Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Triển khai nhanh, đúng, đủ chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành triển khai nhanh, đúng, đủ các chính sách hỗ trợ để người dân và doanh nghiệp được hưởng thụ sớm, hưởng thụ thật.

Thông điệp này được Thủ tướng nêu tại kết luận cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2022 ngày 29-4.

Thủ tướng yêu cầu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ. Ảnh: Nhật Bắc.

Ông cho biết Việt Nam phải đối mặt với một số thách thức trong tháng 4, gồm kinh tế vĩ mô tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát lớn; nợ xấu có xu hướng tăng; một số nơi chưa quyết liệt trong thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; giải ngân đầu tư công chậm; vốn FDI đăng ký mới chưa cao; thị trường bất động sản, trái phiếu, bất động sản cần tiếp tục được quan tâm theo dõi.

Ngoài ra, tình hình xung đột tại Ukraine tiếp tục tác động tới Việt Nam.

Bên cạnh đó, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Với bối cảnh này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh có thể tác động tới vĩ mô.

Ông giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo công tác này. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Tài chính sẽ phối hợp điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt.

Với các bộ, ngành quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, nhất là tình hình lạm phát, giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản phù hợp nhằm điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và bình ổn giá. Ngoài ra, xử lý nghiêm các sai phạm, không để thao túng, lũng đoạn thị trường.

Bên cạnh đó, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, cân đối về điện, xăng dầu. Đồng thời, chủ động phương án sản xuất, vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới.

Với hoạt động hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, ông nhấn mạnh phải triển khai nhanh, đúng, đủ, để người dân và doanh nghiệp được hưởng thụ sớm, hưởng thụ thật, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Ngoài ra, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, gia hạn nộp thuế.

Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm trưởng ban để chỉ đạo và thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thành lập tổ công tác do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm tổ trưởng để đôn đốc, hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong lĩnh vực y tế.

Với đầu tư công, thành lập 6 tổ công tác của Thủ tướng do các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hiệu quả, khả thi để khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.

Bên cạnh việc triển khai chương trình phục hồi kinh tế – xã hội, Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch cho các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.

Về tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, Thủ tướng cho biết thu ngân sách nhà nước ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ, với nguồn thu bền vững hơn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xuất khẩu 4 tháng tăng 16,4%, nhập khẩu tăng 15,7%, xuất siêu khoảng 2,5 tỉ đô la Mỹ.

An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu hơn 2 triệu tấn gạo với giá trị cao hơn.

Thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 7,5%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3%, cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng giai đoạn năm 2018 và 2019 – giai đoạn chưa có dịch Covid-19.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng. Sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt 736.400 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động hơn với tổng mức bán lẻ hàng 4 tháng tăng 6,5% so với cùng kỳ giai đoạn năm trước.

Du lịch phục hồi mạnh mẽ; khách quốc tế tháng 4 gấp 5,2 lần cùng kỳ; 4 tháng tăng 184,7%.

Vốn FDI thực hiện 4 tháng đạt 5,92 tỉ đô-la, mức cao nhất từ năm 2018 đến nay.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3%, doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 60,6%, tổng số vốn đăng ký bổ sung tăng 39,4% so cùng giai đoạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới