Triển vọng giá cao su năm 2009
Dự kiến cả năm 2009 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 700.000 tấn cao su, trị giá gần 1 tỉ đô la. Ảnh: nhà máy của Công ty cổ phần cao su Tây Ninh. |
(TBKTSG) – Từ năm 2002 đến cuối tháng 8-2008, giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới tăng liên tục. Năm 2004 giá cao su xuất khẩu trung bình là 1.163 đô la Mỹ /tấn, đến năm 2006 đã đạt mức 1.817 đô la Mỹ/tấn. Tám tháng đầu năm 2008, giá nhảy lên 2.708 đô la Mỹ /tấn, cao hơn gần 50% so với năm 2007.
Giá cao su thiên nhiên tăng cao trong tám tháng đầu năm 2008 chủ yếu là do giá dầu thô tăng quá nhanh làm tăng giá cao su tổng hợp, khiến nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang sử dụng cao su thiên nhiên. Mặt khác, giá cao su tăng còn do hoạt động đầu cơ.
Tám tháng đầu năm 2008, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục, đạt mức kỷ lục hơn 3.000 đô la Mỹ/tấn vào tháng 8-2008. Tuy nhiên, bắt đầu từ quí 3-2008 cho đến nay giá đã giảm lại. Tính đến cuối tháng 12-2008, giá cao su chỉ còn ở mức 1.315 đô la/tấn, giảm hơn 50% so với thời điểm tháng 8-2008.
Theo Báo cáo thường niên ngành cao su Việt Nam 2008-2009, nguyên nhân khiến giá cao su xuất khẩu Việt Nam giảm mạnh là giá dầu thô thế giới giảm khiến xu hướng sử dụng cao su tổng hợp từ dầu (chiếm khoảng 50%) tăng trở lại.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra cũng làm chậm tốc độ phát triển kinh tế, lượng mua sắm ô tô và vỏ, ruột ô tô ở các nước phát triển chững lại làm cho sức mua cao su giảm sút. Bên cạnh đó, trong ba tháng cuối năm 2008, cao su Việt Nam bước vào thời kỳ tăng sản lượng nên nguồn cung trên thị trường tăng mạnh cũng tác động đến giá xuất khẩu.
Khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong tám tháng đầu năm 2008 đạt 50.000 tấn, trị giá gần 1,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,4% về lượng và tăng hơn 63% về giá trị so với cùng kỳ năm 2007.
Lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam (1995-2008). Đơn vị tính: 1.000 tấn. |
Tuy nhiên, bắt đầu từ quí 3-2008, xuất khẩu cao su của Việt Nam đã giảm cả về lượng và trị giá xuất khẩu. Khối lượng cao su xuất khẩu tháng 9-2008 đạt 75.000 tấn, trị giá 223 triệu đô la, giảm 1,3% so với tháng 8-2008.
Tháng 9,10,11-2008 lượng và giá trị xuất khẩu tiếp tục giảm so với các tháng đầu năm 2008. Đến tháng 12-2008, lượng cao su xuất khẩu đã giảm 11,4% về giá trị so với tháng 11-2008, đạt 116 triệu đô la.
Năm 2009, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm so với năm 2008. Nỗi lo kinh tế thế giới suy thoái đã làm giảm nhu cầu hàng hoá, đặc biệt là ô tô. Nhu cầu từ các nhà sản xuất ô tô tại các thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đang giảm và sẽ tiếp tục giảm trong năm 2009.
Ngoài ra, giá dầu và cung cầu của ngành cao su cũng sẽ góp phần tác động đến giá cao su. Theo Báo cáo thường niên ngành cao su Việt Nam 2008-2009, giá dầu thế giới năm 2009 trung bình sẽ ở mức 55,5 đô la/thùng. Bên cạnh đó, cung cầu cao su thiên nhiên trên thế giới mặc dù được dự báo giảm so với năm 2008 nhưng vẫn ở mức tương đối ổn định, đạt khoảng 9,5 triệu tấn, giảm 5% so với năm 2008. Trong khi đó, nhu cầu cao su thiên nhiên của thế giới năm 2009 cũng sẽ giảm 0,9% so với năm 2008, đạt mức 9,56 triệu tấn.
Có thể thấy giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới trong năm 2009 sẽ còn nhiều biến động. Và mức giá dù có tăng nhưng sẽ vẫn ở mức thấp hơn năm 2008, do các yếu tố tác động như giá dầu, nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ…
Xuất khẩu cao su Việt Nam năm 2008. Nguồn: AGROINFO tổng hợp theo nguồn của Tổng cục Hải quan. |
Theo số liệu dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến cả năm 2009 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 700.000 tấn cao su, trị giá gần 1 tỉ đô la.
Còn theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2009 lượng xuất khẩu cao su sẽ tăng nhẹ nhưng giá trị sẽ giảm từ 10-15% so với năm 2008. Mức giá xuất khẩu bình quân năm 2009 cũng sẽ ở mức thấp hơn so với mức trung bình năm 2008 từ 20-30%.
Như vậy, với mức giá dầu trung bình năm 2009 trong khoảng 50-60 đô la/thùng, giá cao su thế giới cũng ở mức hơn 1.600 đô la /tấn, thì giá cao su trong nước năm 2009 sẽ dao động trong khoảng 1.200-1.400 đô la/tấn.
Do đó, trong năm 2009, nếu Việt Nam xuất khẩu được 700.000 tấn cao su thì sẽ đạt kim ngạch khoảng 840-980 triệu đô la.
Báo cáo thường niên ngành cao su Việt Nam 2008-2009 cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng nhập khẩu cao su lớn trên thế giới, trong đó có nhập khẩu từ Việt Nam. Thị trường Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu cao su năm 2007-2008 lớn nhất thế giới, ở mức 39,27%. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao su năm 2007-2008 của Trung Quốc từ Việt Nam cũng đạt 26,59%.
Hàn Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 dự báo đạt 3,4% và tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu năm 2007-2008 đạt 28,72% cũng được đánh giá là thị trường nhập khẩu cao su nhiều triển vọng. Cộng hòa Séc mặc dù có kim ngạch nhập khẩu cao su năm 2008 không lớn, chỉ đạt 8,3 triệu đô la, nhưng với dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 sẽ đạt 3,3 cũng được xem là thị trường triển vọng cho cao su xuất khẩu Việt Nam.
NGUYỄN TRANG NHUNG – PHẠM QUANG DIỆU – ĐỐ KIM OANH