Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trầy trật xuất khẩu lao động có nghề

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trầy trật xuất khẩu lao động có nghề

Người lao động xem thông báo tuyển dụng tại công ty xuất khẩu lao động Suleco -Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – 8 tháng đầu năm nay, số lượng lao động xuất khẩu trên cả nước khoảng 58.000 người, đạt 65% kế hoạch năm. Trong số này, lao động phổ thông, không cần nghiệp vụ, chiếm đa số. Trong khi đó, số lượng lao động có nghề đi xuất khẩu vẫn chiếm khá ít. 

Rộng đường xuất khẩu lao động phổ thông

Các thị trường lớn của lao động xuất khẩu Việt Nam vẫn là Đài Loan với 22.865 người, Hàn Quốc với 10.148 người, Malaysia với 6.710 người. Đây là những thị trường có nhu cầu sử dụng lao động cao và với mức lương hấp dẫn, đặc biệt là Malaysia.

Và ngoài ra, những thị trường cần đến nhiều lao động xuất khẩu vẫn còn có thể kể tiếp, trong đó các thị trường như Trung Đông, châu Âu, một số nước trong khu vực châu Á có nhu cầu lớn về lao động phổ thông. 

Theo ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, dự kiến năm 2009, số lượng lao động xuất khẩu sẽ còn tăng cao hơn nữa. “Bộ vẫn chú trọng xuất khẩu lao động phổ thông, vì Việt Nam có một lực lượng lao động dồi dào có thể đáp ứng cho thị trường các nước, đồng thời cũng giúp cho lao động nông thôn được thoát nghèo”, ông nói.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chưa khai thác hết các thị trường, hiện vẫn còn nhiều nước có nhu cầu nhưng Việt Nam vẫn chưa đặt mối quan hệ về xuất khẩu lao động. Các công ty xuất khẩu lao động cũng đã có những động thái kêu gọi đặt hàng từ các nước khác ngoài những nước đã có mối quan hệ trước đây.

Xuất khẩu lao động có nghề vẫn gặp khó

Nhưng riêng với lao động có tay nghề, ông Hải cho biết, chủ trương vẫn là nhắm đến xuất khẩu đối tượng lao động này, do sẽ mang lại thu nhập cao cho người lao động và đồng thời cũng tạo nguồn kiều hối cho đất nước. Một kỹ sư tốt nghiệp đại học khi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản có thể hưởng mức lương trên 2.000 đô la Mỹ/tháng, còn với những lao động tốt nghiệp phổ thông trung học, có qua đào tạo nghề thì mức lương là hơn 1.000 đô la Mỹ/tháng, hơn gấp đôi so với lao động phổ thông. Tại thị trường Singapore, mức thu nhập có thể cao hơn.

Tuy nhiên, theo ông Hải, ở giai đoạn này vẫn chưa thể triển khai mạnh thị trường xuất khẩu lao động có nghề, bởi thị trường các nước có những yêu cầu cao hơn đối với lao động nghề, trong khi chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam vẫn còn yếu.

Nhật Bản là một trong những thị trường lâu nay Việt Nam vẫn đưa lao động có nghề sang làm việc. Thị trường này đòi hỏi gắt gao về tay nghề và thường tuyển dụng nhân sự kỹ thuật cao, yêu cầu ứng viên phải có trình độ tay nghề tốt, phải qua được đợt kiểm tra do phía Nhật tổ chức. Tuy nhiên, không có nhiều ứng viên đạt yêu cầu để vào được thị trường hấp dẫn với mức lương cao và chi phí xuất khẩu vừa phải này.

Sovilaco là một công ty lớn và lâu năm về xuất khẩu lao động nhưng nói đến thị trường Nhật Bản, ông Lê Văn Hạ, trưởng phòng xuất khẩu chuyên gia của Sovilaco, cho biết “các đơn đặt hàng của công ty Nhật bao giờ cũng còn chỗ, nhưng lượng cung lao động của Việt Nam quá ít, chất lượng lao động lại thấp”. Chất lượng lao động thấp nói ở đây là trình độ tay nghề của kỹ sư Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của đối tác, “cũng là do quá trình đào tạo nghề của nước ta còn chưa bắt kịp khoa học kỹ thuật”, ông Hạ nói thêm.

Trong tám tháng đầu năm, công ty này xuất khẩu được 1.400 lao động, trong đó, số lượng cung cấp cho thị trường Nhật chỉ chiếm 10%, còn trên cả nước, số lượng lao động xuất khẩu sang thị trường Nhật chỉ có 3.730 người. Còn lại là những đơn hàng lao động phổ thông, và một số ít lao động có nghề.

Anh Lê Thành Nam, tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM năm 2007 ngành cơ khí với tấm bằng loại khá, mong muốn được sang làm việc tại Nhật Bản. Anh đến xin ứng tuyển tại một công ty xuất khẩu lao động lớn nhưng anh đã không đạt yêu cầu khi kiểm tra tay nghề. Nam cho biết “trường đại học chưa bao giờ dạy những điều này nên không thể biết được”. Anh đã tạm thời từ bỏ ước mơ của mình để xin vào làm việc tại một công ty Nhật tại Việt Nam “để lấy kinh nghiệm”.

Thị trường Singapore cũng đang tuyển dụng số lượng lớn kỹ thuật viên bán dẫn nhưng tại Việt Nam lại chưa có ngành này, vì thế, lãnh đạo của Sovilaco cũng cho biết công ty cũng đang đào tạo nghề cho các ứng viên. Dự kiến trong năm 2009, công ty này sẽ xuất khẩu được 120 lao động thuộc chuyên ngành này cho thị trường Singapore.

Đào tạo lại tay nghề được nhắc đến như “chuyện ngày xưa”, và thực sự đã là chuyện cũ. Có thể thấy hầu hết sinh viên ra trường khi vào làm việc tại các công ty nước ngoài đều phải đào tạo lại.

Ngoại ngữ cũng là một rào cản với lao động Việt Nam kỹ thuật cao. Đơn cử, thị trường Singapore là thị trường đòi hỏi khắt khe về trình độ ngoại ngữ. Theo một công ty xuất khẩu lao động cho biết, có khá nhiều ứng viên đều tốt nghiệp đại học, đạt trình độ nghiệp vụ nhưng đã không vượt qua được vòng phỏng vấn. Đó cũng chính là lý do khiến thị trường Singapore với mức lương hấp dẫn, điều kiện làm việc tốt, vị trí địa lý thuận tiện vẫn không phải là thị trường chủ chốt trong năm nay.

Suleco, một trong những công ty xuất khẩu lao động trực thuộc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TPHCM, có chỉ tiêu tuyển dụng 200 lao động cho thị trường này trong năm nay nhưng cho đến nay chỉ mới có 50 ứng viên qua được vòng phỏng vấn ngoại ngữ.

“Phải mất một thời gian dài để cải thiện những vấn đề yếu kém trong công tác đào tạo nghề trên cả nước”. Ông Đào Công Hải đã nhấn mạnh khi trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online. Nhưng mất khoảng bao lâu thì ông Hải cũng chưa có câu trả lời và như vậy thì cũng không biết còn bao lâu nữa để lao động có nghề đạt yêu cầu khi đi xuất khẩu ở nước ngoài

THANH THƯƠNG 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới