Chủ Nhật, 8/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Triển vọng các đồng tiền chủ chốt trong năm 2024

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đồng đô la Mỹ được dự báo đối mặt với nguy cơ suy yếu trong năm 2024, trong khi các đồng tiền châu Á như yen Nhật và nhân dân tệ có thể hướng tới một sự phục hồi mạnh mẽ.

Đô la Mỹ đối mặt nguy cơ suy yếu

Sau khi tăng vọt lên mức cao nhất trong hai thập kỷ nhờ các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hồi năm 2022, đồng đô la Mỹ đã bắt đầu đảo chiều sang xu hướng giảm khi giới đầu tư ngày càng tin tưởng vào khả năng Fed đã hoàn tất chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, và sẽ sớm chuyển sang cắt giảm lãi suất.

Bước ngoặt đáng chú ý nhất diễn ra vào tháng 12-2023, khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết đợt thắt chặt chính sách tiền tệ lịch sử đưa lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ có thể đã kết thúc, trong bối cảnh lạm phát dần hạ nhiệt. Các nhà hoạch định chính sách hiện dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất ở mức 0,75 điểm phần trăm trong năm 2024.

Những kỳ vọng này đã khiến đô la Mỹ giảm sâu trong những tuần qua. Chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, vừa kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023 ở mức 101,38 - giảm khoảng 2% trong cả năm.

Việc lãi suất giảm thường được coi là một trở ngại đối với đồng đô la. Mặc dù các chiến lược gia đã dự đoán đồng đô la sẽ suy yếu trong năm 2024, song, tốc độ cắt giảm lãi suất nhanh hơn của Fed có thể đẩy nhanh sự suy giảm của đồng tiền này.

Trong khi Chủ tịch Fed Jerome Powel đang phát đi những tín hiệu tương đối ôn hòa, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) lại tỏ ra khá thận trọng khi cho biết có thể duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn. Điều này càng khiến thị trường tin rằng Fed sẽ dẫn đầu trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2024.

Nếu thị trường không nhận được tín hiệu trái ngược nào khác, đồng đô la Mỹ sẽ vẫn chịu áp lực. Societe Generale tin rằng chỉ số đồng đô la Mỹ có thể giảm từ mức hiện tại xuống dưới 100, hay thấp hơn là 97.

Một cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích của Reuters cũng chỉ ra rằng đồng đô la Mỹ sẽ suy yếu trong năm tới.

Theo kịch bản cơ bản do UBS Wealth Management vạch ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm lại, lạm phát hạ nhiệt và kỳ vọng lãi suất thấp hơn sẽ hỗ trợ cho thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Về cặp EUR/USD, UBS dự đoán tỷ giá sẽ ở mức 1,12.

Dự báo của Commerzbank Đức cũng bao gồm mức đỉnh là 1,12. Các nhà phân tích kỳ vọng đồng euro sẽ tăng giá tạm thời so với đồng đô la trước khi suy yếu. Họ dự đoán tỷ giá sẽ tăng lên 1,12 vào tháng 6-2024, sau đó giảm xuống 1,08 vào tháng 3-2025.

Trong khi đó, Nomura đã dự đoán rằng đồng bảng Anh sẽ tăng lên 1,35 đô la vào cuối năm 2025. “Chúng tôi tin rằng xu hướng đồng đô la yếu hơn sẽ trở nên rõ ràng hơn và điều này sẽ giúp đồng bảng Anh tăng giá so với đồng đô la Mỹ”, các nhà kinh tế của ngân hàng cho biết hồi đầu tháng 12.

Ở chiều ngược lại, các chiến lược gia của Goldman Sachs tin rằng mặc dù triển vọng của đồng đô la có thể xấu đi vào năm 2024, nhưng nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ và ổn định sẽ hạn chế sự sụt giảm của đồng tiền này. Theo Goldman Sachs, đồng đô la vẫn được định giá cao và các nhà đầu tư vẫn nghiêng về phía đồng tiền này.

Điều đó sẽ giúp đồng bạc xanh tiếp tục “mạnh mẽ trong thời gian dài” và bất kỳ sự sụt giảm nào cũng sẽ không đáng kể. Nền kinh tế Mỹ hiện vẫn đang vững vàng, và có thể không cần đến mức cắt giảm lãi suất lên tới hơn 1,5 điểm phần trăm trong năm 2024 để hỗ trợ tăng trưởng.

Trong khi đó, các nhà kinh tế của Fidelity International, JPMorgan và HSBC cũng không loại trừ một kịch bản trong đó các cơ quan quản lý khác, như ECB và BOE, có thể sẽ vượt Fed để đi đầu trong việc nới lỏng.

Tại các cuộc họp chính sách hồi tháng trước, các nhà hoạch định chính sách tại ECB và BOE đã không đưa ra bất kỳ tín hiệu nào về việc cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư dự báo ECB sẽ giảm lãi suất tổng cộng 1,61 điểm phần trăm trong năm 2024, và có thể tiến hành đợt cắt giảm đầu tiên vào tháng 4. BOE cũng được dự báo cắt giảm lãi suất 1,48 điểm phần trăm trong năm 2024.

Brad Bechtel, người đứng đầu bộ phận ngoại hối toàn cầu của Ngân hàng Jefferies ở New York cho rằng, ECB và BOE rốt cục sẽ phải giảm lãi suất sớm hơn dự kiến vì tăng trưởng của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh đang gặp nhiều khó khăn trong khi lạm phát đang hạ nhiệt khá nhanh.

“Nếu cả ba ngân hàng trung ương lớn này đều giảm lãi suất, sẽ rất khó có khả năng đồng đô la suy yếu đáng kể”, chuyên gia Bechtel nhận định.

Ngân hàng Danske, Westpac và HSBC cũng tin rằng vào cuối năm 2024 đồng đô la sẽ mạnh lên so với đồng euro và bảng Anh. Dự báo của ABN Amro vào cuối năm tới cho thấy tỷ giá EUR/USD sẽ là 1,05 trong khi Cơ quan Dự báo Kinh tế dự đoán tỷ giá sẽ ở mức 1,023.

2024 sẽ là năm khả quan của yen Nhật

Yen Nhật là một trong những loại tiền tệ có diễn biến tệ nhất trong vài năm qua. Đồng tiền này đã giảm khoảng 20% so với đô la Mỹ kể từ cuối năm 2021, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, còn các ngân hàng trung ương khác đẩy mạnh tăng lãi suất để chống lạm phát. Mức lãi suất cao hơn bên ngoài Nhật Bản đã khiến đồng tiền này liên tục giảm giá.

Tuy nhiên, tình hình được kỳ vọng có thể thay đổi đáng kể lớn trong năm 2024, khi lạm phát tại Nhật Bản đã dần tăng lên trên mức mục tiêu 2% của BOJ. Các số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ lạm phát cốt lõi trong tháng 11 đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, BOJ vẫn tỏ ra thận trọng, chưa sẵn sàng tăng lãi suất quá nhanh vì sợ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Tuy nhiên, giới đầu tư tin rằng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ sớm được thực hiện, một khi BOJ đánh giá rằng lạm phát đã được duy trì một cách bền vững ở trên mức mục tiêu 2%.

Hồi năm ngoái, BOJ đã thực hiện một số điều chỉnh đối với chính sách “kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu” nhằm tìm cách giữ lợi suất trái phiếu dài hạn ở mức thấp. Đồng yen đã tăng khoảng 7% so với đồng đô la Mỹ kể từ giữa tháng 11, thể hiện phần nào kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc BOJ sẽ từ bỏ chính sách lãi suất âm trong năm 2024.

Sự hỗ trợ lớn hơn cả cho đồng yen trong năm mới có thể sẽ đến từ Fed, khi ngân hàng trung ương này tiến hành cắt giảm lãi suất. Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở Nhật Bản và Mỹ đã thu hẹp gần 1 điểm phần trăm trong hai tháng qua, khi lợi suất trái phiếu Mỹ giảm mạnh, qua đó giúp đồng yen tăng khoảng 4,2% so với đô la Mỹ trong tháng 12.

Japan Times dẫn dự báo của tám nhà phân tích thị trường nổi tiếng, cho rằng tỷ giá USD/JPY có thể giảm xuống mức 1 đô la đổi 130 yen vào năm 2024 trong bối cảnh chính sách tiền tệ ở Nhật Bản và Mỹ có nhiều thay đổi.

Đồng nhân dân tệ Trung Quốc được kỳ vọng phục hồi

Một cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy trong năm 2024, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ mạnh lên lần đầu tiên sau ba năm, khi chênh lệch lãi suất bị thu hẹp, giúp dòng vốn chảy ra nước ngoài dễ dàng hơn.

Các nhà phân tích dự báo, tỷ giá USD/CNY có thể dừng ở mức 7 vào cuối năm nay, trong bối cảnh khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc dần được thu hẹp.

Ông Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Mizuho Bank Ltd. ở Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết: “Chu kỳ cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn dự kiến diễn ra vào năm tới sẽ giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất Mỹ - Trung và giảm bớt áp lực dòng vốn chảy ra ngoài”.

Ông Cheung viết trong báo cáo triển vọng năm 2024: “Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ vẫn thận trọng đối với các khoản đầu tư vào Trung Quốc do tình trạng hỗn loạn đang diễn ra trên thị trường bất động sản, sự phục hồi yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và căng thẳng địa chính trị Trung Quốc - Mỹ”.

Mizuho kỳ vọng, tỷ giá USD/CNY vào cuối năm có thể dừng ở mức 6,95 - tức là đồng nhân dân tệ sẽ tăng khoảng 2% so với mức hiện tại. Trước đó, đồng nhân dân tệ đã suy yếu khoảng 10% so với đồng đô la Mỹ kể từ cuối năm 2021, và là một trong những đồng tiền châu Á mới nổi có diễn biến kém nhất trong giai đoạn này.

Niềm tin của nhà đầu tư vào đồng tiền này càng bị xói mòn hơn, do cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản và mức chi tiêu tiêu dùng yếu hơn dự kiến. Các yếu tố này đã trở thành rào cản đối với nền kinh tế và thúc đẩy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) duy trì các chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn so với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu.

Một số mặt tích cực đối với đồng nhân dân tệ đã xuất hiện trong những tháng gần đây, trong đó chủ yếu là kỳ vọng ngày càng tăng về việc Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay trong quí 1-2024. Theo cơ quan quản lý ngoại hối quốc gia, dòng tiền đổ vào thị trường Trung Quốc có vẻ đang được cải thiện khi các nhà đầu tư toàn cầu mua ròng 33 tỉ đô la trái phiếu Trung Quốc trong tháng trước, mức cao thứ hai trong lịch sử.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã quay trở lại với cổ phiếu Trung Quốc trong tuần này. Làn sóng mua cổ phiếu trong nước hôm thứ Sáu tuần trước, đã đánh dấu phiên mua ròng thứ ba liên tiếp của khối ngoại. Dòng vốn ròng 1,9 tỉ đô la được ghi nhận hôm thứ Năm cũng là mức lớn nhất kể từ cuối tháng Bảy.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Bloomberg, vài tháng tới có thể sẽ mang lại nhiều thách thức đối với đồng nhân dân tệ vì các yếu tố thuận lợi theo mùa thường thúc đẩy đồng tiền này như hoạt động mua hàng của nhà xuất khẩu trước Tết Nguyên đán nhiều khả năng sẽ chậm lại so với những năm trước.

Nguồn: Bloomberg, FX Empire, Reuters, Action Forex, Telegraph

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới