Trao giải cho người nghèo khởi nghiệp
![]() |
Những người tham gia tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm vượt qua đói nghèo – Ảnh: HỒNG VĂN |
(TBKTSG Online) – 60 doanh nhân vi mô vốn là những người nghèo trong nước vừa nhận giải thưởng “Doanh nhân vi mô Citi Việt Nam 2007” lần đầu tiên được Citibank Việt Nam và Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam tổ chức.
Lễ trao giải đã diễn ra vào chiều 14-12 tại Hà Nội. Ngoài giấy chứng nhận, 60 người nghèo này được Citibank Việt Nam tặng mỗi người 350 đô la Mỹ.
Nhận định về những doanh nhân vi mô, ông Charly Madan, Tổng giám đốc Citibank Việt Nam, nói: Mỗi người là mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có cùng nhau một ý chí vượt qua đói nghèo”. Ông cũng cho rằng các tổ chức tài chính vi mô, nơi người nghèo vay vốn làm ăn, đã tạo dựng tinh thần khởi sự doanh nghiệp cho người nghèo.
Trước đó, vào buổi sáng, diễn đàn doanh nhân vi mô đã trở thành nơi chia sẻ kinh nghiệm làm ăn của người nghèo, chia sẻ kinh nghiệm cho vay vốn tín dụng và tiết kiệm của các tổ chức tài chính vi mô.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng, thành viên ban giám khảo giải thưởng, cho biết giải thưởng đã khởi động từ cách nay năm tháng với 234 bộ hồ sơ được gửi đến. Ban giám khảo đã chọn ra 60 doanh nhân vi mô tiêu biểu, 30 cán bộ tín dụng xuất sắc và 11 tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu.
Ông Trần Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ các tổ chức tín dụng và hợp tác, Ngân hàng Nhà nước, nói: “Tài chính vi mô là nguồn tài chính quan trọng bên cạnh nguồn tài chính từ ngân sách và của các tổ chức tín dụng ngân hàng, giúp cung cấp tín dụng cho người nghèo, có thu nhập thấp”. Theo ông, nhiều tổ chức tài chính vi mô là “bà đỡ” của người nghèo với những món vay nhỏ, không cần thế chấp, vay theo nhóm và trả lãi, gốc theo hình thức trả góp theo tuần.
Ông cũng cho biết với nghị định 165/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành vào tháng 11 qua, đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam.
Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, hoạt động tài chính vi mô đang có mặt ở 36 tỉnh thành, 132 huyện và 2.900 xã phường; đã tiếp cận hơn 350.000 khách hàng với tổng tài sản của các chương trình này hơn 26 triệu đô la Mỹ, tổng dư nợ hơn 24 triệu đô la Mỹ và dư nợ tiết kiệm 8 triệu đô la Mỹ.
Khảo sát tại 60 xã có hoạt động của tài chính vi mô thì thị phần cung cấp tín dụng của các tổ chức tài chính vi mô chiếm 30%, Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 27% và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiếm 43%.
HỒNG VĂN