Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trật đường ray ngày mưa bão

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trật đường ray ngày mưa bão

Công ty đóng tàu ở một nhà máy của Vinashin, tập đoàn đã thành lập tới 43 công ty con và 111 công ty liên doanh, liên kết trong năm ngoái – Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG) – Giám sát tập đoàn nhà nước đang trở thành một vấn đề mà các cơ quan quản lý ngành chức năng đặt ra tại hội nghị điểm lại ba năm thực hiện Nghị định 199/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác.

Trật đường ray

Năm ngoái, tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) thành lập 154 công ty con (kể cả công ty liên doanh, liên kết). Nếu không tính ngày nghỉ cuối tuần thứ Bảy, Chủ nhật, cả năm có 260 ngày làm việc, bình quân cứ 1,69 ngày Vinashin lại sinh ra một công ty. Trong điều kiện bình thường, đây đã là vận tốc “tên lửa”. Nay chúng ta lại đang trong giai đoạn đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, mà mục tiêu là sắp xếp đổi mới, hạn chế thành lập các đơn vị quốc doanh. Không lẽ Vinashin được nằm ngoài tiến trình cải cách đó?

Chuyện Vinashin lập quá nhiều công ty con mà Bộ Tài chính chính thức công bố trong báo cáo tại Hội nghị đổi mới doanh nghiệp nhà nước tuần trước, là một minh chứng cho việc không ít tổng công ty đang vận hành trật đường ray.

Lập công ty con, tham gia đầu tư tài chính, bất động sản, các tập đoàn nhà nước đã đầu tư ra ngoài chức năng kinh doanh chính tổng cộng 116.768 tỉ đồng, tương đương 7,3 tỉ đô la Mỹ. Trong đó 23/70 tổng công ty đã đầu tư 23.344 tỉ đồng vào cổ phiếu, ngân hàng, bảo hiểm. Quan trọng hơn, hầu hết số tiền bằng 11% GDP nói trên được vay ngân hàng và nó góp phần đẩy tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn lên cao.

Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của nhiều đơn vị tới 20-22 lần, cá biệt có tổng công ty như Cienco tới hơn 40 lần. Bây giờ bất động sản và chứng khoán đang giảm giá, chuyện gì sẽ xảy ra cho khối tiền khổng lồ đã đầu tư này? Thứ nhất là khoản lỗ dành cho các tập đoàn. Chỉ từ đầu năm đến nay, VN-Index đã sụt giảm 45% (có cổ phiếu mất giá 70%), còn giá bất động sản cũng đang lao dốc 30-50%. Vì thế số lỗ của các doanh nghiệp kể trên sẽ lên đến cả tỉ đô la Mỹ.

Trên bảng tổng kết tài sản của các tập đoàn, các khoản đầu tư trên thường được hạch toán vào đầu tư dài hạn và không kết toán lỗ. Khoản lỗ do đó được khỏa lấp. Chỉ đến khi thanh tra giám sát, kiểm toán vào cuộc, nó mới lộ ra. Mà thanh tra những hoạt động trật đường ray như vậy từ trước đến nay rất mờ nhạt nơi cơ quan chủ quản là Bộ Tài chính.

Thứ hai, thời điểm khó khăn của nhà đất, cổ phiếu mới chỉ bắt đầu, nó có thể còn kéo dài 10-15 tháng, nhưng các khoản vay ngân hàng sẽ đáo hạn mà không chờ chứng khoán, bất động sản phục hồi. Trước áp lực trả nợ, các chủ đầu tư sẽ tìm cách thanh lý khoản đầu tư. Việc bán ra bất động sản hay cổ phiếu sẽ đẩy thị trường nhà đất và chứng khoán tới những nấc trượt mới. Giá đang giảm, nguồn cung không mong đợi tăng, giá càng giảm, khoản đầu tư càng mất giá trị, càng phải bán… cứ thế, vòng luẩn quẩn lặp lại và thanh khoản thị trường sẽ không còn.

Thanh khoản yếu, các chủ đầu tư buộc phải dừng thanh lý tài sản, nợ ngân hàng sẽ không trả được. Mắt xích gánh chịu hậu quả cuối cùng lại là các ngân hàng. Tài trợ vốn đầu tư cho các tập đoàn chủ yếu là ngân hàng quốc doanh. Không thể không tính đến khả năng nợ xấu của ngân hàng quốc doanh sẽ gia tăng nhanh chóng. Suy cho cùng, khi những đầu tàu tập đoàn đi trật đường ray, có lỗi của ngân hàng. Nếu ngân hàng không cho vay ngay từ đầu, thì dù muốn các doanh nghiệp cũng không có tiền mà “ném” vào nhà đất, cổ phiếu.

Thị trường gồng mình chống đỡ

Con tàu chứng khoán dường như đang đi vào vùng bão, nơi gió và mưa ngày một mạnh. Trong khi các ngân hàng nỗ lực tối đa để tạm ngưng giải chấp cổ phiếu cầm cố, thì không ít tổ chức đang giải quyết danh mục tự doanh. Hai tuần gần đây lượng chứng khoán bán ra trên cả hai sàn TPHCM, Hà Nội đều tăng với lượng dư bán lớn tập trung vào một số mã. Lượng cung lớn đó khó lòng có được từ các nhà đầu tư cá nhân.

Có thể các tổ chức tự doanh đang thay đổi danh mục đầu tư, hoặc bán ra chặn lỗ khi mức lỗ đã quá sức chịu đựng, hoặc buộc phải bán để trả nợ vay. Thị trường đang gồng mình chống đỡ các đợt bán ra của tổ chức (đã đi được ít nhiều quãng đường) với hy vọng lượng bán ra giảm dần và tiến đến điểm kết thúc.

Tuy nhiên, khảo sát một vòng các ngân hàng và công ty chứng khoán lại thấy những bất ngờ. Bất ngờ thứ nhất đã lộ diện một phần: nhiều ngân hàng đang tạm ngưng nhận hồ sơ vay vốn (trong đó có vay chứng khoán). Với những hồ sơ đã nhận, đang xử lý thì kéo dài thời hạn giải ngân.

Nguyên nhân là do một số ngân hàng không còn vốn để cho vay, vốn huy động từ đầu tháng 4-2008 đang giảm. Ngay từ tháng 3-2008 các ngân hàng đã rút toàn bộ, hoặc gần hết số tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước về để sử dụng. Số khác còn vốn thì không thể cho vay tiếp vì đã hoặc sắp đụng trần tăng trưởng tín dụng 30% do Ngân hàng Nhà nước khống chế.

Bất ngờ thứ hai là tới đây các ngân hàng phải lo đối phó với sự tụt dốc giá cổ phiếu của chính mình. Vốn điều lệ của các ngân hàng hiện rất lớn và phần lớn vốn đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng là vốn vay. Cổ phiếu của ngân hàng A được thế chấp vay vốn ở ngân hàng B và ngược lại.

Khoảng một tháng trước đây, khi giá cổ phiếu các ngân hàng nhỏ giảm xuống dưới 25.000 đồng/cổ phiếu, mức thế chấp và cho vay đã được kéo xuống bằng mệnh giá (chỉ được vay tối đa 10.000 đồng/cổ phiếu cầm cố). Cổ phiếu các ngân hàng lớn như Eximbank, Sacombank, Đông Á… được vay ở mức gấp 2,5-3 lần mệnh giá. Nay giá cổ phiếu các ngân hàng nhỏ đã rớt xuống dưới 20.000 đồng (có ngân hàng giá chỉ còn 13.000 đồng/cổ phiếu), ngân hàng lớn dưới 35.000-37.000 đồng.

Trong trường hợp không được cải thiện, thì giá cổ phiếu ngân hàng cả lớn và nhỏ sẽ chạm mức thế chấp cho vay. Khi ấy không loại trừ một đợt bán tháo ồ ạt cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC và sàn niêm yết của chính các ngân hàng để thu hồi vốn. Đây sẽ là một yếu tố tác động không nhỏ đến thị trường.

Quay trở lại với các tập đoàn đang đi trật đường ray. Giả sử cuối tháng 5-2008 làn sóng bán cổ phiếu cầm cố dịu dần, liệu có thể kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi từ từ? Đa số các nhà quan sát mà chúng tôi tham khảo ý kiến qua những cuộc phỏng vấn ngắn đều tỏ ra không mấy lạc quan với một số tập đoàn. Họ là một nhóm các nhà đầu tư đang nắm giữ khối lượng lớn chứng khoán nhưng lại sắp lâm vào tình trạng báo động về tài chính. Yếu tố mới này hẳn không phải là tin giới đầu tư mong đợi, nhưng dù muốn hay không thì họ cũng phải tính đến khi mua, bán cổ phiếu.

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới