Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trí thức cần được tư duy độc lập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trí thức cần được tư duy độc lập

(TBKTSG) – Để có thể thu hút và sử dụng nhân tài nói riêng và giới trí thức nói chung, việc quan trọng là phải định nghĩa được trí thức là ai? Đâu là vị trí và vai trò của trí thức trong xã hội?

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đây là một nỗ lực để trả lời cho câu hỏi trên.

Theo nghĩa chung nhất, trí thức là người tự chủ về tư duy và luôn dấn thân để bảo vệ các giá trị cao đẹp của xã hội loài người bằng các lập luận và bằng chứng khoa học xác đáng. Trí thức là người có cái nhìn và nhận thức riêng về hiện thực xã hội thông qua suy nghĩ độc lập và lập luận khoa học của mình.

Như vậy, để có tầng lớp trí thức đúng nghĩa thì cần bỏ tư duy “quản lý trí thức” theo kiểu định ra một số “con đường” và cho phép họ được “tự do” suy nghĩ trên những con đường ấy mà không được “đi” trên những con đường khác (“vùng cấm”). Khi không được độc lập suy nghĩ thì người trí thức không còn là mình nữa.

Chính vì vậy, một câu hỏi được đặt ra trong việc xây dựng đội ngũ trí thức là liệu trí thức có được công nhận là người luôn suy nghĩ độc lập và được tự do theo đuổi các mối quan tâm về khoa học của mình hay không? Câu hỏi thứ hai là liệu giới trí thức có được thể hiện sự độc lập, tự chủ trong tư duy của mình ra bên ngoài hay không? Họ có được tham gia tranh luận các vấn đề liên quan đến sự phát triển đất nước hay không? Và khi họ thể hiện những suy nghĩ độc lập của mình thì sẽ được đón nhận như thế nào? Có lẽ đây là những câu hỏi then chốt cần có câu trả lời rõ ràng, nếu không thì khó xây dựng được một đội ngũ trí thức đúng nghĩa mà chỉ có một đội ngũ có bằng cấp cao mà thôi.

Mặc dù chế độ đãi ngộ cũng quan trọng đối với trí thức, nhưng điều họ quan tâm nhất không phải là việc được trả công như thế nào mà là được nhìn nhận như thế nào, có được tôn trọng hay không. Người trí thức cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội nếu như những quyết sách, những quyết định liên quan đến vận mệnh của đất nước không quan tâm đến những ý kiến đóng góp của họ.

Chính vì vậy, việc tạo ra một môi trường xã hội thông thoáng cho trí thức, đồng thời tôn trọng những suy nghĩ và ý kiến của họ là việc quan trọng để xây dựng đội ngũ này. Vai trò của trí thức là “canh gác” sự vận hành của xã hội. Chúng ta có nhìn nhận và tạo điều kiện cho họ thể hiện vai trò đó hay không là điều quan trọng hiện nay.

LÊ MINH TIẾN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới