Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trao giải doanh nghiệp dệt may và da giày năm 2010

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trao giải doanh nghiệp dệt may và da giày năm 2010

Vân Oanh

Ảnh chụp tại lễ trao giải năm 2009

(TBKTSG Online) – Tối nay (ngày 18-11), Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Da Giày Việt Nam và Thời báo Kinh tế Sài Gòn sẽ tổ chức lễ trao giải thưởng cho 64 doanh nghiệp đạt giải trong cuộc bình chọn “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành Dệt May và Da Giày Việt Nam 2010”.

Đây là sự kiện được tổ chức thường niên và đây là năm thứ bảy cuộc bình chọn này được tổ chức. Sau ba tháng chấm điểm theo tiêu chí của cuộc bình chọn kết hợp với việc khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp, ban giám khảo đã chọn được 64 doanh nghiệp dệt may tiêu biểu (trong tổng số 151 doanh nghiệp đăng ký tham gia cuộc bình chọn) và 20 doanh nghiệp ngành da giày (trong tổng số 42 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình chọn). Tổng số doanh nghiệp tiêu biểu của hai ngành được nhận giải thưởng năm nay là 84 doanh nghiệp.

Có tổng cộng 10 doanh nghiệp ngành may, 5 doanh nghiệp ngành dệt và 5 doanh nghiệp ngành da giày đoạt giải doanh nghiệp tiêu biểu toàn diện.

Đứng đầu ngành may là Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến, sau đó đến các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần X20; Tổng công ty May Nhà Bè; May Hưng Yên; Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú; May Sài Gòn 3; May Sông Hồng, May Đồng Tiến, May 10; May Đồng Nai.

Đứng đầu ngành dệt là Tổng công ty Dệt Việt Thắng, sau đó đến các Công ty Thái Tuấn; Dệt 10-10; Tổng công ty 28; Công ty Coats Phong Phú.

Và đứng đầu ngành da giày là Tổng công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất giày Thái Bình. Sau đó là các công ty như: Công ty Đầu tư và sản xuất giày Thái Bình; Pacific; Công ty X32; Công nghiệp Đông Hưng; Công ty giày Chingluh Vietnam.

Đặc biệt, cuộc bình chọn năm nay lần đầu tiên có 8 xưởng thuộc các doanh nghiệp ngành dệt may được bình chọn là xưởng tiêu biểu và 4 trường được công nhận đào tạo tốt nguồn nhân lực cung ứng cho ngành dệt may.

Ông Trần Đình Vĩnh, Phó tổng biên tập Thời báo kinh tế Sài Gòn cho rằng, Chương trình bình chọn “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may & da giày Việt Nam” trong bảy năm qua luôn đồng hành với các doanh nghiệp trong việc định hướng sản xuất, kinh doanh và biểu dương kịp thời hàng năm thành tích của các doanh nghiệp. Đây là một chương trình bình chọn có uy tín được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước như các đồng chí Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM; và các đồng chí Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải trực tiếp đến trao giải.

Theo Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2010 các cuộc bình chọn doanh nghiệp cấp quốc gia chỉ được tổ chức từ 3-5 năm một lần. Như vậy cuộc bình chọn “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may & da giày Việt Nam” lần thứ 8 sẽ được tổ chức vào năm 2013.

Được biết, cuộc bình chọn năm nay diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế lớn bắt đầu hồi phục, các đơn hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản đến với ngành dệt may và da giày dồn dập. Xuất khẩu của ngành dệt may trong 10 tháng đạt trên 9 tỉ đô-la Mỹ, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2009, tiếp tục là ngành CN xuất khẩu đứng đầu cả nước. Ngành da giày sau 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu đã đạt trên 4 tỷ đô la, tăng gần 25% so với cùng kỳ, lần đầu tiên vượt qua xuất khẩu dầu thô để trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai cả nước.

Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, hoạt động xuất khẩu 9 tháng đầu năm của ngành may đạt trên 8 tỉ đô-la Mỹ, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm truớc, trong đó thị trường Hoa Kỳ tăng trên 22%, EU tăng 7%, Nhật tăng 14%, Hàn Quốc tăng 63%, Canada tăng 21%, Nga tăng 25% , Thổ Nhĩ Kỳ tăng 42%… Ước xuất khẩu tháng 10 đạt trên 1,16 tỉ đô-la Mỹ. Với đà đó kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2010 sẽ đạt trên 11 tỉ đô-la Mỹ, tăng 22% so với năm trước và vượt 5% so với kế hoạch được đề ra ngay từ đầu năm mà hầu hết chuyên gia đã cho là khó thực hiện được.

Tuy nhiên, ông Ân cũng cho biết, ngành dệt may hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề hóc búa như: giá nguyên liệu hiện đang ở đỉnh cao nhất trong lịch sử ngành dệt may thế giới trong 140 năm qua. Giá bong, giá xơ polyester, giá sợi… hiện tại đã tăng gấp đôi so với đẩu năm và hiện vẫn chưa có điểm dừng. Kế đó là các thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu không những chưa được giảm mà còn lại tăng lên. Gần đây doanh nghiệp xuất khẩu còn phải chịu thêm chi phí tắc hàng tại cảng… chi phí vận chuyển trong năm cũng đã tăng đến trên 30% do ảnh hưởng dây chuyền của giá điện và nhiên liệu…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới