Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tranh cãi về việc bảo vệ người lao động trong nền kinh tế GIG

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tranh cãi về việc bảo vệ người lao động trong nền kinh tế GIG

PGS.TS. Trần Việt Dũng(*) – ThS. Lê Song Tùng(**)

(TBKTSG) – Nền kinh tế GIG đã nhận được sự quan tâm lớn của xã hội trong những năm gần đây. Nó đem lại cơ hội việc làm và gia tăng thu nhập cho người lao động tự do. Nhưng bên cạnh đó, mô hình kinh doanh này cũng tạo ra những thách thức mới đối với nhà nước trong việc tạo ra khung pháp lý phù hợp để giúp bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

Tranh cãi về việc bảo vệ người lao động trong nền kinh tế GIG
Người lao động còn phải chịu nhiều sự bất công nếu mô hình kinh tế GIG như hiện nay không có sự can thiệp của nhà nước.Ảnh; THÀNH HOA

Nền kinh tế GIG trong thời đại 4.0

GIG (GIG Economy) là nền kinh tế dựa trên nền tảng cung ứng dịch vụ của các lao động tự do, những người làm việc trong những vị trí tạm thời và linh hoạt, không chịu sự kiểm soát khắt khe của người thuê lao động; chấp nhận không hưởng lương thường xuyên và các chế độ phúc lợi từ người thuê lao động.

Đối với doanh nghiệp, mô hình kinh tế GIG giúp tiết kiệm chi phí kinh doanh và hạn chế các trách nhiệm của người tuyển dụng theo quy định của pháp luật về lao động (vì không phải ký hợp đồng lao động như với nhân viên toàn thời gian).

Với sự phát triển của Internet, đặc biệt là các mô hình kinh doanh nền tảng chia sẻ của công nghệ kỹ thuật số, nền kinh tế GIG đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Nhờ vào các ứng dụng trên điện thoại di động, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng chia sẻ như Uber, Airbnb, Lyft, TaskRabbi, Kitchensurfing đã nhanh chóng trở thành các kỳ lân công nghệ làm khuynh đảo các ngành công nghiệp dịch vụ liên quan ở Mỹ và châu Âu. Tại Đông Nam Á và Việt Nam, có thể kể tới các công ty công nghệ như Grab, Gojek, Be, Luxstay…

Khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế GIG tại Việt Nam một cách mạnh mẽ. Giãn cách xã hội và khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất đã làm gia tăng đáng kể số lượng các lao động tự do tham gia vào hệ thống cung ứng dịch vụ vận tải (taxi, xe ôm, vận chuyển hàng, giao đồ ăn…) của Grab, Gojek, Lalamove, Ahamove, Bee…

Ở khía cạnh kinh tế – xã hội, việc các doanh nghiệp công nghệ tạo công ăn việc làm mới cho người lao động là một điểm sáng không thể phủ nhận. Mô hình kinh tế GIG cũng giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận các dịch vụ đa dạng hơn, với giá rẻ hơn, và tất nhiên tạo ra tiền đề cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển. Nhưng, nhìn từ góc độ chính sách lao động, mô hình kinh tế GIG đang làm suy yếu nền kinh tế truyền thống của những người lao động toàn thời gian – những người có công việc ổn định và được pháp luật về lao động bảo vệ đầy đủ.

Tranh cãi về quan hệ giữa doanh nghiệp cung ứng nền tảng và người lao động

Trong những năm qua, khi nền kinh tế GIG đang “ăn” dần vào “kinh tế truyền thống” – tức là khi các lao động tự do dần trở thành lao động “toàn thời gian”, người ta bắt đầu tranh cãi về thực chất của mối quan hệ giữa doanh nghiệp công nghệ và người lao động: là quan hệ giữa người tuyển dụng lao động với nhân viên hay chỉ đơn thuần là quan hệ giữa những chủ thể kinh doanh độc lập?

Các doanh nghiệp công nghệ trong nền kinh tế GIG không coi người lao động là nhân viên của mình. Điều này được lý giải bởi nếu xem tài xế là người lao động, doanh nghiệp sẽ phải trả lương cơ bản, tiền làm ngoài giờ, nghỉ bệnh và bảo hiểm, những nghĩa vụ mà doanh nghiệp không buộc phải gánh nếu người lao động là nhà thầu cung ứng dịch vụ độc lập.

Nhưng có một thực tế là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thường kiểm soát người lao động chặt chẽ về cách thức cung ứng dịch vụ và đặc biệt là thu nhập của họ (thông qua việc chủ động quyết định giá với khách hàng). Họ có thể đơn phương vô hiệu hóa tài khoản, khiến người lao động phải rời khỏi thị trường mà hầu như không có quyền truy đòi các khoản thu mà doanh nghiệp cung cấp nền tảng chia sẻ thực tế đã lấy từ khách hàng.

Mặt khác, người lao động tham gia vào nền tảng chia sẻ cũng phải cân bằng các nhu cầu cạnh tranh về tính cởi mở với các mối quan tâm cơ bản về an toàn. Họ dễ bị tổn thương trên ít nhất ba mặt: rủi ro vật lý, rủi ro pháp lý và rủi ro nền tảng. Những người lao động trong nền kinh tế GIG có thể gặp nguy hiểm về thể chất, bị tấn công hoặc bị quấy rối tình dục mà hoàn toàn không được bảo vệ.

Mặc dù còn tranh cãi, nhưng ngày càng có nhiều quốc gia nhìn nhận quan hệ giữa doanh nghiệp cung ứng nền tảng chia sẻ và người lao động là quan hệ lao động. Năm 2016, Tòa án Anh đã ra phán quyết khẳng định người lái xe trong hệ thống của Uber có đầy đủ quyền lợi của “người lao động” thay vì chỉ là “người có hợp đồng độc lập”, đồng nghĩa là họ sẽ được nghỉ phép có lương và nhận lương tối thiểu.

Đây là một thắng lợi mang tính bước ngoặt cho khoảng 40.000 tài xế ở Anh và xứ Wales. Tại Mỹ, tòa án cũng đã thụ lý vụ đơn kiện của Tổng trưởng lý bang California về hành vi của Uber và Lyft khi từ chối công nhận các tài xế tham gia cung ứng dịch vụ taxi của hai hãng này là nhân viên của họ và khẳng định doanh nghiệp này đã vi phạm pháp luật lao động vì không đảm bảo các quyền cơ bản cho người lao động.

Tại Việt Nam, vụ kiện giữa Vinasun và Grab cũng đã lộ ra nhiều vấn đề bất cập trong việc sử dụng lao động công nghệ và lao động truyền thống, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. Việc đại diện Grab tại Việt Nam tuyên bố đã tạo công ăn việc làm cho 175.000 lao động là lái xe GrabCar, GrabBike đã gây ra nhiều tranh cãi khi có một số nghiên cứu cho thấy những lao động này phải làm việc nhiều giờ chỉ để trả các khoản vay mua ô tô chạy Grab.

Họ bị kẹt khi “lỡ” cầm cố nhà để mua ô tô nhưng thu nhập kiếm được lại không như kỳ vọng vì Grab cắt giảm mức chiết khấu, thưởng cho tài xế Grab, đồng thời họ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn khi số lượng người lao động tham gia cung cấp dịch vụ taxi công nghệ ngày một gia tăng (của cả Grab và các hãng khác). Tình trạng này không phải chỉ là của tài xế Grab, mà còn của tài xế taxi công nghệ của Goviet (nay là Gojek), Be…

Vấn đề quyền của người lao động tại các công ty tham gia nền kinh tế GIG có tính lan tỏa với nhiều rủi ro mang tính hệ thống và lâu dài cho xã hội. Người lao động bị tước mất các quyền cơ bản không chỉ là chuyện của cá nhân họ, mà sẽ ảnh hưởng tới cả mạng lưới phúc lợi xã hội. Một số nhà nghiên cứu coi nền kinh tế GIG trên nền tảng chia sẻ như “một xã hội nông nô tân phong kiến” khi trong nhiều nghề nghiệp, không hề tồn tại luật lao động, lương tối thiểu, phúc lợi, bảo hiểm thất nghiệp…

Những người đi làm buộc phải làm việc 12-14 tiếng mỗi ngày, vì nếu ngừng họ sẽ không còn gì (không được tham gia vào các chương trình bảo hiểm xã hội vốn áp dụng cho các lao động thông thường). Họ cũng không được nghỉ thai sản, nghỉ ốm, nghỉ phép được trả lương… Những ai tham gia nền kinh tế GIG, nếu bị sa thải bất công cũng không được bảo vệ, không có quyền lợi về nhận bồi thường thôi việc, không có lương tối thiểu theo tiêu chuẩn quốc gia.

Cuộc cạnh tranh giữa các nền tảng chia sẻ buộc doanh nghiệp phải giảm giá và tăng khối lượng giao dịch để mở rộng tầm ảnh hưởng trên thị trường, gánh nặng về năng suất sẽ đổ lên vai người lao động. Họ phải chấp nhận giảm giá, tăng giờ làm, chấp nhận những điều kiện làm việc thiếu an toàn với kỳ vọng sẽ có thêm thu nhập. Đó là một sự bất công vô hình mà người lao động phải gánh chịu nếu mô hình kinh tế GIG như hiện nay không có sự can thiệp của nhà nước.

Sẽ rất khó buộc các doanh nghiệp cung cấp nền tảng tự thay đổi chính sách của mình. Sự thay đổi sẽ chỉ xảy ra khi nhà nước có những chính sách và quy định rõ ràng về lao động trong nền kinh tế GIG. Nhà nước cần quan tâm nghiên cứu và xây dựng các quy định pháp luật để người lao động trong nền kinh tế GIG được bảo vệ tốt hơn và các doanh nghiệp cung cấp nền tảng chia sẻ phải có trách nhiệm xã hội nhiều hơn. 

(*) Cố vấn cao cấp của Victory LLC

(**) Phó tổng giám đốc Vifolac

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới