Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trao 10 giải cho cuộc thi bình chọn ‘Ý tưởng quy hoạch chung TPHCM’

Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – 10 ý tưởng đoạt giải trong cuộc thi về ý tưởng quy hoạch cho TPHCM sẽ được chính quyền thành phố xem xét đưa vào nội dung điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060.

TPHCM cần quy hoạch để phát triển không gian ngầm

Ngày 5-10, Sở Quy hoạch – Kiến trúc tổ chức trao giải cho cuộc thi bình chọn “Ý tưởng quy hoạch chung TPHCM”. Đây là cuộc thi được khởi động vào cuối tháng 9-2021 để người dân thành phố tham gia đóng góp ý kiến vào công tác lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060.

Qua đánh giá, Hội đồng bình chọn xếp hạng trao giải gồm 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích (không có giải nhất).

cao ốc TPHCM. Ảnh: Minh Hoàng
Trung tâm TPHCM nhìn từ bờ sông. Ảnh: MH

Phát biểu tại buổi trao giải, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng công tác quy hoạch của thành phố cần tập trung hơn đến quy hoạch không gian ngầm thay vì chủ yếu dàn hàng ngang như hiện tại.

Xây dựng đô thị thông minh, trung tâm tài chính, đô thị lấn biển, và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực theo nhu cầu hiện tại như logistics, công nghiệp phụ trợ cũng là những yếu tố mà đồ án quy hoạch chung cần chú ý đến.

“Các đơn vị đang chuẩn bị tích cực để hoàn thành đồ án quy hoạch chung TPHCM vào quí 3-2023 và trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt trong quí 4-2023”, Phó chủ tịch UBND TPHCM thông tin.

Hai ý tưởng quy hoạch TPHCM nổi trội

Chia sẻ về ý tưởng đoạt giải nhì với nội dung “TPHCM sẽ mở thêm kết nối, phát huy vai trò đô thị trung tâm để dẫn dắt và phát triển nền kinh tế vùng” của liên danh Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP), Viện Quy hoạch Xây dựng TPHCM (UPI), Công ty cổ phần enCity Việt Nam (enCity Việt Nam), ông Ngô Anh Vũ, Viện trưởng UPI, cho biết ý tưởng của nhóm tác giả hướng tới quy hoạch TPHCM trở thành thành phố mở với đô thị vùng, đô thị cảnh quan và đô thị sáng tạo.

Trong đó, đô thị vùng giúp TPHCM phát huy tiềm năng và vị thế trung tâm động lực cho vùng kinh tế lớn nhất quốc gia, tham gia vào bản đồ kinh tế thế giới và là nơi hội tụ và lan tỏa các xung lực phát triển.

Cấu trúc đô thị TPHCM theo 2 trục và 3 vành đai sản xuất với hướng mặt tiền mở ra sông. Ảnh: Liên danh VIUP – UPI -enCity Việt Nam.

Mở liên kết vùng theo 4 hướng gồm hành lang biển, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và tiểu vùng Mekong. Cấu trúc vùng theo bán kính từ 10 km, 20 km, 30 km, 50 km, 100 km và 150 km với chức năng và dân số khác nhau.

Xây dựng cấu trúc đô thị theo 2 trục Đông Tây (kết nối các vùng kinh tế và các đầu mối giao thông vùng và các trung tâm đô thị chính sẽ nằm trên trục này), trục Nam Bắc (trục kết nối quốc tế có tác động trong tương lai xa hơn tại các trung tâm đô thị vùng, cấu trúc giao thông tập trung dày đặc hơn, dạng TOD) và 3 vành đai sản xuất (sáng tạo, tập trung và phi tập trung).

Mở mặt tiền đô thị ra 3 hành lang cảnh quan sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, kênh Xáng thay vì là ranh giới tự nhiên giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, đô thị cảnh quan sẽ phát triển một thành phố phồn thịnh và giàu bản sắc, trên nền tảng bảo tồn và phát huy vùng linh địa về phong thuỷ và sinh thái cảnh quan phong phú, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

4 vùng thích ứng với ngập lụt tại TPHCM. Ảnh:Liên danh VIUP – UPI -enCity Việt Nam.

Cụ thể TPHCM có 4 vùng thích ứng đối phó với 3 rủi ro ngập lụt gồm vùng an toàn: khu vực có địa hình cao, ứng dụng các giải pháp hạ tầng xanh quy mô nhỏ, phân tán để giữ nước và làm chậm dòng chảy mặt; vùng bảo vệ: có địa hình thấp, có các hành lang bảo vệ, giữ hệ thống kênh và bổ sung hệ thống hồ điều tiết.

Vùng thích ứng: vùng không được bảo vệ cần dụng các giải pháp thích nghi và thân thiên môi trường; vùng sinh thái: khu vực bảo tồn thiên nhiên như là tấm lá chắn xanh ứng phó với các hiện tượng khí ứng hậu cực đoan.

Cuối cùng là đô thị sáng tạo, cho người dân và thị trường thông qua các quy chế sử dụng đất linh hoạt. Đồng thời, dựa vào các trọng điểm sáng tạo để phát triển đột phá; tạo dụng mạng lưới 3 cấp để trao đổi cơ hội cho mọi người.

Các ưu tiên chuyển đổi không gian định hướng dịch vụ trên các hướng chiến lược. Ảnh: SUD – VGU.

Đại diện Trường Đại học Việt Đức cho biết ý tưởng đoạt giải nhì của Nhóm nghiên cứu Phát triển đô thị bền vững (SUD) phối hợp với Trường Đại học Việt Đức (VGU) có nội dung “Tạo dựng cơ hội cho sáng tạo và bao dung” hướng đến chiến lược giúp TPHCM định hướng việc duy trì, nâng tầm năng lực cạnh tranh, và phát triển bền vững hơn trước những thách thức với 5 chiều cạnh chuyển đổi.

Chuyển đổi vùng, mở rộng và tái phân bố và các ngành kinh tế trên phạm vi không gian vùng, thúc đẩy hợp tác dựa vào tổ hợp bốn nhóm giải pháp về không gian, đi lại, thể chế, và đầu tư nhằm kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với hình thành các chuỗi/mạng lưới giá trị mới cùng các đối tác chiến lược.

Chuyển đổi đi lại, tái cấu trúc các khu vực định cư theo mô hình đi lại chủ động đa phương thức, tiếp cận dịch vụ thiết yếu và nơi làm việc trong vòng 20 phút (giảm nhu cầu đi lại, sử dụng phương tiện giảm phát thải, và tăng cường sức khoẻ) với phương châm – định hình phong cách sống và đi lại lành mạnh.

Chuyển đổi xanh, cải thiện tiếp cận không gian mở và mặt nước, tăng cường độ che phủ xanh mà không cần bổ sung đất cây xanh, đồng thời bảo vệ hạ tầng xanh, tiếp cận không gian mặt nước và giữ nước, sử dụng năng lượng tái tạo, và thích ứng với biến đổi khí hậu giúp tạo dựng nơi chốn theo giá trị cốt lõi thông qua các mô hình tăng trưởng mới.

Chuyển đổi số và công nghệ, tích hợp kinh tế và không gian số làm gia tăng hiệu quả sử dụng không gian và hạ tầng kỹ thuật hiện hữu.

Chuyển đổi quản trị, thúc đẩy hợp tác và giải phóng sức sáng tạo nhằm phát huy sức mạnh công nghệ, và các mô hình kinh doanh mới, mô hình hợp tác và huy động nguồn lực hiệu quả, mô hình cộng sinh, tuần hoàn, chia sẻ, và không bỏ lại ai phía sau.

Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đưa ra ý tưởng đề xuất giải quyết các vấn đề liên cấp độ từ vùng, toàn thành phố, cho tới các khu vực.

Bản đồ phân vùng mới TPHCM. Ảnh:SUD – VGU.

Giải pháp về cấp độ vùng, xây dựng hệ sinh thái đô thị đồng bộ theo cụm để tiếp cận dịch vụ theo cụm đô thị có dịch vụ tương đối đồng bộ và cụm đô thị lớn có cấu trúc dịch vụ đa dạng giúp giảm cự ly di chuyển liên vùng, và giảm chi phí xã hội; đồng thời tập trung cải thiện kết nối dân sinh vùng ven và kết nối hàng hóa – doanh nghiệp vùng tăng trưởng nhanh)…

Về cấp độ thành phố, nâng cao chất lượng nơi chốn dựa vào các giải pháp tăng khả năng tiếp cận đến nơi làm việc và dịch vụ thiết yếu trong phạm vi 20 phút và xây dựng cấu trúc lấy tiếp cận việc làm và dịch vụ làm trung tâm…

Một số giải pháp theo khu vực và chủ đề như tổ chức tách trục vận tải nặng đi xa bằng các tuyến đường trên cao, đường song hành nhằm cải thiện năng lực logistics trước mắt, đồng thời cải thiện tiếp cận đồng bộ ngoài vành đai 2.

Cho phép thực hiện công cụ góp đất và tái phân thửa tại vùng ven, huyện ngoại thành để cải thiện nguồn cung nhà ở giá rẻ…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới