Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trật tự mới trên thị trường chứng khoán toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trật tự mới trên thị trường chứng khoán toàn cầu

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Nhờ đà tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu đến từ các tập đoàn công nghệ lớn, thị trường chứng khoán toàn cầu đang thăng hoa khi hàng loạt chỉ số thiết lập các mức đỉnh mới.

Liệu iPhone X có giúp Apple thành công ty 1.000 tỉ đô?

Triều Tiên thử hạt nhân, chứng khoán toàn cầu giảm điểm

Trật tự mới trên thị trường chứng khoán toàn cầu
Cơn bùng nổ của cổ phiếu ngành công nghệ đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng lên mức kỷ lục.

Chứng khoán thăng hoa nhờ ngành công nghệ

Theo The Wall Street Journal, kết phiên giao dịch ngày 21-11, các chỉ số chứng khoán ở Mỹ đều tăng lên mức kỷ lục dưới sự dẫn dắt của cổ phiếu ngành công nghệ. Chỉ số S&P 500 tăng lên 2.599 điểm, mức cao nhất mọi thời đại. Chỉ số này đã tăng hơn 16% trong năm nay, trong đó, cổ phiếu của ngành công nghệ thông tin tăng điểm tốt nhất.

Chỉ số Dow Jones (gồm 30 cổ phiếu của các công ty có tầm ảnh hưởng toàn cầu) tăng 160,5 điểm lên mức kỷ lục 23.590 điểm. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Apple tăng điểm tốt nhất trong nhóm 30 cổ phiếu này.

Chỉ số Nasdaq cũng tăng 1,1% lên mức kỷ lục 6.862 điểm, trong đó, nhóm cổ phiếu công nghệ có vốn hóa lớn như Facebook, Amazon, Netflix và Alphabet đều đóng cửa với mức giá cao hơn ngày hôm trước.

Tại châu Á, hôm qua, chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hồng Kông lần đầu tiên vượt mốc 30.000 điểm trong một thập kỷ qua nhờ cổ phiếu ngành tài chính và công nghệ. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số Hang Seng đã tăng 35,5%. Đáng chú ý, cổ phiếu của tập đoàn công nghệ Tencent đóng góp gần 30% cho mức tăng điểm này khi đã tăng phi mã 120% trong năm nay. Tính theo giá đóng cửa hôm 21-11, vốn hóa thị trường của Tencent đã lên mức 523 tỉ đô la Mỹ, vượt mức vốn hóa 519 tỉ đô la Mỹ của Facebook.

Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) cũng đã tăng 33% trong năm nay, phần lớn nhờ đà tăng điểm của cổ phiếu ngành công nghệ và năng lượng. 

Cổ phiếu của các công ty công nghệ trên toàn cầu đang tăng tốc, vượt một khoảng cách xa nhất so với cổ phiếu của các ngành khác, kể từ thời bong bóng cổ phiếu internet (hay còn gọi là bong bóng dot-com) vào đầu thập niên 2.000 đến nay. 

Một nhóm nhỏ cổ phiếu của ngành công nghệ đang chi phối các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới. Vốn hóa thị trường của tám công ty công nghệ hàng đầu thế giới gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Alphabet (công ty mẹ của Google), Baidu, Alibaba và Tencent đã tăng thêm 1.400 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, tương đương GDP hàng năm của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cộng lại.

Khi có sức ảnh hưởng lớn hơn, đà tăng trưởng của ngành công nghệ là động lực giúp thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán mới nổi ở châu Á ghi nhận nhiều mức kỷ lục, vượt các thị trường vốn vắng bóng những tên tuổi công nghệ lớn tại châu Âu, Canada và Úc.

“Các thị trường chứng khoán với sự góp mặt của các ‘ông lớn’ công nghệ chắc chắn sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay. Những công ty tạo ra lợi nhuận lớn này được xem là nền tảng của nền kinh tế mới”, ông Paul Markham, nhà quản lý danh mục đầu tư chứng khoán toàn cầu ở công ty quản lý đầu tư Newton Investment Management (Anh), nhận định.

Tăng trưởng bùng nổ

Cổ phiếu ngành công nghệ toàn cầu đã tăng 41,2% trong năm nay, cao gần gấp đôi so với mức tăng của chỉ số MSCI toàn cầu (chỉ số phản ánh diễn biến của 47 thị trường mới nổi và phát triển quan trọng trên thế giới).

Cho đến nay, giá cổ phiếu của ngành công nghệ toàn cầu đã tăng cao hơn 20,5 điểm phần trăm so với giá cổ phiếu của ngành vật liệu, vốn được xem là ngành tăng trưởng tốt thứ hai. Đây là khoảng cách rộng nhất giữa hai ngành này kể từ năm 1999, theo phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley.

Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch cho biết tổng vốn hóa thị trường của ngành công nghệ Mỹ đã chạm mức 5.400 tỉ đô la Mỹ, cao hơn mức vốn hóa 5.200 tỉ đô la Mỹ của chỉ số MSCI các thị trường mới nổi và mức vốn hóa gần 4.800 tỉ đô la Mỹ của chỉ số MSCI eurozone (những nước sử dụng đồng euro).

Một trong những chỉ số được hưởng lợi của cơn bùng nổ công nghệ là chỉ số Nasdaq. Chỉ số này đã 66 lần chạm mức cao kỷ lục trong năm nay. Trong khi đó, mức tăng trưởng 31,8% của chỉ số MSCI các thị trường mới nổi trong năm nay cũng chủ yếu nhờ một số ông lớn ngành công nghệ và những công ty sản xuất phần cứng cho họ.

Bốn công ty công nghệ Samsung Electronics, Tencent, Alibaba và TSMC hiện đang chiếm tỉ trọng tổng cộng 17,4% trong chỉ số MSCI các thị trường mới nổi. Sức ảnh hưởng của cổ phiếu bốn công ty này đối với chỉ số MSCI các thị trường mới nổi thậm chí còn lớn hơn so với sức ảnh hưởng của Facebook, Apple, Netflix và Alphabet đối với chỉ số S&P 500.

Đối với chỉ số MSCI châu Âu, ngân hàng Morgan Stanley cho rằng mức tăng trưởng kém hơn 85% của nó so với chỉ số MSCI toàn cầu có thể là do khác biệt trong tỷ trọng và mức tăng trưởng của ngành công nghệ. Các công ty công nghệ chỉ chiếm tỉ trọng chưa đến 5% trong chỉ số MSCI châu Âu so với tỉ trọng 24,6% của ngành công nghệ trong chỉ số MSCI Mỹ và 17% của ngành công nghệ trong chỉ số MSCI toàn cầu

Xét theo tỷ số P/E (giá trên thu nhập), cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ châu Âu thực sự đắt hơn nhiều so với các công ty công nghệ Mỹ.

“Cổ phiếu của các công ty công nghệ châu Âu thường được định giá đắt hơn chỉ vì sự hiếm hoi của chúng”, ông Chris Hiorns, quản lý một quỹ đầu tư ở Công ty quản lý đầu tư EdenTree (Anh), nhận xét.

Mức định giá vẫn còn rẻ

Chắc chắn, còn nhiều yếu tố khác đằng sau đà tăng trưởng chứng khoán toàn cầu năm nay, bao gồm sự đồng bộ trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Dĩ nhiên, có những rủi ro cho sự thăng hoa của ngành công nghệ, bao gồm nguy cơ của chính sách quản lý thắt chặt hơn đối với ngành công nghệ, hoặc đơn giản là giới đầu tư quay vòng đầu tư và thoát ra khỏi những lĩnh vực đã tăng trưởng quá nhiều.

Giới phân tích nhận định sự thống lĩnh của ngành công nghệ có thể khiến các thị trường chứng khoán dễ bị tổn thương trong trường hợp các rủi ro trên xảy ra. Tuy nhiên, họ không cho rằng viễn cảnh xấu này sẽ đến sớm khi các ông lớn ngành công nghệ tiếp tục tạo ra lợi nhuận.

Những so sánh với thời kỳ bong bóng dot-com là không hợp lý. Mức định giá hiện nay của các công ty công nghệ Mỹ thấp hơn nhiều so với mức định giá của chúng vào thời kỳ đó. Vào đầu thập niên 2000, cổ phiếu ngành công nghệ trong chỉ số S&P 500 giao dịch ở mức P/E tương lai trung bình là 52,2. Ngày nay, mức P/E tương lai trung bình của ngành công nghệ chỉ là 19,1 so với mức P/E tương lai 18 của toàn chỉ số S&P 500.

Apple, công ty giá trị nhất thế giới, đang giao dịch ở mức P/E tương lai chỉ là 14,8, cho dù giá cổ phiếu của nó đã tăng 47% trong năm nay.

Nhìn chung, mạng lưới người sử dụng khổng lồ của các ông lớn ngành công nghệ, lượng tiền mặt dồi dào của họ cùng với sự tiếp cận dữ liệu người dùng đã khiến các nhà đầu tư kỳ vọng rằng những ông lớn này sẽ càng lớn hơn.

Năm 1999, các công ty công nghệ bị định giá đắt không tưởng và đã không tạo ra mức lợi nhuận lợi như kỳ vọng. Song ông Mark Phelps, giám đốc danh mục đầu tư ở công ty quản lý tài sản AllianceBernstein (Mỹ) cho rằng ngày nay, lợi nhuận của các công ty công nghệ không chỉ tăng lên mà họ có nhiều dữ liệu hơn, nhiều sức mạnh xử lý hơn và họ đang mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm thực sự tốt.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới