch phản bác.

Ông Lịch nhắc lại mấy lần: “Quan điểm của anh Lý là cực kỳ nguy hiểm. Tăng tín dụng là làm tăng nợ xấu, tăng chi tiêu công là lại gây bất ổn”.

Ông Lịch giải thích, Nghị quyết 11 được đưa ra trong bối cảnh lạm phát phi mã. “Nếu không có (NQ11) thì nền kinh tế sụp đổ”.

Tuy nhiên, ông thừa nhận là các lĩnh vực kinh tế tắc nghẽn, doanh nghiệp giải thể, tổng cầu suy giảm là cái giá phải trả để ổn định lại kinh tế vĩ mô.

“Giờ mà làm ngược lại, tăng tổng cầu như tăng cung tiền, tăng chi tiêu nhà nước, chi tiêu nhân dân, xuất nhập khẩu,… thì xóa bỏ toàn bộ những ổn định chúng ta đạt được”.

Chủ tọa phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trích báo cáo của Chính phủ gửi ủy ban rằng, chỉ có 3 chỉ tiêu không đạt là GDP (dự kiến 5,4% so với mục tiêu 5,5%), tổng đầu tư toàn xã hội (29,5% GDP so mục tiêu 30% GDP), và tạo việc làm (1,4 triệu so với chỉ tiêu 1,6 triệu), với hàm ý là bức tranh kinh tế nói chung không đến nỗi quá xám.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm góp ý dưới góc độ của cử tri và doanh nghiệp: “Các doanh nghiệp đang thiếu động lực và thiếu niềm tin là hai yếu tố quyết định mọi thứ".

Ông cho rằng, các hội thảo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, và báo chí đang chồng lên nhau, đưa ra nhiều ý kiến nhưng rồi không ai thực hiện.

Ông kiến nghị Ủy ban Kinh tế phải làm rõ tình trạng kinh tế Việt Nam hiện nay là do tác động bên ngoài hay do điều hành bên trong để người dân và doanh nghiệp biết.

Trong khi đó, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đề xuất tái cơ cấu đầu tư công cần tập trung sửa Luật Ngân sách, ưu tiên áp dụng Luật Ngân sách hàng năm.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cần tập trung tái cơ cấu chỉ 2- 3 tập đoàn kinh tế nhà nước trong vòng  6 tháng, sau đó mở rộng 2 năm. Về tái cơ cấu ngân hàng, cần tập trung giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo trong 2 năm.

Về trung hạn cần rà soát, thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài và ưu tiên tạo một số đột phá chiến lược như mở cho các vùng kinh tế trọng điểm, các đặc khu kinh tế quốc gia

Về giải pháp chiến lược, ông Thiên cho rằng, Hiến pháp đang sửa đổi nên có quan điểm bình đẳng các thành phần kinh tế, không có thành phần kinh tế chủ đạo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới