Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trao đổi thêm về bài báo “TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long liệu có bị xoá sổ 30 năm tới?”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trao đổi thêm về bài báo “TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long liệu có bị xoá sổ 30 năm tới?”

Nguyễn Đức Hiệp

(TBKTSG Online) – Trên Thời báo Kinh tế Online ngày 1-11-2019, tác giả Tô Văn Trường có bài viết “TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long liệu có bị xoá sổ 30 năm tới?”, trong đó tác gia phê bình bản tường trình của tổ chức Climate Central và bài báo cáo khoa học “Mekong delta much lower than previously assumed in sea-level rise impact assessments” của tác giả Minderhoud và cộng sự ở Đại học và viện nghiên cứu Ulrecht, Hòa Lan đăng trên tạp chí Nature Communications vào tháng 8-2019 là thiếu sót và có nhiều lổ hổng.

Cũng trên tạp chí Nature Communications, sau đó vào tháng 10-2019, có bài “New elevation data triple estimates of global vulnerability to sea-level rise and coastal flooding” của hai tác giả Kulp và Strauss trong tổ chức Climate Central, trong đó nội dung là dùng mô hình số độ cao (DEM) chính xác hơn DEM theo vệ tinh.

Dựa vào bài trên Nature Communications này, tổ chức Climate Central độc lập và phi lợi nhuận gồm các nhà khoa học và nhà báo đã không chỉ xem xét lại các dự đoán trước kia về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL mà còn ở nhiều đồng bằng khác trên thế giới đã được biết và công bố rộng rãi ra ngoài giới hàn lâm và được tờ New York Times đăng tóm tắt kết quả.

Họ cho rằng các tiên đoán trước kia dựa vào dự kiện mô hình số mực độ cao (Digital Elevation Model, DEM) ở các nước đang phát triển do vệ tinh khảo sát là không đủ chính xác. Họ vì thế dùng các DEM khảo sát từ địa phương hoặc điều chỉnh lại DEM dùng thông minh nhân tạo (AI) để xác định lại ảnh hưởng của mực nước biển dâng đến các đồng bằng và thành phố ở các nước đang phát triển trên thế giới.

Bài trên Nature Communications của các nhà khoa học ở Hòa Lan nghiên cứu đánh giá lại ảnh hưởng của mực nước biển dâng (SLR) đến ĐBSCL (TPHCM) không nằm trong phạm vi ĐBSCL trong bài qua việc sử dụng chính xác hơn Topo DEM (Digital Elevation Model) so với mô hình độ cao DEM mà các nghiên cứu trước kia dùng như SRTM (Shuttle Radar Topography Mission) và MERIT (Multi-Error-Removed Improved-Terrain) DEM với các kịch bản mực nước biển dâng cao  0,2, 0,5 và 0,8 m so với hiện nay.

Các tác giả trong bài trên Nature Communications dùng dữ liệu Topo DEM lấy từ chính các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường ở Việt Nam mà họ cho là chính xác hơn các dữ liệu từ vệ tinh như SRTM và MERIT. Dữ liệu theo hệ thống trắc địa Việt Nam (Vietnamese geodetic datum) với cột mốc chuẩn là mực nước biển trung bình ở Hòn Dáu (gần Hải Phòng) là 0m. Dữ liệu gồm gần 20.000 điểm (elevation points) trên ĐBSCL từ chi nhánh Nam Bộ của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia (Division of Water Resources Planning and Investigation of the South of Vietnam) dựa trên bản đồ địa hình quốc gia (National topographical map) năm 2014 (scale 1:200,000) thực hiện bởi Cục Đo đạc và Bản đồ  (Department of Survey and Mapping), thuộc Bộ tài nguyên và Môi trường (Ministry of Natural Resources and Environment).

Qua các kịch bản này thì kết quả cho thấy ảnh hưởng lớn hơn dự kiến trước kia đến ĐBSCL như bài đã trình bày.

Đây là cảnh báo để chúng ta vạch ra chính sách thích ứng. Còn việc có thực sự ảnh hưởng như tiên đoán là tuỳ thuộc con người áp dụng biện pháp hay chính sách hay không. Tác giả Trường đưa ra thí dụ là Hoà Lan hiện nay đất dưới mực nước biển mà có sao đâu, nhưng quên nói là họ đã áp dụng nghiên cứu thích ứng và xây đê, chính sách sử dụng đất từ mấy thập niên qua rồi từ khi họ bị trận bão lụt lịch sử ngập tràn hầu hết Hoà Lan sau khi đê vỡ. Nếu chúng ta không có kế hoạch đáp ứng thì hệ quả có thể trở thành hiện thực nếu một trong các kịch bản chính xác.

Dĩ nhiên các kịch bản độ dâng mực nước biển (SLR) qua các mô hình tiên đoán General Circulation Model (GCM) mới nhất trong Coupled Model Intercomparison Project (CMIP5) là còn có độ không chính xác (uncertainties) nhưng đó là kết quả khoa học tốt nhất hiện nay.

Tác giả Trường nêu ra câu hỏi: “Nhà Bè, nơi được xem là "vùng trũng" của TPHCM, theo độ cao cột mốc quốc gia, cũng đã trên 1,87m so với mực nước biển hiện nay. Thử hỏi có bao nhiêu phần trăm diện tích TPHCM thấp hơn Nhà Bè?” và sau đó cũng trả lời: “Ngoại trừ Cần Giờ, đa phần diện tích của TPHCM cao hơn 2m. Mực nước cao nhất không cao hơn địa hình thì triều làm sao có thể nhấn chìm được toàn bộ thành phố? Hơn nữa, nếu chỉ xét mực nước và địa hình thì tại sao đất nước Hà Lan không bị nhấn chìm, bị xóa sổ?”.

Mấu chốt vấn đề ở đây là số liệu. Tôi đang lấy tư liệu Topo DEM từ bài báo trên Nature để kiểm chứng. Dữ liệu này có trên cạnh bài báo. Dữ liệu DEM của US Geological Survey gt30e100n40_dem thì độ chính xác quá thô (+- 1m) nên không thể dùng được. 

Nói tóm lại hai bài trên Nature Communications đều dùng dữ kiện mới. Một bài dùng chính dữ kiện digital elevation data (DEM) do Việt Nam cung cấp và một đã được calibrated theo Artificial Intelligence (AI) để giảm sai số DEM.

Cả hai bài theo hai phương pháp dùng DEM khác nhau nhưng đi đến cùng kết luận là các tiên đoán trước kia dùng vệ tinh DEM để ước lượng ảnh hưởng độ ngập thấp so với hai bài dùng DEM tốt hơn.

Nếu tin vào dữ liệu Topo DEM trong bài trên Nature Communications thì trung bình độ cao của ĐBSCL là 0,82m (từ điểm cao nhất ở B’ là 3m ở tỉnh Long An), trong khi độ cao theo vệ tinh SRTM DEM là 2,6m và MERIT DEM là 3,3m.

Số liệu tác giả Trường đưa ra về độ cao là 2m ở địa bàn TPHCM trên mực nước biển trung bình. Theo kịch bản mực nước biển dâng (SLR) thì thành phố (vốn không nằm trong địa bàn ĐBSCL, nhưng nếu dùng Long An là tương tự) chỉ bị ảnh hưởng khi trên 0,4m SLR. Nhưng với mực nước biển dâng 0,2m thì tình trạng lụt lội khi mưa và triều cường lên sẽ trầm trọng thêm.

Khi triều cường cao và sóng ngập do bão (storm surge) thì với độ tăng mực nước biển là 0,2m thì đã ảnh hưởng các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang , Bạc Liêu và Cà Mau.

Việc giới truyền thông, mà giới báo chí đa số có khuynh hướng như vậy, lên tít “Năm 2050 TPHCM hay ĐBSCL sẽ bị xoá sổ” làm nhiều người giật mình hay lo âu, gây phản ứng ngược phê bình cho là bài nghiên cứu thiếu sót, không hoàn toàn chính xác vì trên thực tế chưa đề cập đến yếu tố con người, thích hợp từng địa phương… (mà thật ra không nằm trong phạm vi của bài). Điều này vô tình làm cho nhiều người nghi ngờ kết quả nghiên cứu là thiếu chính xác.

Bài trên Nature Communications chính xác và khả tín về khoa học cao đã được thông qua quá trình bình duyệt (peer review) kỹ lưỡng. Đã nhiều năm qua, nhiều người trong nhóm hoài nghi biến đổi khí hậu đã dùng nhiều phương thức gây công chúng hoài nghi các công trình khoa học đánh giá tác động của sự biến đổi khí hậu qua các phương tiện truyền thông. Chúng ta nên cẩn thận để không bị ảnh hưởng như vậy mà nên đọc chính các bài khoa học trên các tạp chí có tiếng trong giới hàn lâm để hiểu thêm vấn đề một cách trung thực.

Tham khảo:

(1) Tô Văn Trường, TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long liệu có bị xoá sổ 30 năm tới?, https://www.thesaigontimes.vn/296304/tphcm-va-dong-bang-song-cuu-long-lieu-co-bi-xoa-so-30-nam-toi.html

(2) Minderhoud, P.S.J., Coumou, L., Erkens, G. et al. Mekong delta much lower than previously assumed in sea-level rise impact assessments. Nat Commun 10, 3847 (2019) doi:10.1038/s41467-019-11602-1

(3) Kulp, S.A., Strauss, B.H. New elevation data triple estimates of global vulnerability to sea-level rise and coastal flooding. Nat Commun 10, 4844 (2019) doi:10.1038/s41467-019-12808-z

4) Climate Central, 2019, Flooded Future: Global vulnerability to sea level rise worse than previously understood, https://climatecentral.org/pdfs/2019CoastalDEMReport.pdf

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới