Thứ Ba, 30/05/2023, 11:25
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Trao đổi thêm về “Tỷ giá và nợ nước ngoài”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trao đổi thêm về “Tỷ giá và nợ nước ngoài”

Huỳnh Thế Du

(TBKTSG) – Cảm ơn tác giả Quốc Hùng đã có phản hồi trên trang Tòa soạn & Bạn đọc “Thay đổi tỷ giá không tạo ra thặng dư thương mại cho Việt Nam” (TBKTSG số 51-2009) về bài viết “Tỷ giá và nợ nước ngoài” đăng trên TBKTSG số 49 của tôi. Tôi đồng ý là nền kinh tế Việt Nam cần thiết phải cơ cấu lại. Tuy nhiên, một số điểm có lẽ tác giả đã hiểu nhầm cách tính của tôi và có một con số tôi không rõ nguồn gốc từ đâu.

Thứ nhất, tựa đề bài phản hồi ở thể khẳng định “Thay đổi tỷ giá không tạo ra thặng dư thương mại cho Việt Nam” có thể dẫn đến hai cách hiểu về cụm từ “thặng dư thương mại”.

Cách thứ nhất, thặng dư thương mại có nghĩa là thặng dư cán cân ngoại thương (xuất khẩu – nhập khẩu). Cách hiểu này có vẻ không hợp với bối cảnh vì chẳng có ai ngây thơ đến mức nói rằng điều chỉnh giảm giá đồng tiền sẽ giúp cán cân ngoại thương của Việt Nam có thể chuyển từ mức thâm hụt mười mấy phần trăm GDP sang dương. Hiểu không tạo ra thặng dư thương mại như cách này là điều hiển nhiên, chẳng cần phần tích nào cả.

Cách thứ hai, có thể hiểu rằng thay đổi tỷ giá không cải thiện cán cân ngoại thương của Việt Nam. Nếu là lập luận như vậy thì không hợp lý cho lắm vì lý thuyết ngoại thương đã chỉ ra rằng khi đồng tiền trong nước yếu hơn (giả định các điều kiện khác không đổi) thì nó vừa như đánh thuế vào hàng nhập khẩu vừa như trợ cấp cho hàng xuất khẩu.

Kết quả sẽ có lợi cho sản xuất trong nước, gia tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Trái lại, khi đồng tiền trong nước trở nên mạnh hơn so với đồng tiền nước ngoài thì điều ngược lại sẽ xảy ra.

Chính vì lý do này mà vừa qua khi Việt Nam điều chỉnh tỷ giá, các nước láng giềng tỏ ra lo ngại. Hay khi đồng đô la Mỹ đột ngột yếu đi vào tháng 10 vừa rồi, trong khi nhân dân tệ của Trung Quốc gần như cố định với đồng đô la, các nước Đông Á phải can thiệp mạnh để tránh đồng tiền của nước họ lên giá quá nhiều ảnh hưởng đến xuất khẩu và sản xuất trong nước, mất sức cạnh tranh so với hàng Trung Quốc.

Thứ hai, nội dung chính của bài viết mà tôi đưa ra là việc lập luận nợ nước ngoài sẽ gia tăng khi đồng tiền trong nước giảm giá là không có cơ sở vì khả năng trả nợ nước ngoài phụ thuộc vào việc Việt Nam có kiếm đủ ngoại tệ để trả các khoản nợ đến hạn hay không chứ việc tính toán bằng tiền đồng dường như không có ý nghĩa trên bình diện quốc gia.

Khi giảm giá tiền đồng, xuất khẩu sẽ gia tăng, nhập khẩu sẽ giảm. Kết quả là khả năng tích lũy ngoại tệ cũng như khả năng trả nợ của Việt Nam sẽ  tăng. Ở đây, cần hiểu điều chỉnh tỷ giá là điều chỉnh một cách uyển chuyển ở mức độ vừa phải, tránh gây sốc cho nền kinh tế. 20.000 hoàn toàn khác với 200.000. Không thể máy móc được.

Thứ ba, như tôi đã tính với khoảng 22 tỉ đô la nợ nước ngoài hiện nay của Việt Nam, khi tỷ giá tăng 2.000 đồng (từ 18.000 lên 20.000) thì TỔNG SỐ NỢ tính ra tiền đồng sẽ tăng 44.000 tỉ đồng (2.000×22 tỉ). Với khoảng 1 tỉ đô la nợ nước ngoài phải trả hàng năm, tính ra tiền đồng MỖI NĂM  sẽ tăng lên khoảng 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, với số thu ngân sách từ dầu thô khoảng 4 tỉ đô la MỘT NĂM thì số tăng thu ngân sách từ dầu thô khi tỷ giá tăng sẽ là 8.000 tỉ đồng. Khi đó, tính cho MỘT NĂM, ngân sách sẽ tăng thêm khoảng 6.000 tỉ đồng.

Tác giả Quốc Hùng đã lấy 44.000 tỉ đồng trừ 6.000 tỉ đồng thành 38.000 tỉ đồng và lập luận rằng đây là phần tăng thêm vào nợ Chính phủ. Việc này giống như lấy tổng tài sản (tích lượng) trong bảng tổng kết tài sản của doanh nghiệp cộng với doanh thu một năm (lưu lượng) trong báo cáo kết quả kinh doanh hay nói nôm na là lấy cam trừ cho quýt vậy. Hai con số trên không thể cộng hay trừ với nhau được.

Nếu muốn phân tích lợi ích – chi phí như tác giả Quốc Hùng đề cập thì phải tính tổng số thu ngân sách tăng thêm trong cả chu kỳ trả nợ, sau đó trừ đi phần nợ tăng thêm. Ví dụ là 22 năm và giả sử các điều kiện khác không đổi thì số tăng thêm sẽ là 8.000 x 22 = 176.000 tỉ đồng trừ đi 44.000 tỉ đồng sẽ dư ra 132.000 tỉ đồng. Tính ra vẫn là 6.000 tỉ đồng một năm. Tuy nhiên, trên thực tế không ai tính như vậy vì rất khó để dự báo trong thời gian dài.

Trong giới hạn một bài viết, tôi chỉ đưa ra một ví dụ đơn giản bằng hình ảnh mất 2 được 8 cho dễ hình dung. Nếu muốn tính tổng tác động của chính sách này phải dùng những phân tích hết sức phức tạp và chưa chắc đã chính xác. Tuy nhiên, tác động của việc giảm giá đồng tiền đến ngoại thương và sản xuất trong nước đã được kinh tế học chứng minh (xin tham khảo thêm bài viết “Tại sao người Việt không dùng hàng Việt” và bài “Tỷ giá và sản xuất” đăng trên TBKTSG số 45 và số 47-2009 về vấn đề này).

Thứ ba, với tổng số nợ 22 tỉ đô la mà hầu hết (nếu không nói là toàn bộ) đều là các khoản nợ dài hạn có thời hạn vài ba chục năm thì tính ra thời hạn trả nợ khoản nợ này cũng trên dưới 20 năm. Tôi không biết tác giả Quốc Hùng lấy con số bảy năm ở đâu.

Trên đây là một số trao đổi của tôi về những vấn đề liên quan trong bài viết “Tỷ giá và nợ nước ngoài”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới