Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tranh cãi về chi phí logistics

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tranh cãi về chi phí logistics

Tâm An

(TBKTSG Online) – Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA) cho rằng các cơ quan truyền thông đã thông tin gây hiểu lầm về chi phí logistics khi lấy số liệu từ năm 2010 với con số tương đương 20% GPD. Trong khi đó, doanh nghiệp thì cho rằng, họ không quan tâm nhiều đến con số thống kê mà chỉ cần có chính sách cơ chế để hỗ trợ ngành phát triển.

Tranh cãi về chi phí logistics
Chi phí logistics tại Việt Nam chính xác là bao nhiêu vẫn đang được nghiên cứu để tìm ra. Trong ảnh: đại diện các doanh nghiệp đang trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Minh Tâm

Con số về chi phí logistics tương đương bao nhiêu phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã trở thành chủ đề gây chú ý tại hội thảo “Phát triển ngành dịch vụ logistics tại TPHCM” diễn ra ngày 20-3.

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký của VLA cho rằng, lâu nay, con số về chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GPD mà cơ quan truyền thông trong nước đưa là số liệu do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra. Vấn đề là, số liệu này có từ năm 2010.

Chi phí logistics Việt Nam cao ở những mắt xích nào?

Theo VLA, nói chi phí logistics Việt Nam cao nhưng phải nói rõ cao ở những mắt xích nào trong chuỗi hậu cần, từ vận tải, phụ phí cảng cho đến kiểm tra chuyên ngành.

VLA đưa ra những con số cụ thể của từng mắt xích.

Chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ hiện nay quá cao (nhiên liệu chiếm 30-35%; phí BOT 15-30%; phí “trà nước” 5%). Cước vận chuyển đường bộ từ Hải Phòng về Hà Nội cao hơn cước đường biển đi Nhật Bản hoặc Hồng Kông…

Thời gian thông quan hàng hóa hiện cũng kéo dài mà nguyên nhân chính là công tác kiểm tra chuyên ngành. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với 14.300 tỉ đồng để kiểm tra chuyên ngành; 100.000 mặt hàng phải kiểm tra.

Cũng theo ông Minh, số liệu này cùng với các thông tin khác như các doanh nghiệp logistics nước ngoài đang chiếm 80% thị phần; chi phí của ngành vận tải cao… đang khiến cho các chủ hàng Việt Nam lo lắng.

Trong khi đó, theo đo đếm của VLA thì chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 ở mức từ 14,5% đến 19,2% GDP. Con số trung bình là 16,8%. Cơ sở để có con số này là tạm lấy theo khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển.

Nếu so với khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì chi phí logistics của Việt Nam không quá cao. Singapore là 8,5%; Indonesia 24%; Malaysia 13%; Thái Lan 15%… Trung bình của khu vực là 12,7%.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA thì cho rằng, bản thân tổ chức này đang nghiên cứu và tiến tới sẽ có Sách Trắng về ngành logistics Việt Nam với những con số cụ thể, như một hình thức công bố thông tin chính thức.

Ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TPHCM cho biết, con số mà TPHCM tính toán được về chi phí logistics lại chưa bao giờ quá 19% tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của thành phố.

Cũng theo ông Sơn, khi làm báo cáo trình các cấp có thẩm quyền của TPHCM, gần đây nhất là đề án “Phát triển ngành logistics TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, con số được nhắc đến không phải là 16% hay 17% mà là sự đóng góp của ngành logistics vào GRDP. Theo tính toán của Sở Công Thương TPHCM, mức đóng góp của ngành logistics với GRDP năm 2016 là 8,5%; năm 2017 là 8,6%. Đây là những con số tăng mạnh so với mức 5,4% của năm 2011.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Tấn Bá, Trưởng phòng Dịch vụ Logistics, Công ty cổ phần Vận tải biển TPHCM (SSC), cho biết ông không quan tâm đến con số thống kê. Theo ông, quan trọng nhất vẫn là cơ chế chính sách để phát triển ngành dịch vụ logistics. Thực tế hiện nay, chi phí vận tải không cao nhưng bị đẩy lên vì phải gánh hết các chi phí không hóa đơn như “chi” hoa hồng, “chi” hải quan.

“Cách đây 15 năm, khi chúng tôi làm hàng ở cảng, một xe container quay vòng được hai lần/ngày. Một ngày tính là 24 giờ. Hiện nay thì giỏi lắm chỉ được một chuyến, cùng lắm chỉ hơn một chút. Ngành vận tải phải gánh hết”, ông Bá phát biểu.

Cũng theo ông Bá, các doanh nghiệp thuần Việt Nam ở lĩnh vực logistics hiện nay, trừ vài công ty lớn, còn lại đều phải “làm F2”, nghĩa là nhận thầu lại từ các công ty nước ngoài có mối quan hệ, có vốn.

Đại diện một doanh nghiệp khác thì nêu vấn đề, các doanh nghiệp logistics của Việt Nam đang cạnh tranh với nhau như… để chết. Điều này thể hiện ở việc bỏ thầu giá thấp, thấp hơn cả chi phí. Nhiều doanh nghiệp thắng thầu nhưng làm là lỗ.

Do vậy, theo ông, cần có cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp, đưa ra chi phí phù hợp, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như hiện nay để rồi doanh nghiệp Việt Nam tự hại nhau, còm cõi đi và thua thiệt ngay trên sân nhà.

Quy hoạch hai trung tâm logistics của TPHCM

Nằm trong đề án “Phát triển ngành logistics TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, TPHCM đang định hướng quy hoạch hai trung tâm logistics theo Quyết định 1012 của Thủ tướng Chính phủ.

Chức năng của trung tâm logistics là hỗ trợ lưu thông hàng hóa từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu dùng, xuất khẩu nhằm kết nối với hệ thống cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, ga đường sắt…

Theo ông Hà Ngọc Sơn, TPHCM đã có định hướng vị trí của hai trung tâm này. Chắc chắn sẽ có một trung tâm ở Hiệp Phước vì ở đây vẫn còn “đất sạch”, tức đất chưa xây dựng, không phải giải tỏa. Trung tâm thứ hai, cân nhắc đặt ở khu vực Thủ Đức, nơi đã có những kho hàng tồn tại nhiều năm qua hoặc khu vực Tây Bắc Củ Chi để hàng vận chuyển đi Tây Ninh, Bình Dương… Bên cạnh đó còn trung tâm chuyên dụng hàng không nằm trên đường kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành.

Có được các trung tâm logistics, theo ông Sơn, sẽ giải xong được bài toán về việc tồn tại hay không tồn tại của các cảng cạn ICD, không còn phải tranh cãi chuyện di dời.


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới